NHỮNG MẪU CHUYỆN HAY
DÀNH CHO OANH VŨ
HOA VƯƠNG
Ngày xửa ngày xưa, có một vị minh quân cai trị một Vương quốc thanh bình trù phú. Mọi việc đều xuôi chèo mát mái, ngoại trừ một điều bất như ý là dù tuổi đã khá cao, nhà Vua hiền đức của chúng ta vẫn chưa có được một hoàng nam nối dõi.
Một bữa tốt trời, nhà Vua cho yết bảng, truyền lệnh với các đồng tử, tuổi từ 7 đến 12 vào sân rồng cho ngài tuyển chọn người kế nghiệp. Các thần dân của đức Vua trong lứa tuổi đã ấn định lần lượt kéo nhau về kinh đăng ký… Bất kể gia tộc, giàu nghèo, sang hèn; mỗi cậu bé đều được nhận một hạt giống tí tẹo. Các thí sinh phải đem hạt giống về, tự tay gieo trồng, chăm bón… Đến bao giờ hạt giống nẩy mầm, nức lộc, đâm chồi, ra nụ, kết hoa… thì sẽ mang đến Hoàng cung dự thi.
Ngày khảo thí được ấn định vào đêm trăng Rằm tháng tám. Chậu hoa nào được đức Vua và Hoàng hậu chấm giải nhất thì người gieo trồng đó được vào cung làm Hoàng tử, người sẽ kế vị đức Vua lên ngôi cửu ngũ sau này.
Cái ngày chờ đợi đó đã đến. Vườn Ngự uyển chất đầy các lẵng hoa không chê vào đâu được…Nhưng đức Vua và Hoàng hậu xem chừng vẫn chưa hài lòng, vừa mắt.
Sau cùng, một chú bé khoảng lên 8, áo quần rách rưới nhưng mặt mũi dễ thương xin được vào gặp đức Vua của chú. Mọi người cười ồ khi thấy chú bé khư khư ôm một cái chậu đất nung chứa đầy phân và đất mịn. Vị thần dân tí hon này quỳ trước bệ rồng, nước mắt chảy quanh, sụt sịt nói;
– Muôn tâu! Con đã gắng hết sức mình. Con đã chọn chiếc chậu lành lặn nhất, đặt vào đó thứ đất mịn nhất, trộn vào chậu thứ phân hoai nhất… rồi mới đặt hạt giống của đúc Vua ban cho con vào đó. Con đã phơi sương, ủ nắng và tưới nước cho nó. Vậy mà, nó không chịu nức cái mầm nào cả.
Nghe đến đây nhà Vua không dấu được nổi xúc động, ngài bước xuống ngai, ôm chầm lấy chú bé dân giả, reo lên:
– Ôi, con chính là vị Hoàng tử mà ta và toàn thể thần dân chờ mong.
Mọi người đều kinh ngạc lẫn bất bình. Đức Vua vuốt râu, mĩm cưởi giải thích:
– Tất cả hạt giống trước khi trao cho thí sinh đều đã hấp chín nên nó chỉ có thể nở một đóa hoa vô hình nhưng trung thực mà thôi.
Đưa tay chỉ chiếc chậu đầy đất bẩn của chú bé, nhà Vua tiếp;
– Đóa hoa ấy đã đâm chồi nẩy lộc trong có mỗi chiếc chậu này mà thôi. Con người đã gieo trồng được loài hoa ấy nhất định sẽ là vị minh quân mà đất nước chúng ta chờ đợi.
Đức Vua đã không lầm trong sự chọn lựa ấy.
CÁI CHẾT CỦA CHIM ƯNG
Ngày xưa, có một con chim Ưng được nhà Vua nuôi dưỡng và yêu mến, thường mang theo trong những cuộc đi săn. Đáp lại, chim cũng hết mực trung thành với đức Vua.
Bữa nọ, trong một cuộc săn, Vua bị lạc vào rừng; chỉ có một người, một ngựa và chú chim Ưng thân tín. Vua khát nước đến lã người, đi mãi mới tìm được một mạch nước nhỏ, rỉ ra từ kẻ đá của vách núi. Đức Vua mừng rỡ, hái lá rừng để làm bát, hứng nước uống. Chờ đợi hồi lâu, nước mới rỉ được lưng chừng bát, Vua mới dượm đưa lên miệng uống thì chim Ưng đã dùng cánh hất đổ. Vua nén giận, hứng thêm bát nữa. Đợi nước đầy miệng chén, chim lại hất đổ sạch. Nhà Vua điên tiết, quật chim vào vách đá chết tươi.
Vào lúc đó, đội ngự lâm quân phi ngựa đến. Nhà Vua đòi nước uống, một tên thị vệ liền dâng nước cho Vua nhưng ngài gạt đi, bảo:
– Ta muốn uống nước lạnh rỉ ra từ khe đá kia. Ngươi hãy trèo lên vách núi, múc cho ta bát nước đầu nguồn, ta không thể đợi cho nó rỉ từng hạt như thế này được.
Gã thị vệ vâng lời, trèo lên vách đá tìm đến nguồn nước và thấy một cảnh đáng kinh hải: Giữa bể nước trong veo, một con Rắn độc nằm chết ngay đó.
Biết được cội nguồn, đức Vua ôm xác chim Ưng mà nhỏ lệ đầm đìa.
THIỀN SƯ VÀ NAI CON
Tại môt khu rừng nọ không cách xa làng lắm, có một vị Thiền sư đang hành thiền và giảng kinh. Thời thuyết giảng được tiến hành đều đặn vào các buổi sáng, chỗ ngồi là một vùng cây cao, tươi xanh mát mẽ, cạnh đó là một bãi cỏ non mượt mà. Ngoài số người theo sư tu tập và học đạo, còn có đông đúc dân làng với mọi lứa tuổi cũng đến tham dự. Nhưng lạ thay cũng lời nói ấy, cũng âm thanh ấy, ai nghe cũng cảm thấy phấn khởi, thấu hiểu, tin tưởng và muốn làm theo những điều sư dạy.
Sáng nào chim chóc cũng vội vàng rộn rã đánh thức mọi người, mọi vật chung quanh vùng hãy mau mau tề tựu quanh sư. Trong khu rừng có một chú nai con vừa tròn 5 tháng tuổi, chú ta luôn luôn được mẹ che chở bảo vệ.Mẹ dạy cho nai cách tìm cỏ non, nước suối mát, cách quan sát những hình ảnh, lắng nghe những âm thanh của những bạn hiền và loài hung ác. Mẹ không muốn cho con đi xa khi nai chưa đủ lớn khôn. Rồi một hôm, nai con đã biết được những vùng cỏ tươi thơm mát, chú ta thường rời xa mẹ tung tăng nhảy trên những thảm cỏ mịn màng, nai mẹ thường căn dặn con là không nên đi quá xa, mẹ chỉ cho phép nai con đi tối đa là tới bãi cỏ gần chỗ sư mà thôi… Được mẹ cho phép, nai con mừng khấp khởi, nai không còn ngủ trễ nữa, nai dậy sớm cùng với các bạn chung quanh, nhờ chim Sơn ca dẫn tới chỗ sư để vừa ăn cỏ, vừa nhìn quanh cảnh đẹp, vui tươi, đầm ấm đó. Thỉnh thoảng nai con đến sát vị đạo sư, ngơ ngác nhìn, mắt nai thoáng âu lo nhưng lại vừa thích thú. Nai con thường nghe mẹ bảo con người là loài độc địa, là con vật nham hiểm nhất giữa muôn loài. Nhưng đây, con người sao lại thuần hậu quá. Từ nụ cười, từ đôi mắt toát lên những nét yêu kiều, thân thương, thanh thoát vô cùng. Nai quyến luyến, lắm lúc không muốn về với mẹ.
Rồi ngày này qua ngày khác, nai thường lẩn quẩn, nhỡn nhơ quanh đó.
Một hôm, gió bắt đầu thổi mạnh, bầu trời thường xuất hiện những đám mây đen, hơi lạnh từ phương Bắc tràn về càng lúc càng nhiều. Sư đượm nét ưu tư. Sáng hôm sau người vẫn tiến hành công việc như mọi ngày. Nai con vẫn đến, đến gần sư, và nhanh như chớp, người cầm Thiền trượng quất mạnh vào đùi nai, nai con khiếp vía, cắm đầu chạy, chạy mãi, chạy thật xa… Các người hiện diện ngày hôm đó đều nín lặng, ray rức, bàng hoàng.
Tiếp hôm sau nữa, mưa bắt đầu lất phất rơi. Sư cho biết sẽ cùng mọi người dời đi nơi khác thuận lợi cho việc tu tập hơn. Sư ra đi trong trạng thái thanh thản của tâm hồn, vì nghĩ rằng nai con không bao giờ trở lại chỗ cũ khi không có sư ở đó, để bảo vệ cho nai trước đám thợ săn tham lam, tàn bạo./-
Comments (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)