SƯ TỬ TRÙNG THỰC SƯ TỬ NHỤC

Ngược dòng thời gian 60 năm về trước vào cuối thập niên 30 và suốt thập niên 40, tổ quốc Việt Nam bị đô hộ của ách ngoại bang, một cổ hai tròng, nền văn hóa nô dịch lai căn khiến tầng lớn tuổi trẻ sống theo sự cám dỗ của vật chất kiểu Tây phuơng, lại ngày càng đánh mất và xa rời bản sắc truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh ấy, Gia Đình Phật Tử Việt Nam ra đời gồm đội ngũ thanh niên, tri thức dưới sự lãnh đạo của Bác Tâm Minh Lê Đình Thám nhằm quy tụ tầng lớp thanh, thiếu, đồng niên đuơng thời lấy giáo lý Phật Đà làm nền tảng căn bản giáo dục để đối trị sự tha hóa mất bản sắc dân tộc.

Trong Kỳ họp Tổng hội đồng chính thức đầu tiên cuả An Nam Phật Học Hội Bác đã dõng dạt tuyên bố: Không có một thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ thanh thiếu nhi. Vì họ là người nối tiếp chúng ta trong mai hậu” (Tâm Minh – Ngày 14.8.1938). Dần dà phong trào lan rộng ra khắp ba miền Bắc – Trung – Nam của Tổ quốc. Giờ đây còn lan rộng ra khắp Thế giới, quốc gia nào trên thế giới có người Việt sinh sống, nơi đó đều có GĐPT sinh hoạt. Tại Quốc nội mặc dù gặp phải nhiều biến thiên của thời cuộc nhưng GĐPT vẫn tồn tại như một thực thể bất di bất dịch.

Mãi đến sau thời điểm năm 1975, tình hình sinh hoạt có phần khó khăn, phức tạp, sự quản lý điều hành chung của hệ thống tổ chức bị gián đoạn, ách tắc, cho nên hàng ngũ Huynh truởng bị mất phương huớng. Do đó tinh thần sinh hoạt bị thả nổi, mặc dù BHD TW đã rất cố gắng (thăm viếng, sách tấn, động viên, kết nối các địa phương…) nhưng tình hình chung cực kỳ khó khăn nên đành phải “tùy duyên bất biến”. Phần đông các đơn vị phải ngưng sinh hoạt, một số đơn vị sinh hoạt lẻ tẻ, rời rạc, hầu như tất cả đang ẩn nhẫn đợi chờ…

Bao nhiêu năm tháng thăng trầm theo thời cuộc, cũng đã có lúc thăng hoa rạng rỡ đến huy hoàng, cũng có lúc tắt lịm trong điêu tàn vì khói lửa chiến tranh. Nhưng có một điều duy nhất vẫn còn sống mãi với thời gian: đó là Đức Tin vào Chánh pháp và tâm Bồ đề kiên cố của tập thể Lam viên. Cho nên dù trải qua bao sống gió gian nan, màu Áo Lam vẫn tuơi thắm khoe sắc trên dãi đất hình Chữ “S”…

Năm 1989, một luồng dư chấn gây ảnh huởng xôn xao đến đông đảo anh chị em Huynh truởng, đó là sự ra đi của chị Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc. Như những hòn than âm ỉ trong bếp tro đang đuợc khơi dậy bởi làn gió nam, và bùng lên mạnh mẽ khi anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ nằm xuống năm 1993. Lễ tang của anh Từ như biểu duơng lực luợng để làm tiền đề cho sự phục hưng sinh hoạt Gia Đình Phật Tử  của các vùng miền. Nơi nơi xây dựng đơn vị, phát triển đoàn sinh, từ đó nảy sinh một tỷ lệ mất cân đối là: đoàn sinh dễ phát triển, nhưng Huynh truởng tìm đâu ra?!… Gần 20 năm chuớng ngại khó khăn, số Huynh truởng cũ (già giặn kinh nghiệm, mẫu mực…) đã lụn tàn theo năm tháng, số Huynh truởng trẻ (tuổi đời, thâm niên sinh hoạt, kinh nghiệm…) còn quá non yếu. Do đó BHDTW mở cấp tốc hàng loạt trại huấn luyện nhằm đào tạo số HTr cần thiết, nhằm đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt. Từ đó chúng ta bị ảnh huởng bởi một quy luật mà nó vẫn còn âm ỉ ở một số nơi cho đến hôm nay, đó là: “Nặng về luợng nhẹ về chất”, Và cũng do vậy mà một số Huynh Truởng chưa đuợc đào tạo đến nơi đến chốn, không đủ năng lực đạo đức đứng lên cầm đoàn?!…Vậy thử hỏi lớp Huynh truởng này có “thân giáo” chưa? Có chiều sâu, bề dày để đủ sức chịu đựng gian khổ với tổ chức hay không? Hay chỉ mới nếm mùi sóng gió khó khăn đôi chút đã co giò chạy theo nhu cầu lợi duỡng… Số Huynh truởng còn lại trong quá trình hành hoạt có chịu học chịu tu không? Các anh chị đã học thuộc 10 điều tâm niệm của người Huynh truởng GĐPT Việt Nam chưa? Các anh chị có bao giờ tự kiểm điểm về bản thân mình về 4 đức tính cần có của một người Huynh truởng chưa?… Những đề tài tu học và huấn luyện dành cho Huynh truởng từ bậc Kiên cho đến Bậc Lực, Từ trại Lộc Uyển cho đến Vạn Hạnh chúng ta đã qua và thực hành đuợc những cánh cửa nào?!… Hoặc đã qua rồi nhưng thẩm thấu đuợc bao nhiêu phần trăm cho sinh hoạt tu học? Các anh chị đã nghiên cứu học tập đề tài Chân Dung Huynh Truởng chưa?… tất cả những gì vừa nêu chỉ là “một phần” hành trang nhập cuộc của người Huynh truởng.

Một số Huynh Truởng thấy mình có đôi chút nổi trội thì bản ngã kêu căng trỗi dậy. Kiếm tìm cơ hội, đoạt lợi tranh danh, còn cống hiến hy sinh thì né tránh phớt lờ, thiếu trách nhiệm, nặng việc riêng, nhẹ việc chung. Lười tu nhác học, cứ ỷ mình 2, 3, hay 4 hột thì xem thuờng việc tu – học của tự thân, mãn nguyện ngủ chìm trong mộng mị của ánh sáng hoàng kim đó.

Chưa kể một số Huynh Truởng mắc bệnh công thần, năng lực yếu kém nhưng đòi trèo cao? Không đuợc chức vị thì mặc cảm giận hờn? Để rồi đức tài kém cỏi trở thành gánh nặng trì trệ tổ chứcbuông lung tự thân, quên giới quên luật xử sự theo cảm tính, làm mích lòng kẻ dưới người trên, gây mất đoàn kết nội bộ, lu mờ bài học Thân giáo, tổn thuơng danh dự tổ chức!?…

Và rồi mỗi ngày, quý anh chị đã dành đuợc bao nhiêu thời gian cho công phu hàm duỡng tu tập? Dành đuợc bao bao nhiêu thời gian cho việc học tập trau dồi nâng cao KIẾN THỨC NGHỀ TRUỞNG?!… Dành đuợc bao nhiêu thời gian để suy tư tìm kế sách tổ chức sinh hoạt cho đơn vị hiệu quả hơn? Hay nếu có ai góp ý xây dựng thì đùng đùng tự  ái… Là một tổ chức với Sứ mệnh giáo dục đạo đức, phát huy tôn chỉ “Lý tuởng chỉ huớng thuyền đời, nẩy hoa cho cuộc sống” cho thế hệ trẻ mà hàng ngũ cán bộ như thế thì làm sao phụng sự Lý tuởng, xây dựng tòa Lam? Trong khi số HTr có phẩm chất, có tinh thần phục vụ tích cực thì quá ít ỏi, làm sao đủ sức chèo chống với phong ba…

Quả đúng lời ngừơi xưa dạy “Gia bần tri hiếu tử”, khi nhà nghèo thì mới biết ai là con Hiếu. Như đã nói ở trên, đó là Nội ma ở trong máu đào tủy sống của ta, ngoài ra nó còn nhiều loại ma khác cũng rất đáng sợ, chúng nó là bà con thân bằng quyến thuộc của chúng ta, mà bản chất của họ đã lộ rõ là những người lợi dụng đạo pháp, muợn đạo tạo đời, là những kẻ cơ hội háo danh ham tài.

…………………………………………………………………………………………………………….

(Xin phép tác giả không đăng tải một đoạn này. Mong đồng cảm và hoan hỷ)

………………………………………………………………………………………..

 Rồi họ bị áp lực nhiều phía từ bên ngoài hùa theo ma chuớng, chèn ép gây khó khăn cho sinh hoạt Áo Lam. Không thấy “Tàm Quý” với sứ mệnh “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” mà tự thân đã Tự thệ nguyện nhận lãnh gánh vác.

Một khi Thầy cô trụ trì chỉ trích chê bai, phản bác sinh hoạt của GĐPT, thì việc duy trì sinh hoạt vô cùng khó khăn nguy khốn. Bởi phần đông đạo hữu kiến thức thiển cận, đi chùa chỉ vì cầu bình an, cầu may giải hạn… Xem Thầy cô như “Phật tái lai”, Thầy cô nói gì thì như thánh chỉ ban ra, răm rắp vâng dạ, bất kể chánh tà đúng sai, từ đó nghi ngờ Huynh Truởng, bất tín không ủng hộ sinh hoạt GĐPT. Không đồng tình việc con đi sinh hoạt. Gặp tình cảnh như vậy thì BHT đơn vị phải xoay sở làm sao, ứng biến như thế nào cho Y pháp?!… Trong đó những tay Huynh truởng cơ hội tham NHU hám CẦU, đục nuớc béo cò, phá hoại Mái nhà Lam, tác oai tác quái để tìm chút công danh với đời…

Chưa hết, những khó khăn Nội tại dẫu sao cũng còn nhiều kế sách để xoay sở, ứng phó. Còn khó khăn ngoại tại thì sao? Đã là Huynh truởng GĐPT Việt Nam thì ai cũng biết chúng ta đang đối mặt với cả nội ma lẫn ngoại chuớng, và cả hai phía đều nặng nề ghê gớm. Nội ma là ung nhọt đôc địa lỡ nhói tàn phá bên trong, ngoại chuớng là thiên tai dịch bệnh hoành hành bên ngoài. Chung quanh ta ma chuớng đoanh vây, người thuơng kẻ ghét dẫy đầy…

Những chuớng ách thiên tai nói sao cho hết, nó thiên hình vạn tuợng đủ màu đủ sắc, từ nhiều phuơng huớng và bằng nhiều cách thức khác nhau, lúc thì êm ái nhẹ nhàng như bản truờng ca êm ả cho côn trùng, sâu bọ… phát triển, lúc thì sấm sét điện chớp, dông tố bão bùng, cho gãy cành trốc gốc “đó là âm mưu phân hóa của kẻ ngoại đạo”.

Cái khó chất chồng lên trăm nỗi khó khăn. Chúng ta phải vận dụng hành hoạt như thế nào để khắc phục?!… Người Huynh truởng trước hết phải là ngừơi Phật tử  chơn chính, việc học đạo, tu đạo phải chuẩn mực, “Xả bỏ cái Ta” là tấm guơng sáng cho đàn em soi rọi, cho mọi người soi theo. Tự thân người Huynh Truởng phải là bài thuyết pháp không lời “Thân Giáo”.  Có “Dĩ thân tác chứng” mới có thể “Dĩ thân tác chúng”, tránh thái độ nguy hiểm “Nhứt manh dẫn quần manh”, và lúc ấy , những gì Huynh trưởng truyền trao cho đoàn sinh, cho anh em, cha mẹ, gia đình, những người quyến thuộc chung quanh sẽ không còn là lý thuyết suông, không còn như một con vẹt chỉ biết nói theo người khác mà nó phải đi vào tâm hồn tươi trẻ, tạo thành chất keo gắn bó những cá nhân với cộng đồng sinh hoạt Phật giáo nói chung và GĐPT nói riêng! Nghe có vẻ khó quá phải không? Ấy vậy mà anh chị em chúng ta đã và sẽ vượt qua được, bởi vì chúng ta là HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM. Một duyên sinh siêu tuyệt mà không dễ ai có được. Một Sứ mệnh kết hợp đủ 4 yếu tố là “Hy sinh – tình thương –nhẫn nhục – và trung kiên” được phát huy hài hòa đúng mức với tinh thần “Bi – Trí – Dũng”  và 10 điều tâm niệm của người Huynh trưởng thì khó khăn nào cản bước được ta?!…

…………………………………………………………………………………………………………….

(Xin phép tác giả không đăng tải một đoạn này. Mong đồng cảm và hoan hỷ)

………………………………………………………………………………………..

Vậy nên, để hạn chế sự tổn hại của nội ma ngoại chướng thừa cơ phá đạo, lợi dụng phá hoại tổ chức, chúng ta cần phải tích cực, ra sức nghiên cứu không ngừng, hầu lượng giá ma chướng từ  mọi gốc độ và chuẩn đầy đủ tư lương khí cụ sắc bén, có biện pháp đề phòng thích ứng để tự vệ hữu hiệu và cũng để thực hiện mục đích GĐPT Việt Nam – mà cũng chính là thực hành Sứ mệnh Người Huynh Trưởng Áo Lam “Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật tử chơn chính – Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.

– Minh Giác –


NAL: Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, quan điểm của tác giả không phản ánh toàn bộ quan điểm của Người Áo Lam

NGUỒN: http://nguoiaolam.net.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb