Vấn đề cấp bậc trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam

CapHieuGDPTVN_00

Bài viết trên đây của Cố Huynh Trưởng GĐPTVN Tâm Đạo – Phan Xuân Sanh (1927-2006), GĐPT Thừa Thiên. Dù anh chưa bao giờ trực tiếp giữ một trách nhiệm nào trong công tác lãnh đạo điều hành, thế nhưng tâm anh luôn hướng vọng về tổ chức, do đó trong bất kỳ công tác Phật sự nào của tổ chức GĐPT đều có sự đóng góp công sức và trí tuệ của anh. Đặc biệt, anh là một trong những người phác thảo ra huy hiệu hoa sen trắng từ ý niệm của Thầy Thích Minh Châu (nay là Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu đã viên tịch) và sau đó được Anh Lê Lừng hoàn thiện thành huy hiệu hoa sen trắng 8 cánh mà tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam sử dụng làm huy hiệu chính thức đến ngày nay.

******

  • Giới thiệu:

Gia Đình Phật Tử là một tổ chức gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi đẳng cấp trong xã hội, mọi giới mọi nghề. Tất cả những thứ khác biệt của thế gian đều bị xóa nhòa để dung hợp lại thành một khối mạnh mẽ. Gia Đình Phật Tử không căn cứ vào giá trị thế gian như danh vọng, địa vị, tiền tài để lên thang điểm mà chỉ nhằm vào một tiêu chuẩn duy nhất là đạo hạnh và khả năng điều khiển. Cho nên trong thành phần Huynh Trưởng đã đủ: trí thức, thợ thuyền, quân nhân, công chức v.v… và cấp bậc Huynh Trưởng được hoạch định rõ ràng, đủ đảm bảo cho một trật tự tất yếu của một đoàn thể.

  • Ý nghĩa:

Như chúng tôi đã trình bày ở phần ý nghĩa các trại huấn luyện Huynh Trưởng. Gia Đình Phật Tử không phải là nơi đầu tư cho danh vọng, quyền lợi và bản ngã cá nhân. Từng cấp trại có ý nghĩa riêng, càng lên cao càng nhận lãnh trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi sự hy sinh, kiên nhẫn chịu đựng, vì cuộc sống của người Huynh Trưởng là cuộc sống trái với chướng nghiệp của chính mình, cuộc sống trái với quan niệm của người đời; càng đeo cấp cao hạnh nguyện càng lớn; là tấm gương đạo hạnh cho đàn em đi sau noi theo.

Địa vị gì khi lên đến vị trí cao nhất! Anh Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương cũng chỉ là một người anh, một người anh của vạn đàn em nhỏ. Thân thương biết bao! Cao đẹp biết bao! Khiêm uy biết bao! Cao thượng biết bao!

Danh vọng gì mà cả cuộc đời hy sinh cho tuổi trẻ; không chấp nhận những cám dỗ, sống cuộc đời “an bần lạc đạo” noi theo tấm gương của Vạn Hạnh Thiền Sư; chấp nhận nghèo khổ để được trong trắng, để không làm hoen ố tổ chức và đạo pháp. Đó là những vị Bồ-tát đi vào cuộc đời để mang tình thương, sự hiểu biết tung gieo khắp muôn nơi theo hạnh nguyện:

…“Ngũ trược ác thế thề tiên nhập
Như nhất chúng sanh vị thành Phật
Chung bất ư thử thủ nê hoàn
Đại hùng, đại lực, đại từ bi”…
(Lăng Nghiêm Thập Chú).

Với ý nghĩa đó, cấp bậc trong Gia Đình Phật Tử là sự tự nhận lãnh trách nhiệm khi thấy mình có đủ đạo hạnh và khả năng điều khiển. Vấn đề phân cấp cũng hết sức khách quan và dân chủ, dựa trên hai điều kiện trên; và cũng chính vì ý nghĩa đó, nếu là một Huynh Trưởng mà không tự rèn luyện bản thân, không có đạo hạnh và hơn nữa nếu có dã tâm vì danh vọng, quyền lợi mà đi ngược lại mục đích của tổ chức, sẽ không được tín nhiệm, không lãnh đạo được một ai, dù chỉ là một em Oanh Vũ.

Vượt qua bao nhiêu hoàn cảnh, tình huống khó khăn, vất vả, tập thể lớn Gia Đình Phật Tử Việt Nam như sóng triều vô tận vẫn sống hài hòa, nề nếp; kính trên nhường dưới; đưa đẩy nhau tiến lên. Bao kết quả có được, suy cho cùng là nhờ quá trình thể hiện nghiêm túc cấp bậc trong Gia Đình Phật Tử nhất quán và đồng bộ. Không có tình trạng lạm dụng mờ ám, ngụy tạo cấp bậc do kẻ xấu ác cố tình khuynh loát, phá vỡ nề nếp tốt đẹp của tổ chức Gia Đình Phật Tử, dùng gậy ông đập lưng ông, gây ra tình trạng chia rẽ.

Nhưng trong vườn hoa đạo hạnh của các thế hệ trẻ Phật Giáo Việt Nam, hương hoa có giá trị của hương hoa, cỏ rác có giá trị của cỏ rác; trắng ra trắng, đen ra đen không bao giờ qua mắt được quần chúng, chẳng dối gạt lừa phỉnh được ai. Còn anh, còn chị, còn em, còn lương tâm, còn trung thực với cấp bậc sẽ còn mãi mãi bên nhau.

  • Cấp bậc GĐPTVN là chứng tích của sự rèn luyện kiên trì và nghiêm túc:

GĐPTVN là tổ chức giáo dục theo sát từng lứa tuổi để đề ra nội dung rèn luyện cho phù hợp. Cụ thể:

– Ngành Oanh Vũ Nam/Nữ, tuần tự có 4 bậc: Mở Mắt, Cánh Mềm, Chân Cứng, Tung Bay.

– Ngành Thiếu Nam/Nữ, tuần tự rèn luyện qua 4 bậc: Hướng Thiện, Sơ Thiện, Trung Thiện, Chánh Thiện.

– Ngành Thanh (Nam/Nữ Phật Tử), học tập và rèn luyện tuần tự qua 2 bậc: Hòa và Trực.

Các Đoàn Viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ đồng niên lên đến thanh niên trải qua các bậc trên với thời gian 10 năm rèn luyện và học tập để trở thành Huynh Trưởng; nhận lãnh nhiệm vụ điều khiển Đoàn vẫn phải từng bước tham dự 4 trại huấn luyện chặt chẽ và nghiêm túc:

– Trại Lộc Uyển cho Huynh Trưởng tập sự (sơ cấp).

– Trại A Dục cho Huynh Trưởng thực thụ (cấp I) [Điều kiện để xếp cấp Tập].

– Trại Huyền Trang cho Liên Đoàn Trưởng (cấp II) [Điều kiện để xếp cấp Tín].

– Trại Vạn Hạnh đào tạo Liên Đoàn Trưởng trở lên (cấp III) [Điều kiện để xếp cấp Tấn].

Sau đó muốn vào cấp Dũng, Huynh Trưởng cấp Tấn phải nhiều năm tu học theo chương trình 4 bậc: Kiên, Trì, Định, Lực; có hoạt động và nghiên cứu, sáng tạo về việc xây dựng tổ chức; đề ra những phương cách củng cố Gia Đình Phật Tử với công trình thực hành và lý luận cụ thể…

Muốn được đánh giá và công nhận năng lực, phẩm chất cao quý của từng cấp, từng bậc; các Đoàn Sinh, Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam phải có quá trình rèn luyện tu tập chuyên nhất, liên tục qua quá trình sinh hoạt với Đoàn; không thể một sớm một chiều mà có được. Còn cấp bậc theo kiểu lạm dụng thì chỉ như những con rối buông thả, thụ động, tùy tiện, xu phụ một cách dễ dàng.

Các anh chị Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử yêu quý.

Gợi nhớ lại một ngày tham dự lễ thọ cấp bậc, nhìn các anh chị trên vai sáng ngời các cấp hiệu, dẫu cấp hiệu cao hay thấp, cấp hiệu lớn hay cấp hiệu nhỏ; say sưa ngắm nhìn cấp hiệu trên vai các anh chị, niềm phấn khích và hãnh diện dâng cao; bởi vì đây là những cấp hiệu tinh thần, cấp hiệu do bản thân rèn luyện công phu mới có. Những cấp hiệu chói rạng truyền đăng từ ngôi Tam Bảo trước sự hiện diện, thương yêu cao cả của các anh chị cao niên lớp trên.

Cấp bậc Gia Đình Phật Tử Việt Nam huy hoàng trên vai, trước lồng ngực, có giá trị của một viên ngọc như ý. Hãy lắng lòng đồng niệm, đem cả cuộc đời Chánh Tư Duy, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp. Sự nghiệp của người Huynh Trưởng, người Đoàn Viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam chính là sức mạnh bất khuất, bảo tồn Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

Tâm Đạo PHAN XUÂN SANH

Nguồn: http://thuviengdpt.info/ao-lam-hy-luan/chuyen-gdpt/van-de-cap-bac-trong-gia-dinh-phat-tu-viet-nam/

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb