Kính mừng Đại lễ Vu Lan – Mùa Hiếu hạnh
BÔNG HỒNG CÀI ÁO
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Vu Lan Duyên Khởi Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một lần sang đất nước Nhật Bản. Đang đi trên đường phố, Thiền sư được một số thanh niên lại gần hỏi thầy có còn mẹ không, và cài lên áo thầy một đoá hoa cẩm chướng, rồi nói “Hôm nay là ngày tưởng nhớ đến mẹ” là “Ngày của mẹ”. Việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa hiếu hạnh vô cùng sâu sắc. Thấy được điều hay, lẽ phải từ nghĩa cử của các thanh niên người Nhật, Thiền sư thấy cần phải phát triển rộng rãi hơn, đặc biệt là trên quê hương đất nước Việt Nam.
Hoa hồng nồng nàn, xinh đẹp và mang ý nghĩa biểu hiện tình yêu thương của loài người. Chính vì thế, Thiền sư đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật, và viết nên tác phẩm “Bông hồng cài áo”. Ý nghĩa bông hồng cài áo rất sâu sắc, trong tác phẩm Thiền sư tha thiết viết lên:
“Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ.
Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ dù đã khuất.
Người được cài hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa”…
Từ đó, tiết thứ “Bông hồng cài áo” trong khoa nghi Đại lễ Vu Lan đã trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Là dịp nhắc nhớ mỗi người con, trong cuộc sống dù bộn bề lo toan nhưng vẫn luôn từng giờ từng phút không quên báo hiếu với cha mẹ đã vất vả, chắt chiu, dành dụm tất cả vì con. Dường như ai cũng cảm nhận được sự thiêng liêng mà gần gũi khi được đón nhận bông hồng, nâng niu, cẩn trọng cài lên ngực.
* Những người còn cha mẹ thì cài bông hồng đỏ để cảm nhận niềm hạnh phúc và tự nhủ luôn biết cố gắng để làm vui lòng cha mẹ.
* Những người không còn cha mẹ thì cài bông hoa trắng để tưởng niệm hai đấng sinh thành.
* Nếu chỉ còn cha thì cài bông màu trắng lá xanh; hoặc chỉ còn mẹ thì cài bông màu hồng lá trắng.
Đối với Chư tôn thiền đức, đóa hoa hồng màu vàng thắm gắn lên huỳnh y tượng trưng cho sự thoát tục, thanh tao của những bậc xuất gia trong niềm tôn quý cảm niệm tình thương của Cha, của Mẹ.
« Hoa hồng thắm màu huỳnh y rực rỡ
nhớ về người che chở suốt đời con,
dù hôm nay con khoác áo nâu sòng
tình Phụ Mẫu con tâm thành ghi nhớ »
Trong giờ phút thanh tịnh của ngày Vu Lan, khói trầm quyện, hương trầm bay, cửa pháp môn bất nhị đang rộng mở… Thời khắc thiêng liêng sâu lắng của Hiếu đạo đang ngự trị trong tâm hồn, khó ai có thể nén được cảm xúc trong phút giây lắng lòng dâng lên hai đấng sinh thành đóa hoa Tâm tri ân, thành kính…Dẫu biết rằng “ngôn ngữ trần gian là túi rách, đựng sao đầy hai tiếng Mẹ Cha”. Nhưng giờ đây, chúng con vẫn phải mượn những ngôn ngữ trần gian ấy để bày tỏ đôi điều cảm niệm đang dâng tràn trong tâm thức của những người con đối trước ơn đức của hai đấng sinh thành.
Nam Mô Vạn Cổ Hiếu Xứng Danh Mục Kiền Liên Tôn Giả.
Comments (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)