TRUYỀN ĐẠT.
Trí Thắng NGUYỄN NGỌC SANH
Tham gia sinh hoạt GĐPT từ tuổi Oanh Vũ, đến nay tôi đã được học qua hết các Bậc – các Trại; Tôi chỉ hạn chế về trình độ văn hoá phổ thông. Mà nghề của Huynh trưởng chủ yếu là “truyền đạt” và hướng dẫn huynh trưởng đàn em cách truyền đạt. Do đó khi đứng trước một đề tài sắp truyền đạt cho đàn em, tôi đều ý thức là mình phải thận trọng và chuẩn bị cho chu đáo.
Thông thường tôi đọc kỹ nội dung của đề tài đó để có nhận thức cơ bản. Tôi dùng trí nhớ xem có tài liệu sách báo gì liên quan để lục tìm hoặc mượn về tham khảo, phân tích, chọn lựa, bổ túc vào bài soạn và khi sắp xếp các ý tưởng tôi phải đề phòng cảnh “Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Sau đó tôi lập “Dàn ý” một cách có hệ thống, mạch lạc theo một trình tự hợp lý. Trong quá trình đó, tôi tôn trọng và trung thành với tài liệu gốc, vì tài liệu gốc do TW san định, đã liên hệ với nội dung – trình độ trong Bậc (Trại) đó với các Bậc (Trại) khác rồi, sự tự ý thêm bớt phần nào nội dung sẽ gây mất ổn định, cân đối cho toàn bộ nội dung chương trình xuyên suốt. Tôi chỉ làm công việc triển khai theo chiều rộng với mục đích học viên nắm hiểu bài là đạt yêu cầu rồi.
Khi viết (hoặc chuẩn bị trong trí nhớ) thành bài soạn “tổng hợp”, tôi chú ý từ ngữ và ý nghĩa của từng đoạn văn, gạch dưới những ý chính cho mình dễ nhớ. Với từ ngữ nào chưa hiểu, tôi lật tự điển ra tra cứu và cũng để giải nghĩa khi cần thiết. Nhiều lúc, do khả năng hạn chế nhất định nên bị “bế tắt”, tôi sẵn sàng đi tham khảo ý kiến các bạn đồng đội hoặc quý Thầy Trưởng để được giải đáp, chứ không vì “sĩ diện” mà “dấu dốt”. Tôi nghĩ “dốt” là chẳng qua “chưa học”; có ai chưa học mà biết được đâu?; không có gì phải xấu hổ cả; ngược lại còn được sự nễ trọng vì tinh thần cầu tiến cầu thị của mình. Cái đáng chê trách là những người hiểu biết mà không chỉ bày (theo pháp Lục Hoà) cho người khác, cứ lên mặt “ta đây”.
Chuẩn bị “giáo án” xong, tôi đọc đi đọc lại để rà soát xem còn thiếu sót điều gì không (nên để cách thời gian ra, chứ đừng vội vả làm một lần cho xong, trừ phi khẩn cấp)?, và cũng để “thuộc ý” nhằm giảm bớt sự “dán mắt” hay bị trói buộc vào tài liệu – giáo án mà mất tự nhiên trong khi truyền đạt. Khi truyền đạt, tôi để thời gian ấy mà suy nghĩ – diễn đạt và quan sát đối tượng nhằm điều chỉnh cử chỉ – ngôn từ của mình hoặc tinh thần – thái độ học tập của đàn em theo chiều hướng tốt đẹp..
Kinh nghiệm cho tôi biết:
– Rất cần “Dàn bài” (khổ lớn) để mọi người tập trung vào đó, nhằm phát biểu và tiếp thu nội dung truyền đạt một cách trình tự mạch lạc. Trường hợp không có Dan bài thi cân báo trươc phần mục mình sắp trình bày cho học viên biết trước.
– Nên tìm sự kiện hoặc hình ảnh đặc sắc để gây ấn tượng cho đề tài của mình truyền đạt. Trên thực tế, có nhiều chi tiết của một bài học thật khó phai mờ trong tâm trí của đàn em.
– Không nên phân tích chi li – tỉ mỉ quá, vì sẽ kéo dài và dai lê thê, làm học viên chán ngấy. Tuy nhiên cần phải chọn lọc những mẫu chuyện, hình ảnh, thí dụ, dụng cụ… để minh hoạ, giúp học viên nhơ lâu.
– Luôn tươi cưòi tế nhị, thỉnh thoảng nên pha trò khôi hài, dí dỏm để học viên thư giản vui học, không nên nghiêm trang quá!
– Trong quá trình diễn đạt, giống như một bài văn, ở mỗi đoạn cũng như toàn bài đều có đủ ba phần Mở – Thân –Kết (tức là sự chuyển mạch, nối tiếp ý từ cho liền lạc).
Phải thành thật, không nên nguỵ biện – qua loa – đại khái. Nâng đỡ các học viên yếu kém, khích lệ các học viên khá giỏi.
– Cuối cùng là sự khuyến hoá học viên vận dụng thực hiện. Đây mới chính là sự thành công của bài học. Vì thế đòi hỏi điều kiện “Thân giáo” của người HT truyền đạt.
Nói chung, thái độ của HT truyền đạt như một người anh, người chị, có lúc là người bạn… ân cần hướng dẫn – chỉ bày cho đàn em hiểu biết mà thực hành đem lại lợi ích – an lạc, chứ không phải như thầy (cô) giáo dạy học trò., nên tránh dùng từ “dạy”. Nói rộng ra, phải có tính giáo dục khai phóng, biết và làm là một. Bởi thái độ chân thành, hoà đồng, cởi mở đó, giúp cho buổi học thêm sinh khí, học viên dễ đồng cảm – tiếp thu và vận dụng thực hiện. Sau mỗi lần truyền đạt, tôi thường tự mình và thăm dò qua một vài học viên để tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng cho lần sau.
Có một vấn đề mà tôi cũng như nhiều HT thao thức trăn trở. Trong thời đại văn minh và tin học hiện nay, nội dung trình bày nêu trên của tôi có phần lạc hậu – lỗi thời. Vì nhờ vi tính, ta có thể soạn bài dễ dàng – nhanh chóng; nhờ có mạng Internet, ta tha hồ tham khảo tài liệu; nhờ có máy chiếu ta thuận tiện cho việc minh hoạ – phụ đạo… Nhưng cũng vì vậy mà bản thân mỗi HT chúng ta phải cố gắng – nỗ lực, phát triển hơn nữa; vì các em cũng dùng các phương tiện điện tử đó để “thi đua”, vấn nạn, bắt bí chúng ta… Không phải chúng ta đua đòi mà vì nhu cầu thời đại, mỗi HT nên thân cận – sử dụng vi tính, mỗi đơn vị nên có thiết bị điện tử để phục vụ nhu cầu chung, để làm phương tiện nâng cao chất lượng sinh hoạt – tu học; cũng có nghĩa là phát triển Tổ chức chúng ta vững mạnh.
Tôi viết ra bài này chỉ với mục đích gây duyên, khích lệ các HT có hoàn cảnh và khả năng yêú kém như tôi. Các anh chị hãy mạnh dạn và gương mẫu tham gia các buổi truyền đạt cho đàn em – dù là ĐS bậc cao hay HT; “nghề dạy nghề”, với thiện chí và thân giáo của mình, các em sẽ tuân phục. Đồng thời tôi cũng tự hào là tôi đã được học, được sống – trưởng thành trong Tổ chức GĐPT. Một lần nữa, tôi xin được lưu ý với các anh chị Trưởng nên quan tâm vấn đề Tin học./-
TRÍ THẮNG
Comments (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)