Pháp thoại: Quê Hương là mùa xuân của chúng ta

12728901_532136546959668_9068027659792405444_n

Hòa thượng THÍCH THÁI HÒA

Nam Mô Bốn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật
Thưa đại chúng
Hôm nay là ngày đầu xuân Bính thân, năm 2016, tại Tịnh Quang Thiền Đường chùa Phước Duyên, Huế, Tôi thay mặt Hòa thượng Viện chủ và Tăng chúng, kính chúc Đại chúng và thân quyến năm mới luôn luôn sống an lành trong ánh sáng Trí tuệ và Từ bi của chư Phật.
Nhân đây, tôi xin chia sẻ Pháp thoại đầu năm: Quê hương là mùa xuân của chúng ta.
Thưa Đại chúng,
Năm nay, mùa xuân Bính thân lại trở về trên quê hương chúng ta. Mọi người trên quê hương chúng ta đang hân hoan đón mừng xuân mới này. Năm này, chúng ta sống với năm chú Khỉ và chúng ta đón xuân chú Khỉ vào nhà. Chúng ta cần lưu ý đến các điểm nhấn sau đây:
Nhìn lại để bước tới:
Năm Ất mùi, 2015 đi qua, để lại cho thế giới con người chúng ta nhiều biến cố rất đáng chiêm nghiệm và suy nghĩ.
Biến cố thứ nhất là “biến đổi khí hậu”. Khí hậu theo quy luật tự nhiên đã bị biến đổi hoàn toàn, khiến mùa xuân không còn là mùa xuân nữa; mùa hạ không còn là mùa hạ nữa; mùa thu không còn là mùa thu nữa và mùa đông cũng không còn là mùa đông nữa. Sự biến đổi khí hậu này do đâu? Do tự thân của trời đất hay do những tri thức của khoa học tác động ? Nếu do tri thức khoa học tác động, thì thế giới khoa học sẽ đưa các sinh vật trên trái đất này đi về đâu ở thế kỷ 21 và 22, khi mà mọi sinh môi đều bị ô nhiễm bởi những chất phóng xạ?
Biến cố thứ hai là “địa chấn”. Các biến cố động đất gây kinh hồn ở Nepal, Đài Loan, ngay cả Việt Nam trong năm qua có những trận địa chấn xảy ra ở các tỉnh Sơn La, Quảng Nam, Quảng Ngãi, ấy là những điềm báo không lành cho cư dân trái đất chúng ta. Phải chăng chúng ta đã sử dụng những phương tiện văn minh khoa học của tri thức con người, để khai quật và rút ruột những hầm mỏ trong lòng trái đất, dẫn đến những trận động đất và sóng thần?
Biến cố thứ ba là “dịch bệnh”. Các bác sĩ y khoa cho biết bệnh ung bướu cách đây ba mươi năm rất hiếm hoi. Các sinh viên y khoa học về khoa này, bấy giờ ít có bệnh nhân lâm sàng để khám nghiệm và nghiên cứu. Nhưng, ngày nay khoa ung bướu, tỷ lệ bệnh nhân chiếm rất cao so với các khoa khác. Hiện nay có một loại vi khuẩn gây bệnh rất nguy hiểm tại Phi châu và đã truyền nhiễm sang nhiều quốc gia trên thế giới. Loại vi khuẩn này hiện nay đang vượt tầm kiểm soát của tri thức y khoa, chúng đang đe dọa đến đời sống của con người trên trái đất này. Như vậy, dịch bệnh do đâu, đây là điều chúng ta cần chiêm nghiệm và suy nghĩ?
Biến cố thứ tư là “đức tin Tôn giáo”. Những kẻ nhân danh đức tin Tôn giáo, đã tạo nên những cuộc khủng bố kinh hoàng như ở Paris nước Pháp, Beirut thủ đô Libang, Ai cập… và nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặt đời sống của con người trên trái đất này vào vị trí bất an. Do đâu, tại sao xảy ra như vậy?
Biến cố thứ năm là “nạn vượt biên”. Hàng triệu người vượt biên từ Syria, Afghanistan, Ethiopia, Sudan và Somani đến Âu châu tỵ nạn, đã tạo ra những rối rắm và khủng hoảng cho châu lục này. Họ vượt biên phải chăng do cuộc xung đột vũ trang và tình hình bất ổn từ các nước Trung đông và Bắc phi?
Biến cố thứ sáu “nạn chênh lệch giàu nghèo”. Thế kỷ 21, nền văn minh khoa học của con người đã có những tiến bộ rất ngoạn mục từ nhiều lãnh vực, như tin học, khoa học không gian, khoa học vật lý… đã phát hiện ra có những hành tinh hoạt động ngoài Thái dương hệ của chúng ta, nhưng trên trái đất này vẫn có rất nhiều cư dân cơm vẫn không đủ ăn, áo vẫn không đủ mặc, nhất là ở các vùng Phi châu, ngay cả những vùng sâu xa của Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam, ngay cả Hoa Kỳ vẫn có nhiều người mang bảng chữ homeless đứng những ngã tư đường. Tại sao trong cuộc sống con người có những chênh lệch giàu nghe như vậy?
Biến cố thứ bảy là “nạn tranh chấp chủ quyền biển Đông”. Trung Quốc Việt Nam, Đài Loan, Philippines, cũng như một số nước trong vùng đã tranh chấp nhau về chủ quyền biển Đông, tạo nên sự bất ổn trong vùng và thế giới.
Biến cố thứ tám là “đạo đức suy thoái”. Bạo lực với trẻ em, bạo lực gia đình, vợ chồng ly dị, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, nạn hút xách, buôn bán ma túy… đã tạo nên những bất ổn trong đời gia đình và xã hội.
Biến cố thứ chín là “thực phẩm bị ô nhiễm”. Thực phẩm sản xuất, chế biến và tái chế biến, do con người vì chạy theo lợi nhuận đã sử dụng nhiều hóa chất độc hại quá lượng cho phép đã làm nên những nỗi kinh hoàng cho người tiêu thụ. Đến nỗi có một em bé trai tám tuổi hỏi bố mẹ “Đến khi nào thực phẩm mới hết ô nhiễm?”. Câu hỏi của em bé, người lớn vẫn chưa có câu trả lời. Tai nạn lớn nhất của con người hôm nay là người lớn đã bị đánh mất niềm tin ở nơi trẻ em. Người trẻ không tin tưởng vào phẩm chất đạo đức của người lớn.
Như vậy, tuy năm Ất mùi, 2015 đã đi qua, nhưng những vấn nạn của nó vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta hôm nay và ngày mai.
Năm Bính thân là năm của chú khỉ. Chú khỉ không phải ở trên trời rớt xuống, mà theo huyền thoại chú từ đá sinh ra, rồi nhảy về đồng bằng phố thị, tiếp nhận những di chứng, những vấn nạn từ chú dê để lại cho thế giới con người từ năm qua. Và cũng năm Ất mùi, cụ Rùa ở hồ Hoàn Kiếm thủ đô Hà Nội đã kết thúc sinh mệnh của cụ, trải qua bảy trăm năm tạo thành huyền sử và huyền thoại trong những biến dịch trường kỳ của lịch sử đất nước. Cụ Rùa ôm chân chú Dê ra đi, để chú Khỉ xuất hiện, tạo nên những bước nhảy vọt biến thái bất ngờ của lịch sử chăng?
Nên, năm nay vui xuân, ta có cơ hội nhìn lại cục diện của chú dê nhằm điều chỉnh và định hướng cho năm chú khỉ để bước tới. Những vấn nạn ấy, chỉ được giải quyết, khi con người nói cho nhau nghe là hãy buông bỏ lòng tham và tính ích kỷ ở nơi ý nghĩ, hành động và lời nói của mỗi chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn về một điểm chung. Năm Ất mùi, 2015, các chính khách Myanmar, họ đã có một điểm chung và họ đã hành động cho một điểm chúng ấy. Hành động ấy, chúng ta cần phải trân trọng và cần phải học để làm sáng lên ý thức chung ấy trong đời sống của chúng ta, để quê hương là mùa xuân của chúng ta và chúng ta thật sự có mùa xuân của quê hương.
Ý thức cộng đồng:
Đời sống của khỉ là đời sống bầy đàn. Nên, chúng có ý thức tập thể rất lớn. Chúng biết giúp đỡ và bảo vệ nhau mỗi khi bị chướng ngại hay bị ngoại lực tấn công. Nhờ ý thức này mà chúng tồn tại và vượt qua được những khắc nghiệt của thiên nhiên và vượt qua những đe dọa từ những sinh thú khác. Vậy, năm nay sống thiếu ý thức cộng đồng, chúng ta sẽ bị đe dọa từ những thế lực khác. Chúng ta không có khả năng để tạo thành mùa xuân chú Khỉ. Nhưng, nếu chúng ta sống biết đặt quyền lợi chung lên trên quyền lợi cá nhân, thì chúng ta sẽ có khả năng chuyển hóa những khó khăn của năm này trở thành thuận lợi.
Trong bản nhạc Xuân này con không về mà nhạc sĩ Duy Khánh hát có mấy câu tôi rất thích: “Con biết không về mẹ chờ em trông; nhưng nếu con về bạn bè thương mong; bao lứa trai cùng, chào xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm; Mẹ thương con xin đợi ngày mai”.
Đây là đoạn nhạc tôi thích nhất trong bản nhạc Xuân này con không về mà các danh ca Duy Khánh hay Chế Linh hát. Vì nó nói lên được ý thức cộng đồng, ý thức đồng đội, ý thức được cái chung mà hy sinh cái vui riêng.
Như vậy, năm này ai sống với tâm ích kỷ, người ấy sẽ thất bại, ai sống với tâm vị tha, người ấy sẽ có khả năng tạo thành mùa xuân cho chính mình và cho nhiều người. Mùa xuân chỉ có với những ai có ý thức huyết thống và cộng đồng hay ý thức về tương quan duyên khởi giữa nước và nhà. Nước nguy, thì tình nước là quan trọng, vì sao? Vì nước mất là nhà tan. Nhưng, khi nước yên thì tình nhà là quan trọng, vì nhà tan, thì nước loạn. Nên, tình nhà gắn trong tình nước và tình nước bảo vệ tình nhà. Không có ý thức này, ta sẽ không có quê hương của mùa xuân để cùng sống và cùng trở về.
Trở về với tâm:
Tâm là quê hương đích thực của mỗi chúng ta. Không có tâm, chúng ta sẽ không có quê hương để sinh ra trong mùa xuân và không có quê hương để che chở khi hạ nắng, lúc thu buồn và trở về khi đông tàn giá lạnh. Không có tâm, ta sẽ không có cha mẹ để trở về quây quần sum họp. Không có cha mẹ, vì ta quên mất ân nghĩa sinh thành; không có tổ tiên, vì ta vô ân với dòng họ huyết thống; ta lạc mất quê hương, vì ta đã từng phản bội và bán đứng Tổ quốc.
Nên, ta có tâm là ta có cha mẹ, ta có tổ tiên và nhất định ta có quê hương mùa xuân để thời thơ ấu ta lớn lên và khi trưởng thành ta ra đi. Ta ra đi, như nhạc sĩ Anh Bằng nói: “Lạy mẹ con đi, ôm ấp linh hồn Việt Nam; Lạy mẹ con đi, nối theo chí
hùng ngàn năm; Vắng con mẹ buòn là bởi ý khiên khơi nguồn; nhưng còn gì hơn tình nước vướng trong tình con”.
Ta ra đi, ta ôm ấp tình cha mẹ mà đi; ta ôm ấp tình quê hương mà đi, thì đi đâu ta cũng có cha mẹ để thương, đi đâu ta cũng có quê hương để nhớ, đi đâu ta cũng có mùa xuân để sống và có đất tâm là quê hương đích thực của cha mẹ để quay về.
Tránh những ảo giác:
Đức Phật dạy: “Tâm viên ý mã”. Nghĩa là tâm ta lăng xăng giống như chú khỉ, ý ta sinh diệt, thay đổi một cách nhanh chóng giống như ngựa phi, nên gọi “Tâm viên ý mã”.
Năm này là năm của chú khỉ, mọi chuyện nó diễn ra trước mắt ta một cách bất ngờ và nhanh chóng, khiến tâm của chúng ta phóng ra bên ngoài để bám sát, tìm cầu nhiều hơn là quay về bên trong. Chúng ta sống với ảo giác, với những tri giác, với những dự đoán sai lầm hơn là sống với tâm chân thật. Vì vậy, nhiều ý tưởng mông lung sinh ra trong suy nghĩ của chúng ta, đưa chúng ta đi đến với những thử thách ảo và thành công ảo. Nên, năm này chúng ta phải cẩn thận đối với tài năng và những suy nghĩ thiếu thực tế của chúng ta.
Vì vậy, chúng ta muốn có xuân và sống với những gì tốt đẹp mà xuân hiến tặng cho ta, thì năm này ta không vội tin và không vội nghi với bất cứ một điều gì đem đến cho ta, mà ta phải nghe sâu và nhìn sâu đối với điều ấy nhiều mặt, qua nhiều góc nhìn khác nhau, nhằm hiểu thấu được bản chất của vấn đề, để tránh những ảo giác, những ảo tưởng được tạo nên, từ nơi tâm thức tưởng tượng của ta.
Nuôi dưỡng tuệ giác:
Mùa xuân phải được nuôi dưỡng bằng tuệ giác mà không phải bằng thói quen hay bằng những hủ tục.
Câu chuyện Khỉ tưới hoa kể rằng, có một ông chủ trồng hoa và nuôi khỉ. Hôm ấy, ông ta có việc phải đi, nhờ chú khỉ ở nhà tưới hoa. Chú khỉ rất nhiệt tình với việc tưới hoa của chủ giáo phó. Tưới xong, chú nghĩ mình tưới hoa hết lòng như thế này rồi, nhưng không biết nước có thấm xuống rễ của hoa không. Chú khỉ muốn ăn chắc, nên nhổ gốc cả vườn hoa lên để xem, xem xong chú thích thú tự nhủ, tốt quá gốc rễ của vườn hoa đều thấm nước hết cả rồi, chú gặm hoa xuống đất trở lại, và chú khỉ rất hạnh phúc và an tâm với việc làm của mình.
Ông chủ về, thấy vườn hoa héo hết, chú khỉ kể công với ông chủ là ở nhà đã tưới hoa hết lòng, nhưng sợ không thấm đến gốc rễ, nên nhổ gốc lên để xem và mới gặm gốc xuống lại.
Qua câu chuyện, Khỉ tưới hoa, ta thấy không những tớ ngu mà chủ cũng ngu. Tớ ngu, vì tớ là khỉ. Chủ ngu, vì chủ không biết khỉ là khỉ mà sai khỉ làm việc thế cho người!
Vậy, năm này là năm của chú khỉ. Chủ và tớ giúp nhau, sai bảo nhau phải cẩn thận, chứ không thôi tớ là khỉ mà chủ còn tệ hơn cả khỉ nữa. Tớ và chủ đều tệ, nghĩa là không có tuệ giác, thì mùa xuân sẽ biến mất. Nên, tuệ giác là chất liệu nuôi dưỡng mùa xuân cho chúng ta và có khả năng tạo ra quê hương mùa xuân cho chúng ta, bất cứ ở đâu mà chúng ta có mặt.

Xuân Bính thân – 2016
Thích Thái Hòa

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb