Kinh Kim Cang – Thượng Tọa Giáo Thọ Sư Thích Nhuận Châu

Video : Trọn Bộ Kinh Kim Cang – TT Thích Nhuận Châu

Đề tài: Kinh Kim Cang (TRỌN BỘ)

Giảng Sư: TT Thích Nhuận Châu

Phần 1

Phần 2

Kinh Kim Cang trong hệ tư tưởng Bát Nhã

Phần 3

KINH KIM CANG -TÍNH KHẾ LÝ – KHẾ CƠ

Phần 4

KINH KIM CANG – TÍNH KHẾ LÝ – KHẾ CƠ

Phần 5

Kinh Kim Cang – 4 Yếu Tố Phát Bồ Đề Tâm

Cốt tủy Kinh KIM CANG áp dụng vào Chương trình tu học của GĐPT

LỜI GIỚI THIỆU :

Htr NGUYÊN VIỄN Nguyễn Ngọc Mục là Huynh TrưởngTrại sinh Trại Vạn Hạnh 1 Hoa Kỳ

Hiện đang sinh họat với BHD Miền Tố Liên , Hoa Kỳ.

Bài Cốt tũy Kinh Kim Cang trình bày những nhận thức thu thập được trong quá trình theo học Trại Vạn Hạnh 1 Hoa Kỳ của anh . Xin giới thiệu cùng Lam viên bốn phương .

Thưa quý anh chị Áo Lam :

Văn Tư Tu là 3 yếu tố để phát huy  Bồ đề tuệ giác của người huynh trưởng làm tăng thượng duyên cho sự hoàn thành một phần nào đó trong Sứ mạng giáo dục đàn em của chúng ta mà tổ chức đã giao phó. Từ suy tư đó nay xin được tâm tình với anh chị em Áo Lam khắp đó đây những bài học thú vị cho tự thân huân tu huân tập, những áp dụng khả thi cho hướng dẫn đàn em được rút ra từ  kinh Kim Cang .

*** Một là Tôn giả Tu Bồ Đề trong kinh Kim Cang, người thay mặt hội chúng, đứng ra thưa hỏi Phật về phương pháp an tâm, trụ tâm và hàng phục kỳ tâm , Ngài là VỊ ĐỆ NHẤT GIẢI KHÔNG , một trong mười vị đại đệ tử của Phật .

Nói về Tu Bồ Đề, ta có thể nhìn ngay vào điềm lành thuở sơ sanh của Tôn giả, mới biết đó là một nhơn vật phi phàm đặc biệt . Ngày vừa chào đời, tầt cả tài bảo dụng cụ trong nhà Tu Bồ Đề bỗng nhiên biến mất, không thấy môr cái nào. Người trong nhà đều lo sợ, vội mời thầy xem tướng đến bói một quẻ. Tướng sư gieo quẻ rồi nói : Đây là một hỷ sự, trong nhà sanh ra quý tử, tiền bạc bảo vật trong nhà trống rỗng ngay khi cậu bé chào đời, đó là tượng trưng cậu bé là người giải không đệ nhất . Gia đình nên đặt tên cho cậu bé là Không Sanh , hoặc là Thiện Hiện cũng tốt , Điều này rất đại cát đại lợi, tương lai chú bé sẽ không bị danh vân lợi dưỡng thế gian ràng buộc. Lời nói của nhà tướng số làm an lòng  mọi người, từ đó trong nhà gọi tên cậu bé là Không  Sanh  hay Thiện Hiện .

Thuở ấu niên, khi chưa quy y Phật, Tu Bồ Đề xem các pháp thế gian, và đối xử với mọi người rất khác biệt , chẳng giống ai . Sanh trưởng trong một gia đình giàu có, được cha mẹ rất cưng chìu, nhưng từ nhỏ Tu Bồ Đề đã không nô lệ vào tiền tài báu vật . Cha mẹ cho đồng nào, cậu thường đem cho người nghèo cùng . Đi đường mà gặp kẻ hành khất, áo không kín thân, cậu liền cởi áo ngoài cho luôn, chỉ mặo áo ngắn quần cụt về nhà . Cha mẹ không tiếc một vài đồng, nhưng với việc làm của cậu con yêu, thường không bằng lòng, nên thường hay kêu lại dạy dỗ :

– Không Sanh ! Con làm như vậy không được, tiền bạc có sẵn không kể lý do gì mà đem cho người, quần áo mặc trên người cũng cởi ra cho để trần thân thể thiệt khó coi.

Tu Bồ Đề ôn hòa cung kính thưa với song thân : Con chẳng biết vì sao trong tâm con lại nghĩ rằng, tất cả trên thế gian rất quan hệ với con, thân thể mọi người cũng như thân con. Khi sanh ra đã chẳng có áo quần thì trần trụi sao lại không tốt ? Đem của mình cho ngưòi , người và con sao lại không như nhau ?

Nghe Tu Bồ Đề nói , cha mẹ chẳng vui chút nào.

– Con chỉ là con nít mà thiệt kì cục , có tiền không biết xài , quần áo chẳng thiết , nói lý lẽ gì đâu, chẳng sợ người ta chê cười . Từ nay về sau nếu con không sửa đổi thì cha mẹ sẽ nhốt trong nhà, không cho ra ngoài nữa. Vậy mà Tu Bồ Đề chẳng đổi tánh ưa bố thí làm lành, cha mẹ bèn giữ luôn trong nhà. Điều đó lại là một điều hạnh phúc cho Tu Bồ Đề, mỗi ngày cậu tìm đọc và nghiền ngẫm những sách vở về triết học và tôn giáo của Ấn Độ đương thời, do đó đối với vấn đề nhơn sanh cậu có một sự hiểu biết rành rẽ, cậu thường tự hào nói với cha mẹ : Tất cả các sum la vạn tưọng trên vũ trụ đều hiện rõ trong tâm con, tâm con như hư không rỗng rang chẳng có chút gì. Nếu như trên thế gian này không có bậc thánh nhân đại trí đại giác, thì ai có đủ tư cách để luận bàn với con về tâm cảnh của người giải thoát, ai cũng không rõ được thế giới trong tâm con. Lời nói tự đắc của chàng thanh niên Tu Bồ Đề, cha mẹ nghe qua, lại liên tưởng đến việc lạ kì khi chàng mới sanh, thật là người khác thường, lời nói cũng lạ kì, trong lòng song thân cũng thầm nghĩ con mình thiệt lạ đời. Sơ lược tiểu sử của ngài  chỉ thế thôi, nhưng nếu lắng tâm suy nghĩ ta sẽ thấy nhiều điều lý thú . Một là tấm gương sáng rút ra được từ bản thân Tôn giả Tu Bồ Đề để áp dụng vào giáo dục huân tu nết hạnh cho các em, hai là giải toả được nghi tình được gói gọn qua hai trăn trở của phật tử muốn hạ thủ công phu tu hành mà tôn giả là người đại diện đứng ra bạch hỏi Đức Phật . Bản thân Tôn giả  ngay lúc lọt lòng Mẹ đã có những điềm lành ứng hiện tưong lai Tôn giả sẽ trở thành một vị Giải Không đệ nhất . Sau khi quy y theo Phật, Tu Bồ Đề rất chuyên cần trong tu hành , ngài đã thể chứng Lý KHÔNG , tuyên dương Lý KHÔNG, tất cả oai nghi đi đứng nằm ngồi của Tôn Giả cũng đều biểu thị Lý KHÔNG.                                                                                                                                                Chuyện kể rằng : Khi Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp , mọi đệ tử đều mong mỏi Phật chóng trở về . Hôm đó, sau 3 tháng thế gian vắng bóng , Thế Tôn trở về ,  mọi đệ tử chuẫn bị tranh thủ mọi việc để đi đón Ngài . Lúc đó Tu Bồ Đề đang vá y trong một hang động tại núi Linh Thứu, nghe truyền tin Đức Phật trở về, ngài liền đứng dậy buông áo xuống cũng định đi nghinh tiếp Phật. Ngay lúc đó trong tâm Tôn giả khởi lên ý  Ta đi đón Phật để làm gì ? Chân thân Thế Tôn không thể thấy bằng 6 căn . Ta mà đi nghinh tiếp Ngài thì chẳng khác nào cho rằng Pháp thân Ngài do tứ đại hòa hợp. Đó là ta không nhận thức được Tánh KHÔNG của các pháp, mà không thấy Tánh KHÔNG tức là không thấy được Pháp thân Phật . Pháp thân Phật chính là Tánh KHÔNG của các pháp. Không có chủ tạo tác, cũng không bị tạo tác. Muốn thấy Pháp thân Phật, trước tiên phải hiểu rõ ngũ uẩn tứ đại là vô thường, biết rõ tất cả sự vật hiện có đều KHÔNG TỊCH, biết các pháp trong sum la vạn tượng là VÔ NGÃ .Tất cả pháp đều rỗng lặng, pháp tánh biến khắp mọi nơi , Pháp thân Phật chổ nào cũng có , ta phụng hành giáo pháp của Phật và đã thể chứng Lý KHÔNG của các pháp, ta nghĩ mình  không nên lầm mê trên sự tướng như các thế nhân . Với nhận thức ấy nên Tôn giả lại an nhiên ngồi tiếp tục vá áo mà không đến nghinh tiếp Phật. Phật trở về, thật là sự vui mừng lớn lao, trong Tăng đoàn chổ nào cũng đầy vẻ hân hoan, ai ai cũng đều muốn bái yết Phật đầu tiên sau 3 tháng Ngài vắng bóng . Khi ấy trong hàng Tỳ kheo ni có bà Liên Hoa Sắc thần thông đệ nhất, bà là người đi đón Phật trước nhất . Bà vừa đảnh lễ Phật vừa nói : Bạch Thế Tôn ! đệ tử là Liên Hoa Sắc, người thứ nhứt ra nghinh đón Thế Tôn, xin Phật nhận  cho con bái yết. Đức Phật mĩm cười, Ngài chậm rãi nói : Nầy, Liên Hoa Sắc ! Ta trở về, nghinh đón ta trước nhứt chẳng phải là cô đâu .   Liên Hoa Sắc lấy làm lạ , nhìn hai bên , thấy trưởng lão Đại Ca Diếp còn ở phía sau . Liên Hoa Sắc hoài nghi, thưa hỏi : Bạch Thé Tôn ! đệ tử chẳng dám hỏi, nhưng con thấy trước con,  chẳng có ai là người nghinh đón Ngài cả mà ? Đức Phật lại mĩm cười , nhìn các đệ tử đông đảo kéo đến , Ngài trả lời Liên Hoa Sắc  mà cũng  như bảo với đại chúng : Các ông rất tốt , xa xôi đến mấy cũng đi đón ta . Nhưng người gặp ta trước nhất chính là Tu Bồ Đề . Ông ấy lúc này đang quán sát Tánh KHÔNG của các pháp trong hang núi Kỳ Xà Quật , ông ấy mới là người chân chánh nghinh tiếp ta . Người thấy pháp mới là người thứ nhứt thấy Phật. Liên Hoa Sắc và các đê tử nghe Phật nói mới biết đối với giáo pháp của Thế Tôn, đối với việc lãnh hội chân lý vũ trụ thì mọi người đều không bằng Tu Bồ Đề. Qua lời khen ngợi đặc biệt của Phât trong dịp nầy, Tôn giả Tu Bồ Đề càng nỗi danh là bậc đệ nhất giải không và càng được đại chúng tôn kính …[Tu Bồ Đề, dịch là Thiện Hiện : Tôn giả là người  đai diện cho Chúng Thanh văn là đối tượng chính trong phẩm kinh Kim Cang này ]… Tôn giả cảm nhận hành động thường nhật từ nơi Đức Phật đã toát ra một sự nâng đỡ và giao phó rất mầu nhiệm . Tâm ý Tôn giả đã lãnh hội được sự truyền trao … Dĩ tâm ấn tâm … của Phật , nhưng Tôn giả e sợ trong chúng hội cũng sẽ có nhiều người không hiểu được sự mầu nhiệm này, nên câu Tôn giả hỏi  ở đây – Hỏi để Phật nâng đỡ và giao phó bằng lời nói do từ kim khẩu Phật ban ra cho rõ thêm ý nghĩa sự nâng đỡ và giao phó không lời ở trên .

Kinh Kim Cang xuất hiện, chính là sự nâng đỡ và giao phó bằng thân và miệng của Phật giành cho các vị có tư cách Bồ tát huân hành Bồ tát hạnh để viên thành Tối thượng thừa Bồ tát đạo mà đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề ở tương lai.. Hai vấn đề mà Tôn giả thưa thỉnh hỏi Phật …. Bạch đức Thế tôn , người thiện nam thiện nữ phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác , phải nên an trụ chơn tâm như thế nào và làm sao để hàng phục vọng tâm ? …

Là một bức xúc hằng trăn trở tâm tư cho những ai có ý nguyện … Thượng Cầu Hạ Hóa … Nhưng không thể nào thoát ra khỏi vòng nhiêu khê của vọng niệm đão điên nơi cõi tâm của mình.

*** Hai là Cảm niệm rằng :

+ Cảnh tượng bên ngoài, tất cả đều không có tự tánh , chúng nó chỉ tạm có qua thức biến mà thôi . Muốn tỏ tường điều này, xin mời  đi dạo một vòng quanh lâu đài Duy thức cho thoãi mái tâm tư  Ta biết rằng 5 căn  mắt , tai, mũi, lưỡi và thân chỉ là vật sắc trong suốt soi cảnh vật mà thôi . Còn thức thì hiểu biết phân biệt . Chủng tử và hiện hành của 2 thứ Căn và Thức nó huân tập chẳng giống nhau .

5 căn thuộc sắc pháp là Tướng phần của thức thứ 8, nó đủ cả 2 nghĩa Chấp và Thọ, có tánh vô ký và trắng, sạch, suốt  . Còn 5 thức thuộc tâm pháp là Kiến phần của thức thứ 8, nó đủ cả 3 tánh thiện, ác, vô ký, nó hay hiểu biết rõ ràng gọi là tánh cảnh thuộc về hiện lượng .

Bát thức quy củ nói ” tánh cảnh, hiện lượng thông 3 tánh ” là nói về điều này  .

Đến thức thứ 6 anh chàng Ý mới có phân biệt này nọ thuộc về tỷ lượng, phi lượng … Đây là chổ để  phân biệt được đâu là căn, đâu là thức …

Tất cả 5 thức này đều do nơi sự Truyền tống chuyển đưa của thức thứ 7 và do nơi sự hàm tàng chứa giữ của thức thứ 8 phát khởi ra 5 thức thành kiến phần của 5 thức rồi từ đó mà chuyển hiện ra bên ngoài để thành hình tướng  mọi cảnh tượng ở thế gian  .

5 căn tùy theo chức năng của mình khi xúc cảnh tiếp tình mà thâu nhiếp về rồi lai  chuyển tới cho … trung tâm tham mưu là anh chàng Ý … do nơi  ý căn mà thức thứ 6 phân biệt  và do nơi … trung tâm tình báo kiểm chứng … là  Ý  đánh giá xếp loại mà khởi ra các ý niệm sai lầm điên đão về Ngã để từ nơi cái ổ nầy mà sinh ra chấp ngã , chấp nhơn , chấp chúng sanh , chấp thọ giả tứ tướng.

Hội nhập Như thật tri kiến về CẢNH KHÔNG chính là sự hiểu biết chân thật về điều này .

Khi biết tỏ tường như vậy chúng ta mới có thể khả thi được cái gọi là … đối cảnh vong tình … từ căn bản này mới khả thi vấn đề phá hủy được  Ngã và biến tướng của ngã là chấp pháp, chấp tướng của ngoại cảnh, chấp về sở ngã .

+ Tuệ giác Bát nhã hay còn gọi là Tuệ giác Không, đó là sự thấy biết cội nguồn về nhân duyên, thấy biết các yếu tố về tăng thượng duyên, về đẳng vô gián duyên, về sở duyên duyên … những cái mà [ ví như một CẢNH TƯỢNG chẳng hạn] một sự kiện nó phải nương vào để  Tương tức – Cộng hữu với nhau để tạm thành cái đương là làm đối tượng cho mắt thấy , tai nghe,  mũi ngữi, lưỡi nếm, thân tiếp xúc …

Cái Tuệ giác cốt lõi nầy chính là cái mà Phật đang trao truyền, chỉ bày chi ly cho chúng ta thâm nhập từ từ qua lối trình bày theo biện chứng Bát nhã trong suốt phẩm kinh Kim Cang từ đầu cho chí cuối. Tuệ giác này chính là lưỡi gươm Văn Thù rất sắc bén, ngọt lịm để phá hủy cái khó phá hủy nhất, cái chướng ngại lớn nhất của hành trình THƯỢNG CẦU HẠ HOÁ mà mọi người con Phật đang dong ruỗi. :

+  Bản thân chủ thể thực hiện : Binh thư yếu lược có câu Biết Người – biết Mình trăm trận trăm thắng .

Qua 2 phần trên về Cảnh, về Tuê giác. Phật đã chỉ bảo rõ ràng cho chúng ta biết SỰ THẬT VỀ ĐỐI TƯƠNG ,  chúng ta đã biết nơi ăn chốn ở của nó rồi ,  biết đường đi nước bước tới lui của nó rồi  – Sợ rằng ta không đủ sức để   ” … giết nó nổi … ” nên Ngài đã ân cần ban cho ta một bữu bối mầu nhiệm TUỆ GIÁC KHÔNG , đây là báu kiếm Văn Thù rất sắc bén để chém bay mọi chướng ngại do đối tượng bày binh bố trận .  Đó là Phật chỉ bày cặn kẻ để ta nắm vững yếu tố về phần  BIẾT NGƯỜI  . Bây giờ yếu tố về phần  BIẾT MÌNH .  Phật rất thương chúng ta nên  Ngài cũng trao cho ta một CẨM NANG tuyệt hảo đó là :

VÔ TƯỚNG  trong điều binh dụng tướng

VÔ TRÚ lúc hành quân xáp trận

VÔ NIỆM khi khởi phát kế hoạch tấn công .

Luôn luôn lấy trọng tâm NHƯ NHƯ – BẤT BIẾN của mình  mà ứng xử với … VẠN BIẾN … của đối phương, phải hoạt dụng pháp tắc … TAM LUÂN KHÔNG TỊCH … ở bất cứ chiến địa nào, chiến thuật nào cũng đều như vậy mà làm thì chắc chắn sẽ thành công và thành công mà thôi.

Nói tóm lại : Bất cứ việc gì, đời cũng vậy mà đạo cũng thế ; từ những việc nhỏ đến những việc lớn, xưa nay đều có câu : Thuận ” lòng trời ” thì còn, nghịch ” lòng trời ” thì mất . Lòng trời ở đây là cái diệu tánh NHƯ, bổn tự tánh của mình. Học đoạn Kim Cang liên quan đến tướng – tánh phước đức, điển hình qua bố thí chân chánh thì nhớ lại Đàn kinh Lục tổ dạy rằng:

… Công đức, phước đức ở trong tự tánh , chứ không thể do bên ngoài mà có được . Thấy rõ tánh là phước là công – bình đẳng ấy là đức . Mỗi niệm đều không ngưng trệ, vướng chấp thường thấy bản tánh chân thật diệu dụng goi là phước đức, công đức. Trong tâm khiêm hạ là phước là công – bên ngoài hành lễ phép ấy là đức ; Tâm thường khinh chê, hủy báng người, cống cao ngạo mạn, mục hạ vô nhơn … tức là không phước không công – tự tánh giả dối, hư vọng, lừa đão bịp bợm ấy là không đức …

Thế cho nên, khi áp dụng những lời dạy của Phật , của Tổ vào tu thân một cách thiết thực nhất chính là huân tập Tự tánh từ bi bình đẵng – hỷ xả vị tha , tự tánh nhẫn nhục khiêm hạ, tự tánh biết kính trọng, lễ phép đối với mọi người . Nội tâm có bình đẳng, nội tâm có khiêm hạ nhẫn nhục, nội tâm có kính trọng lễ phép lúc đó mới toát ra bên ngoài qua cử chỉ hành động, qua lời ăn tiếng nói một cách chân thành được.

Đó cũng chính là nguyên tắc Tùy duyên bất biến và Bất biến tùy duyên  ứng xử trong Tứ Tất Đàn , có được tinh thần ấy trang bị , bấy giờ mọi việc làm , mọi lời nói đều là phước đức, đều là công đức, mọi chân lý không ngoài những việc bình thường . Nếu như không phải vậy thì toàn là đứng núi này trông núi nọ , là thùng rỗng kêu to dù có làm chi cho lắm cũng như  câu ca dao mô tả : Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc lòng cho lắm cũng không ra gì .

*** Ba là những bài học thiết thực có thể áp dụng được rút ra từ kinh Kim cang :

A/.

Đối tượng đoạn trừ trong kinh Kim Cang :

a) Đối tượng đoạn trừ trong kinh KIM CANG là NGÃ CHẤP & BIẾN TƯỚNG CỦA NGÃ CHẤP là tứ tướng . [ Nhơn tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng ]

b) Người huynh trưởng GĐPT vận dụng cho tự thân những bài học nào ?

Có hai phạm trù cần huân hành :

*  Thực tập phá hủy ngã chấp tự thân từ thấp lên cao, từ nương tướng đến lìa tướng :

– Quán thân bất tịnh – quán từ bi … (  tu tập theo ngũ đình tâm quán ) …

– Quán pháp vô ngã – quán pháp duyên sinh.

– Và cuối cùng là thực hành Vô tướng bố thí – Vô ngã độ sanh

*  Thưc tập thọ trì đọc tụng Kim Cang theo thời khoá chọn lựa thích hợp với hoàn cảnh để huân ướp tuệ giác Kim Cang

B/.

Qua kinh Kim Cang chúng ta hiểu và phân biệt được :

a) Một là : Tướng phước đức ” và ” Tánh phước đức “

TƯỚNG PHƯỚC ĐỨC là làm phước đức có mang hậu ý với mục đích vị kỷ lợi dưỡng cho riêng mình,  cho gia đình bà con quyến thuộc của mình,  cho bè phái, phe nhóm của mình .

Điễn hình như câu chuyện của nhà Vua Lương Võ Đế hỏi Tổ Đat Ma để mọi người thức ngộ .

Nói tóm lại, tướng phước đức là làm việc phước đức nhưng có hậu ý đạt được một mục đích nào đó cho riêng cá nhân của mình.

TÁNH PHƯỚC ĐỨC là làm phước đức thuận theo tự tánh chơn như của mình, – hoàn toàn vị tha, vô sở cầu – , Ví như sự lưu xuất tự nhiên của  nước ; nước ở đâu cũng đều chảy về biển . Nước  không phân biệt sông này sông nọ, nước chẳng so bì ao nọ hồ kia … Nước ban cho mọi loài mọi vật sự tươi mát nhưng chẳng bao giờ nước kể công lao với ai .

Tóm lại, tánh phước đức chính là :

Tánh bình đẳng thuận theo bình đẳng  –  Không khởi sinh ý niệm nọ nầy

Cho khắp mà chẳng thấy cho

Rỗng rang, tịch lặng … tròn vo … nồng nàn.

b) Ý nghĩa chân thật của bố thí :

Ý nghĩa chân thật của bố thí là bố thí VÔ TƯỚNG , tức Tam luân không tịch .

Không thấy mình bố thí , không thấy người nhận bố thí và không thấy vật bố thí , Năng thí, Sở thí đều tiêu luôn. Nói như vậy không có nghĩa là mình không thấy, không biết gì cả . Thấy biết hết việc mình làm nhưng không vướng kẹt,  không chấp nhất, lìa hẵn 4 tướng .  Bố thí như cái tâm của Tu Bồ Đề hồi thời thơ ấu :..” thấy người khác đói cũng giống như con đói, thấy người khác lạnh cũng giống như con lạnh “..          Nói tóm lại , chân thật của sự bố thí là :

Nơi tự tánh, tâm thường rỗng lặng  –  Chẳng thấy mình là chủ đang cho

Cũng không thấy kẻ được cho

Vật cho cũng rứa, chẳng so ba điều .

Không khởi niệm ấy là không thấy  –  Có tức không … vô tướng là đây

Vô niệm, vô trụ … dựng xây

Bố thí chính hạnh đoanh vây nhiếp hòa .

C/.

Bài học áp dụng cho bản thân trong thực hành Phật pháp .

– Buông bỏ thói quen tập quán ích kỳ vì mình và cho mình.

– Huân tập tánh từ bi, bác ái, vị tha … bằng cách  mở rộng lòng thương trong giao tế với mọi người chung quanh, tức là … hưng phát vô duyên từ để khởi hiện đại bi tâm … theo hướng  Phật đạo đồng  để thực tập phá hủy mọi ý niệm phân biệt về ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả tướng .

– Tự tánh trau dồi trí tuệ qua Văn Tư Tu để lần hồi thâm nhập và tỏ tường các móc xích về 3 phạm trù … Cảnh không –  Tuệ giác không & Chủ thể không … , dùng tuệ giác quán chiếu duyên sinh để hội nhập Như thật tri kiến đoạn trừ ngã chấp, pháp chấp  khi xúc cảnh – tiếp tình .

Tóm lại:

Hãy vị tha, vì người mà sống  –  Đừng vì mình, lợi dưỡng riêng mình

Mỗi khi xúc vật – tiếp tình

Hành tâm khiêm hạ … Bất Khinh … hạnh Ngài

Khi bố thí … tam luân không tịch … là khuôn vàng thước ngọc huân tâm

Dấn thân hành động việc gì

Cũng y như vậy thủ trì mới nên .

D/.

Áp dụng trong việc giáo dục đàn em chúng ta .

– Lấy thân giáo làm gương . dùng tác phong làm mẫu : tri hành hợp nhất, không nên trống đánh xuôi, kèn thổi ngược làm cho các em mất lòng tin.

– Kiến tha lâu đầy tổ, một giọt nước tỷ ty mà giot liên tục thì cũng đầy ly . Với phuơng pháp đó mà huân ướp thân tâm các em qua từng hạnh đức mà chính bản thân mình đã kinh qua như các hạnh tinh tấn, hỷ xả, từ bi. thanh tịnh, trí huệ . Chỉ thực tế cho các em thấy, chính trong bản tánh các em có đủ cả nhưng các em không để ý nên không thấy đó mà thôi, bây giờ các em hãy đem ra mà dùng đừng để hoang phí đi, rất là oan uổng . Phật hóa các trò chơi, bài hát v…v … để huân ướp đức hạnh trợ duyên cho các em từng bước thâm nhập .

Tóm lại, với phương pháp giáo dục huân tập của GĐPT đã định hướng, người huynh trưởng có vận dụng được trí tuệ của mình để từ đó mà uyễn chuyễn linh động trong sứ mạng hướng dẫn đàn em của mình hay không mà thôi. Với hạnh nguyện Vô sanh pháp nhẫn, với chí nguyện Kim Cang và lòng từ bi năng động để tùy lúc uốn nắn, khuyến khích các em phát triễn hạnh lành có sẵn nới các em qua các mẫu chuyện đạo, tiền thân, thuần phong mỹ tục … để từng bước từ từ un đúc truỡng dưỡng tánh vị tha, bình đẳng. tình thương, hạnh hiếu … đó cũng là một hình thức ưom mầm phá hủy ngã chấp cho các em của chúng ta. Tóm lại, hãy nói với các em rằng :

Em hãy nhìn, nơi em có đủ  –  tánh thương người, kính mến mẹ cha

Tin yêu, vui vẽ , thuận hòa

Mến thương anh chị, nhường quà cho em

Em đã từng mang cơm cho kiến  –  Dẫn người mù từng bước qua đường

Nói năng lễ phép ngọt ngào

Kính trên nhường dưới ra vào chào thưa

Em thấy đó ! … nó đâu xa lạ  –  Ở trong em,  em dụng hằng ngày

Từ nay em nhớ luôn xài

Càng lâu càng chín càng mài càng tinh …

E/.

Tinh thần Kim Cang là phá chấp qua bài kệ :

Nhược dĩ sắc kiến ngã  –  Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhân hành tà đạo    –   Bất năng kiến Như lai .

Tinh thần Kim Cang mang cốt yếu :  Tuệ giác toàn hảo có năng lực phá hủy cái Ngã chấp khó phá hủy .

Thế cho nên 4 câu kệ trên là có hàm ý dạy chúng ta rằng :

Những gì mà mình thấy được nơi vạn sự vạn vật đương là không phải là mình  thấy  được tự thân chân thật của sự vật ấy đâu, đừng nên nghĩ như vậy Thực sự ra, lúc mình thấy là lúc mình đang nắm bắt, đang thâu nhận những bóng hình ảo giác do Căn – Trần – Thức duyên nhau để tạo thành, nó là huyễn mộng như sương rơi, như điện chớp … Hình tướng ta đang thâu nhận , nắm bắt đó Nó không phải là Nó như mình tưởng đâu 

Phật kệ dạy chúng ta phải quán chiếu để thoát khỏi những ảo giác về thực tại đương là đó – thấy cho được cái TỨC PHI của nó, lúc bấy giờ mới đích thực là thấy được THỊ DANH  của chính nó .

Điều Phật kệ bảo, chúng ta đang bị ảo giác não loạn, có thể dựa vào khoa học để giải thích : Các khoa học gia vật lý nguyên tử, chính họ đã từng xác nhận và nói rằng : Khi họ đi sâu vào đời sống của thế giới vật thể cực vi, họ đều thấy những nhận thức thông thường hằng ngày của họ là một điều lầm lẫn rất là buồn cười . Ví như,  miếng bánh mì, lát thịt, rau tươi, trái ngọt …  nương theo kính hiễn vi họ thấy rất ít vật thể chứa trong các thức ăn đó.   Trong các mẫu thức ăn đó, họ thấy có rất nhiều nguyên tử không thể nào nuốt vô bụng cho được , Các nguyên tử cực vi này nó đang chạy ngược – chạy xuôi trong khoảng không gian mà mẫu thức ăn kia choáng chổ , thế nhưng hằng ngày họ vẫn phải nhắm mắt để nuốt, để ăn, dể uống mà lại ăn uống rất chi là ngon lành mới thật là buồn cười chứ ! …

Cũng giống như vậy, Phật biết các pháp như mộng, huyễn , bào, ảnh, nhưng mà Phật vẫn sống, vẫn ăn cơm và uống nước như người bình phàm duy chỉ khác một điều với người bình phàm là Phật sống với tinh thần vô chấp, ở với tinh thần vô trụ , hành động với tinh thần vô tướng và suy nghĩ với tinh thần vô niệm . Huân tu huân tập Kim  Cang là bằng cách chính mình phải thường xuyên tưởng nhớ, chiêm nghiệm các điều căn bản đó để diệu dụng đạo lý chữ Phi – như chữ Phi mà vô trú bát nhã – như chữ Phi mà hủy diệt ngã chấp – cũng như chữ Phi mà phát tâm với hàng tâm và trú tâm . Đừng nên nô lệ phàm ngã này mà đày đọa mình đi vào vạn kiếp trầm luân .

Những bài kệ cùng mang ý nghĩa các.pháp hửu vi đều hư vọng :

(1)       Nhứt thiết hữu vi pháp  –  Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệt như điển

Ưng tác như thị quan .

Dịch nghĩa là :

Tất cả  pháp hữi vi  –  Như mộng huyễn, bọt nước ảo ảnh

Như sương rơi ánh chớp

Nên quan sát như vậy.

(2)       Chư hạnh vô thường  –  Thị sanh diệt pháp

Sanh diệt diệt dĩ  –  Tịch diệt vi lạc .

Dịch nghĩa là :

Các hạnh vô thường  –  Là pháp sanh diệt

Sanh diệt diệt rồi

Tịch diệt là vui .

(3)       Nhứt thiết pháp bất sanh  –  Nhứt thiết pháp bất diệt“

Nhược năng như thị giải

Chư Phật thường hiện tiền.

Dịch nghĩa :

Tất cả pháp không sanh  –  Tất cả pháp không diệt

Nếu rõ biết như vậy – Các Phật thường trước mắt .

Thưa Anh Chị Em .

Tâm tình trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau lên đường làm tròn Sứ Mạng của người huynh trưởng cầu thăng tiến sự nghiệp tu học làm tư lương hướng dẫn mầm Lam đàn em trở thành người phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo .  Xin  thân thương kính chúc thành công và  mến chào tất cả Anh chị em Áo Lam khắp đó đây .

Hẹn gặp lại Anh Chị Em lần sau .

Nguyên Viễn NN. Mục.

Nguồn: http://gdpthaingoai.org/2011/02/27/ph%E1%BA%ADt-phap-c%E1%BB%91t-t%E1%BB%A7y-kinh-kim-cang-ap-d%E1%BB%A5ng-vao-ch%C6%B0%C6%A1ng-trinh-tu-h%E1%BB%8Dc-gdpt/?fbclid=IwAR0HnEEbqPGsXTEIdXRYt_7GgFYoPKK0uYPqeBNXZ8jmjPUzXKJ9v8TWBVQ

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb