Tứ Vô Lượng Tâm – đâu chỉ nói ở đầu môi.

12301585_1698301727068687_6824069270718343987_n

BBT Trang nhà xin trân trọng giới thiệu bài viết của Anh Nguyên Hoàn – Lê Minh Toàn (Phó Ban biên tập nội san Sen Trắng -Đang sinh hoạt tại GĐPT Khánh Hòa).

TỨ VÔ LƯỢNG TÂM ĐÂU CHỈ NÓI Ở ĐẦU MÔI

Trong cuộc sống đời thường, người ta thường bảo với nhau rằng: “hãy sống với nhau bằng tấm lòng”. Vì không gì tồn tại và chân thật bằng cái tâm. Tấm lòng hữu hảo đối với nhau. Mọi cái rồi sẽ qua đi, mất đi. Chỉ có cái tâm là hằng hữu, cho nên sống với nhau bằng cái tâm là điều cốt yếu nhất. Vì thế mà đại thi hào Nguyễn Du đã nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Chính thấy rõ cái tâm là nguyên ủy, nguồn cội của mọi đức hạnh. Là giềng mối của mọi sự liên quan mật thiết trong cuộc sống cộng trụ nhân sinh. Là sợi dây tinh thần siết chặt tình người trong cuộc sống. Nên Đạo Phật chủ trương phải sống, phải thực hiện bốn điều rộng lớn, cởi mở, bao dung. Thoát khỏi cái bản ngã, cái tôi ích kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi, làm cho tâm hồn khô chết, lụn bại. Vậy bốn điều rộng lớn ấy là gì, tức là TỨ VÔ LƯỢNG TÂM. Bốn mạch nguồn đem lại sự sống an vui, tốt đẹp, lành mạnh cho cộng đồng xã hội, cộng trụ nhân sinh.

1. ĐỊNH NGHĨA

Tứ vô lượng tâm, tức bốn tâm vô lượng.

Vậy tâm vô lượng là tâm như thế nào? Tâm vô lượng là tâm rộng lớn, cởi mở, không hẹp hòi, bủa xĩn. Cái tâm thoát khỏi sự suy tính riêng tư theo bản năng ích kỷ, cái tôi nhỏ bé của mình, cái tâm không còn, không có ngã chấp chứa đầy những phiền não phàm phu. Mà ngược lại là cái tâm đầy yêu thương rộng lớn, khoáng đảng không câu chấp hẹp hòi. Cái tâm vượt ra ngoài các hệ lụy và tìm cầu phương cách làm lợi cho tha nhân, xã hội.

Vô lượng có nghĩa là không hạn lượng, tức rộng lớn bao la. Tâm vô lượng cũng là tâm không hạn hẹp bởi không gian và thời gian, bình đẳng không phân biệt ta, người thân sơ, thù bạn. Một cái tâm trong sáng đầy ắp tình yêu thương vô bờ bến.

Tứ vô lượng tâm gồm có:

– TÂM TỪ: tức là tâm có khả năng đem lại niềm vui chân thật, trang trải hạnh phúc đến tất cả mọi người, mọi loài. Vui chân thật là vui giải thoát không bị dục vọng tham, sân, si chi phối. Không có sự ích kỷ, hẹp hòi, biên kiến, thiên lệch. Nên người có tâm từ đi đến đâu không đem được niềm vui đến thì thôi, chớ có để lại nỗi buồn. Bởi vì từ là ban vui, đem niềm vui đến. Tu tập lòng từ để đối trị giận hờn.

– TÂM BI: Bi tức là cứu khổ, cho nên tâm bi là tâm có khả năng làm vơi đi nỗi khổ đau của người khác khi có mặt. Nó bao gồm ý chí muốn chuyển hóa nỗi đau khổ của người, gồm cả phương pháp và hành động để chấm dứt nỗi khổ. Tu tập lòng bi để đối trị tàn ác. Lòng từ và lòng bi là thứ tình thương không có điều kiện và cũng không chờ đợi sự đền trả.

Lòng từ bi trong đạo phật là PHỔ MÔN TỪ BI, tức lòng yêu thương rộng lớn không ranh giới, không phân biệt. Không có chủ đích mong đáp trả, báo đền. Khác với ÁI KIẾN TỪ BI là lòng thương có ranh giới, có phân biệt không rộng lớn.

– TÂM HỶ: Hỷ là mừng, vui. Phàm làm được những việc tốt lành đều gọi là việc hỷ. Tâm hỷ còn có nghĩa là vui theo. Đó là lòng vui thật sự trước hạnh phúc, trước sự thành công của kẻ khác. Vui vì thấy chúng sinh hết khổ. Lòng vui theo những việc nhân từ phước thiện. Tu tập lòng hỷ để đối trị với lòng sầu bi, khổ não, ganh ghét.

– TÂM XẢ: Xả vứt bỏ, buông xả, không vướng mắc, không chấp trước. Để có sự nhẹ nhàng, thư thái, tự do. Không phân biệt, không kỳ thị, nhưng không có nghĩa là trốn tránh trách nhiệm … Xả là trạng thái không luyến ái, cũng không ghét bỏ. Tâm lượng quảng đại bao dung, xem kẻ thân, người sơ đều bình đẳng, ta người không khác. Tâm niệm thanh thoát, cởi mở đạt được do sự nhận thức tánh bình đẳng, tương tác giữa mọi người. Mình và người không phải là hai thực thể riêng biệt. Tu tập TÂM XẢ để đối trị lòng tham dục, đố kỵ, kỳ thị và vướng mắc.

2. TỨ VÔ LƯỢNG TÂM ĐỐI VỚI NGƯỜI TU TẬP

Qua trên chúng ta thấy “TỨ VÔ LƯỢNG TÂM” đối với người tu tập, hành trì giáo lý nhà Phật để tìm cầu sự giải thoát cho mình, cho người thật là quan trọng. Vì Tứ Vô Lượng Tâm là bốn trạng thái của Tâm Bồ Tát. Hay nói cho cùng cũng là bốn pháp tu của những người con Phật tu hạnh Bồ Tát. Thực hành Bồ Tát Hạnh, Bồ Tát đạo vậy.

Vì sao? Vì trong bản tánh của con người đều có hai xu hướng. Đó là xu hướng thiện và xu hướng ác. Hai xu hướng nầy luôn chống trái lẫn nhau. Làm cho con người phải luôn luôn đấu tranh để giữ vững. Vì hể thiện chổi dậy mạnh, thì các cái ác lùi. Các cái ác trổi hơn, thì cái thiện mờ nhạt. Thiện ác cũng như ánh sáng và bóng tối. Vốn dĩ nó chẳng diệt mất. Nhưng cái này mạnh hơn, thì cái kia sẽ lùi lại mà thôi.

Từ đó mà trên con đường tu học tìm cầu chân lý, tìm cầu sự giải thoát, người tu hành, hành giả phải thấy rõ sự đối trị của bốn món tâm vô lượng để mà hành sử, để mà thực hiện như việc rửa mặt hằng ngày. Vì:

1. Hể để lòng giận hờn bùng dậy. Thì lúc đó tâm hung hăng nổi dậy, cái tôi ích kỷ nổi dậy, thì tâm từ bi sẽ bị lấn át và từ đó mà mọi điều xúc phạm đến người, đến tha nhân sẽ không ngần ngại. Sẽ không kìm chế được. Gây biết bao nhiêu hậu quả không hạn chế được. Lúc đó đâu còn tâm bao dung, độ lượng mong cứu giúp mọi người, làm cho người vơi khổ và ngược lại chỉ thêm khổ cho người mà thôi.

2. Khi lòng sân hận bừng cháy. Tâm từ sẽ bị che khuất, lúc đó cái tôi ích kỷ, hẹp hòi chổi dậy, làm mất hết sự sáng suốt. Chỉ nghĩ đến sự đáp trả cho hả lòng giận, lòng hờn. Chớ còn gì nghỉ đến lẽ phải, lẽ trái mà làm cho mình vui người người vui đế ban vui. Ngược lại chỉ toàn tuôn ra ngôn ngữ và hành động xấu ác làm mất nhân tính và nếp sống nhân văn, văn hóa. Kéo theo một chuỗi dài những điều chẳng lợi gì cho mình, chẳng lợi gì cho người. Trong kinh đã chẳng dạy rằng: “Một phút sân hận, đốt cả rừng công đức”.

3. Khi lòng áo não, cố chấp dẫy đầy ,thì tâm hỷ sẽ không thể nào biểu hiện được. Vì sự ích kỷ cố chấp, sầu buồn nó làm che mờ chân trí. Nên trong mọi hành sử sẽ không còn khoáng đảng, bao dung, độ lượng. Thì làm gì có tâm hỷ mà vui với cái vui của mọi người. Để từ đó có một sự hòa hợp triệt để, chan hòa triệt để. Tạo nên một sức sống, niềm vui triệt để.

4. Khi lòng ái dục, tức lòng chưa thoát khỏi sự yêu thích ích kỷ, hẹp hòi, thì tâm xả làm gì nảy sanh. Mà thật thế, khi con người còn mãi đắm chìm trong thất tình, lục dục. Thì cái tôi và cái của tôi luôn luôn bùng dậy, làm sao có thể có tâm xả. Mà ngược lại chỉ có tâm đắm mê, vướng mắc mà thôi. Nên làm cho sự sống giữa mình và người luôn luôn cố chấp, xa lìa, rất tiết.

Bởi thế người con Phật, người tu hành phải triệt để:

–  Thực hiện tâm bi lớn mạnh, để diệt trừ lòng hận tiêu tan.

–  Thực hiện tâm từ lan rộng, để lòng sân phải đẩy lùi.

–  Thực hiện tâm hỷ triệt để, để lòng ưu não, phiền muộn phải lắng xuống.

–  Thực hiện tâm xả phát triển, thì lòng ái dục sẽ nhẹ đi.

Trong cuộc chiến đấu bản thân. Việc thực hiện các tâm TỪ – BI – HỶ- XẢ để chống lại SÂN – HẬN – ƯU – DỤC là cuộc chiến đấu trường kỳ cho đến khi thành tựu. Tức là luôn luôn, lúc nào cũng phải thực hiện cho bằng được các đức TỪ – BI – HỶ – XẢ cho đến vô cùng tận để sân, hận, ưu, dục hoàn toàn bị tiêu diệt mới thôi.

Nghĩa là khi TỪ – BI – HỶ – XẢ đã trở thành vô lượng, thì phiền não sẽ không còn. Nên hành giả, những người tu tập mới ăn ngon, ngủ ngon và thong dong, tự tại.

3. KẾT LUẬN:

Vậy đối với tập thể nhà Lam, nhất là đối với hàng huynh trưởng chúng ta phải phấn đấu, tu tập như thế nào để bốn đức TỪ – BI – HỶ – XẢ luôn luôn biểu hiện để tự thân tốt đẹp và ảnh hưởng tốt đẹp với tổ chức, với đàn em và mọi người chung quanh. Thực hiện trọn vẹn chức năng và nhiệm vụ của mình.

Bốn đức TỪ – BI – HỶ – XẢ trong đạo cũng như ngoài đời thường nghe rất quen và như lời nói đầu môi. Chính vì nghe rất quen mà ta thiếu để ý và phân tích ý nghĩa sâu xa của nó. Nên tưởng dễ thực hiện. Nhưng thật ra khó thực hiện vô cùng. Vì sao? Sở dĩ khó thực hiện bởi những lý do sau đây:

  1. Do cái tôi và cái của tôi quá nặng: thật vậy trong cuộc sống sở dĩ gây cho nhau nhiều khổ đau, phiền toái và không hiểu nhau, san sẻ cho nhau chân thật, hết lòng cũng vì cái tôi và cái của tôi lúc nào cũng bừng dậy làm che mất chân trí, lu mờ nhân tâm để cho ý nghĩ, tư tưởng cứ thuận theo cái tâm ích kỷ, hẹp hòi mà xử sự với nhau. Nên làm gì có sự san sẻ, yêu thương mà từ, bi, hỷ xả. Nếu không muốn nói là xúc phạm và gây hại cho nhau. Để tự đó mọi sự công bằng, khoan dung, độ lượng, … hầu như chỉ là các từ hoa mỹ mà thôi.
  2. Do bệnh sở tri chướng nhiễm nặng. Trong cuộc sống cộng sinh giữa người với người. Bệnh sở tri chướng là một căn bệnh rất nguy hiểm làm cho tình đoàn kết, gắn bó yêu thương không thể hiện được. Làm cho chất lượng cuộc sống cộng đồng, cũng như cá nhân không thể nào phát triển tốt đẹp. Bởi lẽ cái tôi cố chấp, ích kỷ, hẹp hòi tự cho mình là tài, là giỏi, là hơn người, là quan trọng … cho nên lúc nào cũng tự cao, tự mãn, kiêu căng ngã mạn, xem ai chẳng ra gì, mình là hơn hết “mục hạ vô nhân”. Thì làm gì có sự sống nhún nhường, chia xẻ an hòa cộng trù. Kham nhẫn chia bùi xẻ ngọt mà có từ, bi, hỷ, xả. Cho nên căn bệnh sở tri chướng là một căn bệnh làm hại cho chính bản thân là trước hết và gây ảnh hưởng chẳng mấy tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội.
  3. Bệnh phiền não chướng: căn bệnh phiền não chướng cũng là một căn bệnh làm hại cho chính bản thân và ảnh hưởng không tốt đẹp đến cộng đồng và làm giảm chất lượng cuộc sống. Bởi vì thất tình, lục dục, luôn luôn chi phối họ. Làm cho họ lúc nào cũng bất an, ưu sầu, khổ não. Chẳng lúc nào lạc quan và nhìn vào sự thật, mang nỗi hoài nghi, mặc cảm nặng nề, xa lánh mọi sự thật, xa lánh mọi người, nhất là kẻ hơn mình. Bởi thế mà căn bệnh phiền não chướng làm chướng ngại cho mọi sự tiến thủ cũng như làm hạn chế sự sống tương giao, cộng trụ mật thiết. Nên các đức từ, bi, hỷ, xả khó có thể có ở những người mang nặng căn bệnh nầy.
  4. Bệnh ái dục nặng nề, cũng là căn bệnh ảnh hưởng lớn đến cách sống, lẽ sống. Bởi với căn bệnh ái dục phát khởi, con người sẽ mang một tâm lý ích kỷ, hẹp hòi. Bao giờ cũng muốn thỏa mãn cho những dục lạc của mình. Mà dục lạc thì biết sao cho đủ, biết sao cho vừa. Nên như một con thiêu thân nhảy vào ánh sáng để tiêu mất mạng một cách oan uổng mà không hay biết. Với những thành phần nầy làm gì có các đức từ, bi, hỷ, xả.

Cho nên dẫu rằng các đức từ, bi, hỷ, xả là mạng mạch của sự sống.  Là tư lương của con người đi tìm cầu sự an lạc, giải thoát. Song vì những căn tính cố hữu trên, luôn thắng cái thiện và cái chân. Nên làm trở ngại, chướng ngại cho việc xây dựng một cuộc sống, một lẽ sống tốt đẹp cho mình, tốt đẹp cho người, tốt đẹp cho hiện tại và cả tương lai.

Do đó mà đối với một lam viên, nhất là hàng huynh trưởng đang tại hàng trên vai trách nhiệm giáo dục, dìu dắt đàn em cần phải thấy rõ, cần phải vận dụng lực dụng của TINH TẤN, VÌ TINH TẤN là cội nguồn của mọi đức hạnh để loại trừ các chướng ngại. Nhằm xây dựng một tự thân có nhiều điều đẹp, thiện, hay hơn các điều xấu, ác, dở để mà tu, để mà dấn thân phục vụ.

Có như vậy mới mong kéo dài được mạng mạch của tổ chức. Mới góp phần xứng đáng trong tinh thần phục vụ lý tưởng và hộ trì đạo pháp xương hưng.

Nguyên Hoàn – Lê Minh Toàn

tubihyxa

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb