Tổng quan về bộ môn Gút Dây

1. Nguồn gốc ra đời

Xuất phát từ nhu cầu thực tế trong các hoạt động sản xuất, công việc hằng
ngày con người đã sử dụng dây để sáng tạo ra các cách thắt khác nhau. Dần
dà theo thời gian kinh nghiệm được bồi bổ nâng cao cộng với việc được ghi
chép con người đã tích lũy được số vốn kiến thức, từ đó bộ môn gút ra đời.

Nguồn gốc của bộ môn gút bắt nguồn từ cuộc sống cho nên tính phong phú của
nó lại có thừa. Cho đến tận ngày nay tuy con người đã có rất nhiều các kỹ
thuật khác thay thế nhưng gút dây vẫn là một phương tiện đắc dụng. Cùng với
sự phát triển của xã hội, một bộ phận gút dây đã không còn được sử dụng
hoặc hạn chế sử dụng do tính kém chuẩn mực của nó, số khác được nâng lên
tầm nghệ thuật do nét đẹp tinh tế tiềm tàng của nó.

2. Gút dây trong GĐPT

Gút dây là một bộ môn quan trọng trong hoạt động chuyên môn của GĐPT. Đây
bộ môn căn bản của nhiều hoạt động chuyên môn khác như thủ công trại, lều
trại… Xét về mặt Ngũ Minh, gút được liệt vào hàng Công Xảo Minh. Gọi là
Công Xảo Minh tất nhiên có thể xem đó như là một nghề. Về mặt lý luận gút
không có một có một lý thuyết xuyên suốt rõ ràng nhưng sử dụng gút hoàn
toàn có thể được xem là một nghệ thuật.

Sở dĩ GĐPT phát triển bộ môn gút là bởi nhận thấy được tác dụng nhiều mặt
của bộ môn gút.

1.Một là học gút có thể giúp phát triển sự khéo léo của đôi bàn tay.
2.Hai là ra đời trên nền tảng sáng tạo từ kinh nghiệm nên gút giúp đoàn
sinh phát huy khả năng sáng tạo.
3.Ba là bồi bổ óc thẫm mỹ.
4.Bốn là đào luyện cho đoàn sinh khả năng tháo vát, ứng dụng trong cuộc
sống trại mạc đầy thú vị.
Theo kinh nghiệm, mỗi đoàn sinh nếu biết cách sử dụng (tức là hiểu rõ công
dụng, ứng dụng và có thể ứng dụng thực tế) khoảng 10 gút căn bản là có thể
hoàn thành 70 – 80% những công việc cần đến gút. Người biết sử dụng khoảng
20 gút có thể xem là giỏi, từ 30 đến 50 gút là rất hiếm gặp.

3. Một số khái niệm căn bản

a. Tên gút: Có nhiều cách để đặt tên gút có thể nói là phức tạp, thông
thường người ta dùng tên ngành nghề, tên công dụng, ứng dụng hoặc hình dáng
gút cá biệt người ta dùng tên người (gút Lỗ Ban) hoặc tên vùng đất, dân tộc
sáng tạo để đặt tên (gút Mường). Ngoài ra người ta cũng có thể đặt tên gút
bằng cách lấy tên gút gốc cộng với đặc điểm riêng của gút được phát triển
(gút ghế kép, gút ghế cứu hỏa, ghế anh, chịu kép…)

Tên gọi là quy ước mà quy ước do con người đặt ra tùy theo quan điểm cách
nhìn mà mỗi vùng miền có cách đặt tên khác nhau đôi khi còn trái ngược nhau
(ví dụ gút handcuff tức cái còng nhưng người Việt gọi là gút hoa hồng). Do
không có một lý thuyết xuyên suốt nên không thể phân định đâu là tên gọi
chính xác, ta đành chấp nhận một cách tương đối một gút có nhiều cách gọi.
Vì lý do này cách chính xác nhất phân biệt gút là bằng công dụng và ứng
dụng.

b. Thể loại: hay (phân loại) tất cả các sự sắp xếp chỉ là tương đối tùy vào
mục đích sắp xếp. Nhưng thông thường người ta sắp xếp theo ứng dụng vì nó
phổ biến, trực quan và dễ dàng hơn cả. Ngay vả việc phân loại theo ứng dụng
cũng hết sức khó khăn do mỗi gút có một công dụng nhưng có nhiều ứng dụng
trong nhiều lĩnh vực sản xuất đời sống khác nhau. Ví dụ gút thợ dệt, sở dĩ
có tên này là do người thợ dệt hay dùng nó để nối chỉ tuy vậy nó cũng được
ứng dụng đan các loại lưới như lưới đánh cá.

Ở đây dựa vào yêu cầu thực tế sinh hoạt GĐPT tôi phân loại các loại gút
thành 8 loại dựa theo công dụng như sau:

1.Nối
2.Buộc – Treo – Kéo
3.Đầu dây (bện, chầu dây, vấn)
4.Thâu ngắn
5.Cấp cứu – Thoát hiểm
6.Ghép tháp
7.Đan – Trang trí
8.Khác
c. Công dụng: Mỗi gút chỉ có một công dụng duy nhất, rất khó để giải thích
công dụng một cách chính xác rõ ràng nhưng ta có thể hiểu được định nghĩa
công dụng thông qua đặc tính duy nhất và phổ quát của nó.

Lấy gút thợ dệt ở trên làm ví dụ, gút thợ dệt có công dụng là nối hai đầu
sợi dây không cùng kích thước nhưng có rất nhiều ứng dụng khác nhau trong
ngành dệt, đan lưới, lều trại, cấp cứu… Ví dụ khác gút thòng lọng tuy rất
phổ biến trong đời sống, sản xuất nhưng ít người biết công dụng của nó là
tạo một vòng dây không cố định.

Có người có rằng công dụng là ứng dụng đầu tiên, hay ứng dụng phổ biến
thuần túy hơn cả. Cách giải thích này không phải là không có lý, nó dễ hiểu
mô tả được đặc tính duy nhất nhưng không phải ánh được tính phổ quát của
công dụng.

Để hiểu rõ thêm về công dụng chúng ta tìm hiểu khải niệm ứng dụng.

d. Ứng dụng: mỗi gút có rất nhiều ứng dụng khác nhau, những biến thể của nó
lại càng có nhiều ứng dụng hơn nữa. Ứng dụng là cách viết tắt của ứng đối
và sử dụng, hiểu nôm na là sử dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể. Đi từ
công dụng đến ứng dụng là đi từ cái chung đến cái riêng, từ lý thuyết đến
kinh nghiệm, và từ giáo khoa đến thực tế.

Khi gút được được sử dụng tùy ứng dụng sẽ có cách làm khác nhau, những cách
này có thể được gọi là biến cách.

e. Biến thể: Sử dụng gút đến một mức độ ta sẽ thấy các gút dường như có
liên quan với nhau, những gút có liên quan với nhau tạo thành bộ hoặc
nhánh… Mỗi nhánh có một gút gốc và những biến thể của nó.

Một biến thể của gút là một gút xuất phát từ gút gốc được gia cố, thêm thắt
cho chắc chắn hoặc tiện lợi hơn tùy vào mục đích sử dụng cụ thể.

Trên lý thuyết một gút và biến thể của nó công dụng phải giống nhau. Thực
tế đôi khi công dụng của chúng cũng có khác biệt nhỏ, trường hợp này ta
không thể phân biệt đâu là gút gốc đâu là biến thể. Ví dụ gút thợ dệt và
gút dẹp, công dụng của gút thợ dệt là nối hai đầu dây không cùng kích
thước, công dụng gút dẹp là nối hai đầu dây cùng kích thước. Về cách làm 2
gút này tuy có khác biệt nhưng về nguyên lý cấu tạo thì ta không thể nói
gút nào là biến thể của gút nào.

trích nguồn: nguoiaolam.net

Tâm Pháp LÊ MINH ĐẠO

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb