GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Quảng Lực – ĐÀO ĐỨC TÍN
1. Hoài Bảo Của Các Vị Tiền Bối Sáng Lập Gia Đình Phật Tử:
Giữa thế kỷ XIX nước nhà đã trải qua một biến cố quan trọng trong lịch sử Việt Nam đang bị đô hộ của thực dân Pháp, văn hóa cổ truyền đang bị đe dọa bởi văn minh vật chất, phóng đăng cá tính của Âu Châu truyền sang, một số người vong bản phụ họa với thực dân, đưa dân tộc ta đi vào con đường nô lệ đồng hóa của ngoại bang.
Giữa lúc nước nhà đang nghiêng ngửa vì nền văn hóa của dân tộc đang bị bứng gốc, trước sự chạy đua mãnh liệt theo cái mốt vật chất của tầng lớp thanh niên mới bị lôi cuốn bởi nền văn hóa ngoại lai. Gia đình Phật tử ra đời với sự cố gắng níu kéo lại những tinh hoa của đất nước cùng tinh thần đạo đức của dân tộc. Đạo Phật là đạo của mọi người và mọi loài, thì đạo Phật cũng là đạo của tuổi trẻ, của Thanh, Thiếu nhi. Cần giáo dục Đạo Phật cho Thanh thiếu nhi một cách có phương pháp. Vậy phải lo xây dựng tín ngưỡng thuần chánh cho con em Hội viên, nhất là con em ấy, lớp tuổi trẻ ấy đang sống giữa một thời đại phức tạp, hỗn loạn và mất gốc (Trích bài “Lược sử Gia Đình Phật Tử” trong tài liệu tu học bậc Trì).
2. Mục Đích Gia Đình Phật Tử
Với hoài bảo cao quý và tốt đẹp ấy, mục đích của Gia Đình Phật Tử được nêu rõ trong Nội Quy “Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo” (Đại hội Gia Đình Phật Tử đầu tiên năm 1951 tại Chùa Từ Đàm, Mục đích của Gia Đình Phật Tử được nêu trong Nội Quy trình của Gia Đình Phật Tử là: “Huấn luyện Thanh Thiếu Đồng niên về phương diện Trí dục, Đức dục, và Thể dục (rõ ràng là “giáo dục”). trên nền tảng Phật giáo, để đào tạo thành người Phật tử chân chánh. “Qua kỳ Đại hội lần thứ IV và kỳ Đại hội lần thứ VI mục đích này có sửa đổi lại cho hoàn chỉnh hơn nhưng nội dung chính vẫn không có gì thay đổi. Mục đích nêu trên là mục đích tu chính lần sau cùng (đại hội lần thứ sáu).
Như đã nói ở trên, tổ chức Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục Thanh, Thiếu, Nhi đặt trên nền tảng Phật Giáo. Đã là một tổ chức giáo dục thì phải khẳng định sứ mệnh của chúng ta là sứ mệnh giáo dục, nhằm đạt đến mục đích Gia Đình Phật Tử như đã nêu trên. Những trò chơi, bài hát, cái gút, sinh lý lứa tuổi. Nhưng phải thấy cho được rốt ráo, ta đào luyện các em trở thành con người như thế nào? Cũng khỏi phải nói ở đây nữa. Nhưng chúng ta phải nêu lên những nét cụ thể của những tác phẩm mà chúng ta đang tạo dựng. Các em của chúng ta sau này phải là:
– Trong cuộc sống, nắm vững căn bản giáo lý, dựa theo giáo lý để thực tập, tu dưỡng, chuyển hóa bản thân, phục vụ đạo pháp.
– Một thành viên tốt trong gia đình, biết xây dựng hạnh phúc gia đình theo đúng tinh thần Phật giáo.
– Một công dân mẫu mực, luôn luôn trau dồi nghề nghiệp, đóng góp xây dựng làm phồn vinh cho đất nước, trau dồi Ngũ Minh Pháp, giúp ích cho xã hội, biết yêu thương quê hương dân tộc.
– Biết giữ gìn những di sản quý giá của cha ông, không vọng ngoại, không vong bản.
Thực hiện được sứ mệnh này thật vô vàn khó khăn vì giáo dục còn do môi trường gia đình, học đường và xã hội, trong khi đó mỗi tuần các em chỉ đến với huynh trưởng chúng một buổi chiều Chủ Nhật mà thôi
Phần đạo đức ghi trong học bạ (nhà trường) của các em cũng chỉ là đạo đức trong khuôn viên nhà trường mà thôi, các giáo viên chủ nhiệm làm sao theo dõi được các em khi ở nhà và nhất là ở ngoài đường trong lúc xì ke ma túy băng đảng cướp bóc đang vây quanh các em. Đang lôi cuốn các em. Đang giăng bẫy các em!
Chúng ta không bàn đến văn hóa vì đó là ngoài tầm tay và cũng không phải là trách nhiệm của chúng ta nhưng vấn đề đạo đức của đàn em chúng ta đặt cả vào tay chúng ta, không làm tròn sứ mệnh này là có tội với phụ huynh các em (đã tin tưởng tuyệt đối vào tổ chức GĐPT) có tội với các bậc tiền bối GĐPT và có tội với Giáo Hội đấy.
Con em của chúng ta hư hay nên, tốt hay xấu, không phải chỉ có chúng ta ảnh hưởng lên và trách nhiệm mà có thể nói do cộng đồng xã hội nói riêng và toàn thể chúng sanh nói chung. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải trách nhiệm về phần của mình mà không thể yêu cầu, đòi hỏi, kiểm soát, v.v… bất cứ điều gì ở các lãnh vực khác. Vì vậy, chúng ta luôn phải rà xét lại xem trong công việc giáo dục con em, chúng ta có đi đúng mục tiêu đường lối, có cập nhật hóa phương pháp truyền đạt, có là tấm gương sáng cho con em về những gì mình đã dạy hay không. Giáo dục Phật giáo mà trong đó vai trò chính là Gia Đình Phật Tử, vì thế có những nét đặc trưng riêng không thể đồng hóa với nền giáo dục thế gian mà con em chúng ta có thể tiếp xúc. Con người là một sản phẩm của xã hội mà nó đang sống; ngoài ra, mỗi thế hệ có vấn đề riêng của nó, do sự biến chuyển thiên nhiên của môi trường, hoàn cảnh chung quanh cũng như những biến cố dao động mang tính thời đại; vì vậy, tuy cùng được hấp thụ một nền giáo dục Phật giáo nhưng một em đoàn sinh của đơn vị này không thể giống đòan sinh ở đơn vị khác được… thậm chí, một đoàn sinh GĐPT hôm nay cũng không giống anh chị em chúng ta, cũng là đoàn sinh GĐPT nhưng thuộc về những ngày xưa cách đây 40, 50 năm.
Nhưng những thế hệ Huynh Trưởng về sau này, ít được nhắc đến cái Sứ mệnh cao cả của mình: “giáo dục” nên chưa có tầm nhìn bao quát, chưa thấy rõ chiều sâu.
Cho nên vấn đề giáo dục của Gia Đình Phật Tử lúc này quả là tối cần thiết và rất cấp bách giáo dục cho đúng đường hướng của Gia Đình Phật Tử thật là nan giải đòi hỏi người Huynh Trưởng phải kiên cường và biết hy sinh.
Quảng Lực Đào Đức Tín
Comments (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)