Tưng bừng Đại Lễ Phật Đản tại nhiều quốc gia trên thế giới

Pd

Phật Đản là ngày lễ kỷ niệm sự ra đời của Thái Tử Sakya Siddhartha (Thích Ca Tất Đạt Đa) – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vesak là ngày lễ Tam Hợp, mừng 3 sự kiện đản sanh, thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật Thích Ca và đã được Liên Hiệp Quốc tôn vinh. Ngày này nhằm vào kỳ trăng tròn đầu tiên của tháng 4 hoặc tháng 5 tùy theo các loại lịch khác nhau của những quốc gia khác nhau, vì vậy ngày lễ chính thức phụ thuộc vào loại lịch được nước nào sử dụng. Hiện nay, Lễ Phật Đản – Lễ Vesak không chỉ là một đại lễ quan trọng đối với tín đồ Phật Giáo mà đã trở thành một nét văn hóa dân tộc ở nhiều quốc gia…

Năm 2016, lễ Phật Đản thế giới được tổ chức vào ngày 21/5 (Dương lịch). Hàn Quốc bắt đầu lễ Vesak từ 14/5; Thái Lan, Trung Quốc và Nepal tổ chức vào 20/5; Ấn Độ, Singapore, Sri Lanka và Việt Nam là ngày 21/5.

— oOo —

Korea: Xứ sở Kim Chi (Hàn Quốc) là một trong những quốc gia tổ chức lễ Phật Đản long trọng nhất thế giới. Vào ban ngày, đèn lồng giấy đủ màu sắc được treo khắp các con phố của Seoul. Ban đêm, lễ hội đèn lồng hoa sen khiến cả bầu trời bừng sáng.

Japan: Theo biên niên sử (Nihonji) Nhật Bản, Phật Giáo được truyền vào Nhật từ Hàn Quốc (Korea) vào ngày 13 tháng 10 năm 552 Tây lịch; hiện nay đã trở thành tôn giáo lớn nhất tại Nhật với 13 Tông và 165 Giáo Phái. Lễ Phật Đản ở Nhật cử hành vào ngày 7 hay 8 tháng 4 dương lịch hằng năm (nước Nhật thường tổ chức các ngày quốc lễ và lễ tôn giáo theo dương lịch). Lễ còn có tên gọi là Hana-Matsuri – nghĩa là Ngày Lễ Hoa – vì gặp lúc mùa hoa anh đào đang nở rộ khắp nước. Ngày lễ Phật Đản, một nghi thức quan trọng của Phật Tử Nhật là “tắm Phật”. Bên trong một ngôi tháp thiết trí tượng Phật đản sanh bằng đồng đen cao chừng 15-20cm đặt giữa chiếc chậu gỗ hoặc sứ chứa đầy nước trà ngọt (tiếng Nhật là ama-cha), bên cạnh gác cái gáo nhỏ cán dài bằng gổ. Nước trà ngọt để “tắm Phật” được chế tạo bằng lá cây Tử Dương Hoa (Hydrangea hortensis) thường trồng ở các vùng núi. Trong suốt ngày lễ, Phật Tử dùng gáo gổ múc trà ngọt trong chậu tắm cho tượng Phật.

Australia: Hải cảng Darling ở Sydney là nơi tổ chức chính của lễ Phật Đản với các vũ điệu, âm nhạc, nghệ thuật của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka và Australia diễn ra suốt kỳ đại lễ.

Còn ở Brisbane (Australia), lễ Vesak kéo dài một tuần với các bữa tiệc, hoạt động, trình diễn âm nhạc và múa hát. Sự kiện này thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm.

Sri Lanka: Vesak là ngày lễ quốc gia ở Tích Lan. Vào dịp lễ, cư dân khắp nước đều trang hoàng nhà cửa, phố phường với nến, đèn lồng và đèn dầu để cúng dường Đức Phật. Trong tuần lễ Buddha Jayanti này, ở Sri Lanka các lò sát sinh (lò mổ gia súc) phải đóng cửa, việc bán rượu và thịt cũng bị cấm.

Vào dịp này, khắp nơi trên đất nước Phật Giáo Sri Lanka, dân chúng hát bài ca Bakhti Gee mừng ngày Đức Phật đản sinh.

Thailand: Tại quốc gia Thái Lan mà Phật Giáo là quốc giáo, hầu hết dân chúng đều tới các đền chùa trong ngày lễ Phật Đản cúng dường lễ vật, thực phẩm và đốt hương trầm, đèn nến lễ bái và dâng lời cầu nguyện lên Đức Phật.

Vesak là ngày quốc lễ truyền thống ở Thái Lan. Trong ngày lễ Vesak, các tín đồ Phật Giáo tại Ayutthaya cầm nến nhiễu quanh đền Wat Yai Chai Mongkol 3 vòng và cầu nguyện.

Myanmar: Vào ngày Phật Đản, khắp đất nước Miến Điện từ thôn quê cho đến thành thị đều tổ chức lễ hội tưới cây Bồ-đề. Phật Tử từ nhiều nơi trong nước tập trung đến các chùa lớn tại địa phương. Ở Yangon, lễ Phật Đản được tổ chức quy mô nhất tại chùa Shwedagon với cờ Phật Giáo, đèn, hoa được treo và trang trí quanh cội bồ đề. Ở các vùng thôn quê, những làng mạc xa xôi, người dân nâng những chum nước thơm trên bờ vai lần lượt đến các tự viện trong làng nơi có đại thọ bồ đề để tưới cội cây thiêng.

Singapore: Vesak là lễ hội quan trọng theo lịch Phật Giáo trong năm và được các tín đồ Phật Giáo đảo quốc Singapore chờ đợi. Trong ngày lễ này, Phật Tử sẽ tụ họp ở các ngôi chùa trước khi bình minh để bắt đầu ngày lễ. Tại chùa và quanh khu vực phụ cận, cờ Phật Giáo sẽ được kéo lên, những bài kinh, nhạc tán thán Phật, Pháp, Tăng sẽ âm vang. Cũng như nhiều quốc gia khác, Phật Tử sẽ dâng hương hoa; tín thành lễ bái, cầu nguyện; thực hiện nghi thức “Tắm Phật”; và phóng sanh. Tín đồ Phật Giáo Singapore rất coi trọng việc bố thí vào ngày lễ Vesak. Trong dịp này, các tín đồ trẻ sẽ hiến máu nhân đạo, các thành phần khác thì tích cực làm các việc thiện khác nhiêu ích cho cộng đồng.

Indonesia: Ở Indonesia, nhiều người thả đèn trời để mừng lễ hội này. Hàng nghìn người Indonesia cùng các nhà sư đi quanh đền Borobudur để cầu nguyện. Đây là ngôi đền Phật Giáo lớn nhất thế giới và là di sản văn hóa thế giới do UNESCO công nhận.

Philippines: Cộng đồng Phật Giáo ở Philippines không lớn, nhưng lễ Phật Đản – hay còn gọi là Arawng Bisyakis trong tiếng địa phương – được tổ chức trang trọng. Những người tham dự thường ngồi thiền và ăn chay vào ngày này.

Nepal: Cũng như các nước láng giềng Đông Nam Á nhiều tín đồ theo Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada), tại Nepal, lễ Phật Đản chính là ngày lễ Vesak (Tam Hợp) và thường được biết đến với tên gọi là ngày “Phật Jayanti” (sinh nhật Đức Phật) tổ chức khắp nước, nhưng lớn nhất là tại Lumbini (Lâm-tì-ni) – nơi sinh của Đức Phật và tại ngôi chùa Swayambhu thiêng liêng của Phật Giáo. Cánh cửa chính của Swayambhu chỉ được mở vào ngày này nên mọi người từ khắp thung lũng Kathmandu và hàng ngàn khách hành hương trên thế giới đến mừng lễ Phật Đản tại nơi đản sanh của Ngài. Ở Nepal, Đức Phật Thích Ca được tôn thờ bởi tất cả các tôn giáo nên Phật Đản là ngày nghỉ lễ quốc gia. Trong dịp lễ, Phật Tử dâng hương hoa cầu nguyện; trao tặng thực phẩm, quần áo, thuốc men cho người nghèo khổ và cúng dường tịnh tài cho các Tu Viện, Tăng Xá, học viện Phật Giáo…

India: Lễ Tam Hợp Vesak ở Ấn Độ được tổ chức ở Sikkim, Ladakh, Arunachal Pradesh, đặc biệt là Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) và các nơi khác tại Bắc Bengal như Kalimpong, Darjeeling, Kurseong và Maharashtra (nơi có hơn 70% của tổng tỷ lệ tín đồ Phật Giáo Ấn Độ). Phật Tử thường mặc trang phục màu trắng tinh khiết đến Tịnh Xá lễ bái và nghe trọn cả bộ kinh Phật Giáo dài. Tại Tịnh Xá, trong ngày lễ họ được phục vụ một loại cháo ngọt gọi là Kheer để nhớ tưởng lại chuyện nàng Sujata đã dâng một bát cháo sữa cho Đức Phật trước khi Ngài thành đạo. Nhiều nơi tổ chức hình thức vũ điệu truyền thống để cúng dường ngày lễ.

Việt Nam: Tuần lễ Phật Đản tại Việt Nam thường bắt đầu từ ngày 8.4.ÂL (khai kinh Phật Đản) cho đến 15.4.ÂL hằng năm (theo quyết định của Đại Hội Phật Giáo Thế Giới tổ chức tại Colombo, Sri Lanka năm 1950). Năm nay lễ chính thức Phật Đản Phật lịch 2560 (rằm tháng tư ÂL) sẽ là ngày thứ Bảy, 21/5/2016. Phật Tử Việt Nam nhân dịp Lễ Phật Đản thường thiết trí lễ đài, huyền môn đón mừng Phật Đản tại các chùa chiền, tự viện và tư gia. Mấy năm trở lại đây đã thấy phục hồi lại được truyền thống diễn hành xe hoa, trình diễn văn nghệ cúng dường Phật Đản và treo cờ, đèn, kết hoa ở các trục đường và vài địa điểm công cộng như giai đoạn năm 1975 trở về trước.

 QUANG MAI sưu tầm – (Một số hình ảnh từ A.F.P và Afar).

(Nguồn: http://thuviengdpt.info/tieu-diem-su-kien/su-kien-phat-giao/dac-biet-phat-dan/tin-nhanh-dai-le-phat-dan-duoc-to-chuc-tung-bung-tai-nhieu-nuoc-tren-the-gioi/)

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb