Rằm tháng giêng – Tết Nguyên Tiêu

(Dành riêng tặng các em Thanh, Thiếu, Đồng Niên trong tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam)

Rằm tháng giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, đây là một ngày rắm lớn trong năm mà các em cần biết các sự tích của một trong những sinh hoạt nhân gian mang màu sắc văn hóa nhân bản để thăng hoa cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn:

1. Rằm tháng giêng là đêm trăng tròn đầu tiên của một năm. Chữ nguyên trong chứ Hán có nghĩa là đầu tiên; chữdạ có nghĩa là đêm lại có một âm khác là tiêu cho nên nguyên tiêu có nghĩa là đêm trăng tròn đầu tiên của một năm. Do vậy Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Nguyên Dạ.

2. Hán Văn Đế dẹp được loạn họ Lã, lên ngôi vào ngày rằm tháng giêng, do vậy hàng năm ông cho dân chúng mở hội ăn mừng, kỷ niệm ngày toàn dân đã giúp ông làm nên nghiệp Đế. Vào đêm nầy nhà vua cải trang cùng một nhóm cận vệ lỗi lạc vi hành trong nhân gian đề lắng nghe dân tình và hòa đồng với niềm vui của quần chúng.

3. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Trạng Nguyên: Hầu hết các nước ở Đông Á đều có chung một sở thích đó là cầm, kỳ, thi, họa. Các bậc vua chúa khi xưa thường tổ chức lễ hội nầy trong vườn Ngự Uyển. Các bậc Trạng Nguyên và tao nhân mặc khách đều được mời tham dự uống rượu, ngâm thơ, đánh cờ, xướng họa, vẽ tranh… nên còn gọi là Tết Trạng Nguyên. Rồi về sau, các Văn Đàn Thi Xã, Câu Lạc Bộ thơ, văn hay nhà báo… thường tổ chức họp mặt nhau vào đêm nầy để khởi đầu sinh hoạt cho một năm.

4. Nguyên Tiêu – đêm tai họa: Trong truyện cổ dân gian Trung Quốc có câu chuyện rằng: Ngày xửa ngày xưa… trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng Thượng Đế có nuôi một con thiên nga màu trắng tuyệt đẹp. Nó có tài hát hay múa giỏi, ai có dịp xem nghe thì mọi bất hạnh ưu sầu như tan biến, phía trước cuộc đời như chỉ có hạnh phúc và an vui. Theo lời thỉnh cầu của thiên nga, vào đêm 14 tháng giêng nó được xuất cung du xuân ở hạ giới. Không may có một thợ săn bắn chết. Thượng Đế tức giận sai Thần Hỏa hỏa thiêu trần gian vào hôm sau, tức đêm rằm. Nhưng Thần Hỏa là một người nhân từ nên xuống trần dạy dân chúng treo lồng đèn màu đỏ, bắn pháo hoa đì đùng suốt đêm; trên thiên đình nhìn xuống, Ngọc Hoàng và chư tiên cứ ngỡ hạ giới đã bị thiêu đốt nên trần gian thoát cơn đại họa.

5. Nguyên Tiêu – Tết Đoàn Tụ: Nguyên Tiêu là tên một cung nữ đẹp tuyệt trần. Chẳng những thế, cô còn là một người con hiếu thảo khó ai bì. Cô là con một bị “tuyển trạch” nhập cung đã qua 3 năm mà chưa được về thăm cha mẹ. Nhớ nhà cô không chịu nổi nên ra giếng tự tử. May nhờ có vị đại thần tên là Đông Phương Sóc tiếng tăm cứu kịp và hứa giúp cô cơ hội đoàn tụ với gia đình. Xót thương người hiếu nữ, ông cho môn đồ mở một quầy bói quẻ đầu năm, nhưng ai bốc quẻ cũng đều có nội dung: “Ngày 16 tháng giêng hỏa tai sẽ thiêu rụi thành Trường An”. Mọi người sợ quá tâu lên vua, vua liền triệu Đông Phương Sóc tìm cách giải nạn. Đông Phương Sóc tâu rằng: “Hỏa Thần của thượng giới có một thói quen là rất thích bánh trôi nước. Trong cung có một cung nữ khéo tay đã từng đoạt giải về môn nầy tên là Nguyên Tiêu. Bệ hạ hãy chỉ dụ cho cô nầy làm bánh trôi nước đãi Thần Lửa, còn mọi việc khấn vái, lễ nghi tiếp rước và xin cách giải trừ nạn tai xin giao cho thần”. Nhà vua thuận chỉ. Ông ra lệnh rao cho dân chúng nhà nhà treo lồng đèn đỏ; quan quân địa phương trong kinh thành tổ chức bắn pháo hoa, kinh phí do triều đình chu cấp (để đánh lừa Thiên Đình kinh thành đã bị cháy) nên kinh thành Trường An nhờ đó tai qua nạn khỏi. Sau đó để thưởng công, nhà vua ân chuẩn cho cung nữ Nguyên Tiêu được phép trở về đoàn tụ với gia đình. Trong dân gian xét rằng Nguyên Tiêu là người hiếu hạnh, nhà vua và đại thần Đông Phương Sóc đã thể hiện tình yêu thương sâu dày với dân chúng nên ngày Nguyên Tiêu hằng năm vô hình chung trở thành ngày Lễ Tình Yêu của những nước Đông Á, trong đó có chúng ta,

Qua 5 ý nghĩa nêu trên, ngày Nguyên Tiêu có tính cách tiêu tai – giải nạn, giúp mọi người tùy nguyện được như ý, do vậy các chùa chiền tại Việt Nam thường tổ chức đàn tràng Dược Sư cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc.

Chúng sanh tùy thuận Y Báo và Chánh Báo mà thọ sanh ra nơi cõi đời nầy. Hãy bảo vệ môi trường sinh thái là thuận với đạo lý hiếu sinh của vũ trụ, cải chuyển nghiệp nhân, giảm trọng nghiệp quả, thăng hoa cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn…

Thân ái cùng tất cả các em.

THẠNH KHÔNG

Nguồn: http://thuviengdpt.info/ao-lam-hy-luan/hoi-nhap-cong-dong/ram-thang-gieng-tet-nguyen-tieu/

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb