Hãy gọi “Bác Gia trưởng” bằng “Anh” – hoặc “Chị Gia trưởng”

Trí Thắng – Nguyễn Ngọc Sanh

(HTr GĐPT Phước Hải)

“Hãy gọi bác bằng anh!”. Nghe (đọc) qua thấy kỳ cục và buồn cười làm sao!. Nhưng đây không phải là cách xưng hô thường tình trong đời sống xã hội mà là chuyện riêng tư của tổ chức Gia đình Phật tử (GĐPT).

Cho đến ngày nay, một số anh chị em Áo Lam vẫn quen gọi “Gia trưởng” là “Bác” – (Bác Gia trưởng) và xưng là con (cháu). Đúng lý ra phải gọi là “anh” hay “chị”, vì “bác” là cư sĩ lớn tuổi đảm nhiệm chức vụ Gia trưởng, còn “anh” hay “chị” (cũng lớn tuổi) là một huynh trưởng.

Từ khi thành lập GĐPT và trong giai đoạn phát triển Tổ chức trước đây, Gia trưởng thường là những vị cư sĩ lớn tuổi, có uy tín trong Giáo hội – địa phương và hiểu biết về GĐPT, do BHT của đơn vị sở tại mời và được sự đồng ý của BHD tỉnh, thị liên hệ; vì thế cho nên tất cả Đoàn viên phải gọi bằng “bác”. Và, đơn vị nào chưa có Gia trưởng thì Liên Đoàn trưởng từ 30 tuổi trở lên, có đủ tư cách và uy tín có thể kiêm nhiệm chức vụ Gia trưởng. (Xem Nội quy GĐPT.VN). Như vậy, “Gia trưởng” chỉ là một chức vụ. Thời nay, hầu hết Gia trưởng đều là huynh trưởng có cấp để lãnh đạo đơn vị. Do đó chúng ta phải gọi bằng “anh” hay “chị” cho phù hợp.

Vấn đề này, tôi có trao đổi với anh Tổng Thư ký. Anh cho biết là Ban Hướng dẫn GĐPT Cam Ranh đã phổ biến chấn chỉnh nhiều lần rồi nhưng Lam viên vẫn quen gọi là “bác”… Cần phải thay đổi cách gọi đi chứ! Tổ chức chúng ta đồng nhất thể rồi mà!

Thông thường, thói quen hay tập quán rất khó từ bỏ. Cần phải nhận thức thấu đáo và mạnh dạn mới thay đổi được.

Tương tự như vấn đề này, bản thân tôi cũng đã từng tiếp xúc, va chạm. Trong sinh hoạt GĐPT, gặp quý huynh trưởng tuy đã cao niên, tôi vẫn tự nhiên gọi là “anh” hay “chị” một cách ngọt lịm – thân thương; nhưng khi đến nhà riêng, tôi lúng túng, không dám gọi bằng “chị” hay “anh” khi gặp vợ hay chồng của huynh trưởng ấy. Tuy nhiên, họ vẫn tươi cười và mở lối cho tôi.

Cũng có trường hợp, Đoàn sinh hay HTr trẻ vẫn phải gọi bằng “anh” với người đáng tuổi ông nội, vì ông nội ấy là “huynh trưởng” hiện đang sinh hoạt. Buồn cười ở trường hợp: Một anh (huynh trưởng) đang đi, gặp hai mẹ con còn trẻ là bạn mình, người mẹ nói: ”Chào anh!”, người con cũng nói:”Chào anh!”. Thế là người con bị mẹ la:”Con gọi gì lạ thế?”, người con đáp:”Con đi sinh hoạt nên gọi theo GĐPT mà!”… Càng buồn cười hơn, một hôm tôi đến nhà riêng của một huynh trưởng bạn, anh ấy gọi tôi bằng “anh”, con anh ấy cũng gọi tôi bằng “anh” và cháu anh ấy cũng gọi tôi bằng “anh”; vì họ cùng tham gia tổ chức GĐPT.

Mới nghe qua, nếu không rõ ngọn nguồn sẽ vô cùng ngạc nhiên: Sao kỳ lạ vậy? Nó có vẻ như lộn ngôn!? Đúng, gọi như vậy thông thường ở đời là lộn ngôn thật, nhưng đây là cách gọi theo trong đạo – trong GĐPT. Khác “Hệ” kia mà! Do đó, chúng ta cần phải phân biệt “hệ đời” và “hệ đạo”. Nói rõ hơn, tiếng gọi “anh, chị, em” trong GĐPT thuộc hệ đạo, nó không giống như tiếng gọi anh chị, cô chú bác… thuộc hệ đời. Nhớ lời anh Nguyên Thơ (nguyên là Ủy viên BHD.GĐPT Cam Ranh) nói:” Bé nào lạ nhưng gọi tôi là “anh”, tôi biết đó là dân GĐPT; còn nếu bé gọi tôi là bác thì đó là người ngoài Tổ chức”. Tuy nhiên, có nên chăng: Khi tham gia sinh hoạt thì đàn em gọi huynh trưởng kể cả Gia trưởng là “anh”, là “chị”, còn khi quan hệ xã hội (ngoài đời) thì tuổi đáng bậc nào thì gọi theo bậc đó cho xứng hợp?. Thật là khó, vì cũng đã “quen” gọi như vậy rồi! Thôi thì, ngoài đời tự do, gọi sao cho phải cách là được!

Trong GĐPT, sở dĩ đàn em gọi huynh trưởng (cho dù người ấy cao niên) là anh hay chị – nó có một ý nghĩa rất sâu xa: Theo thuyết luân hồi – nghiệp báo, mỗi một chúng sinh đã không biết bao nhiêu lần sanh tử – tử sanh, thay hình đổi dạng, trong vai trò này hay quan hệ khác, có kiếp làm thân nhân – đắp đổi lẫn nhau… Như thế, chúng ta biết đâu mà phân biệt cao thấp để xưng hô như theo như tuổi tác thông thường của thế gian?

Trong phạm trù tương đối nhưng bao la, tất cả chúng ta đều tôn thờ Đức Phật là vị “cha lành chung bốn loại”, cùng tu học theo giáo pháp giác ngộ – giải thoát của Ngài thì dù mỗi chúng ta hiện thân ở địa vị – giai tầng nào trong quan hệ gia đình – xã hội và ở loại chúng sinh nào cũng đều là con của Đức Phật. Tất cả chúng ta đều là con cùng một cha thì chúng ta đều là anh, chị, em với nhau. Tuy gọi bằng anh, bằng chị nhưng trong thâm tâm mỗi đàn em thực sự tôn kính – thân ái trong tình Lam lục hòa cộng trụ – hay hơn là gọi cô chú bác theo lẽ thông thường!

Trong nghệ thuật Sư phạm: Nếu gọi huynh trưởng là cô chú bác hoặc thầy – cô giáo sẽ tạo nên khoảng cách trong tâm trí, thì ai ai cũng chấp thủ tư cách – vai trò của mình nên không được tự nhiên trong mối quan hệ và công tác giáo dục – đào tạo. Hơn nữa, “Huynh trưởng” có nghĩa là người anh, người chị trưởng thành trong Tổ chức với khả năng tương đối tùy theo cấp bậc và trình độ tu học của mỗi người. Do đó, gọi bằng anh, bằng chị sẽ tạo nên sự thân cận – hài hòa, không phải nghiêm túc “giữ kẻ” nên anh chị em tự nhiên khi thố lộ – trao đổi những tâm tư tình cảm và sự hiểu biết của mình; từ đó người huynh trưởng đàn anh đàn chị thuận lợi trong việc truyền đạt, điều chỉnh những hành vi – nhận thức sai lệch của đàn em theo ý hướng mục đích lý tưởng của Tổ chức.

Thông đạt ý nghĩa nêu trên, Đoàn sinh hay Huynh trưởng đàn em hãy mạnh dạn và tự nhiên gọi Huynh trưởng là anh, là chị bằng tiếng gọi thân thương – tôn kính, cho dù huynh trưởng đó đang đảm nhiệm chức vụ Gia trưởng./-

Trí Thắng – Nguyễn Ngọc Sanh

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb