10 ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

1. Tôn giả Xá Lợi Phất – Trí tuệ bậc nhất

Trong hàng Thanh Văn đệ tử của đức Phật Thích Ca, Xá Lợi Phất được coi là người có trí tuệ bậc nhất. Ngài xuất thân trong một gia đình Bà-la-môn, thân phụ Đề xá là một luận sư nổi danh trong giáo đoàn Bà-la-môn.

   Thân mẫu khi mang thai Ngài, trí tuệ vượt trội hơn mọi phụ nữ tầm thường (Theo truyền thuyết đó là do ảnh hưởng của thai nhi).

   Đến tuổi trưởng thành Ngài từ giã quê hương phụ mẫu, lên đường tìm sư học đạo. Trên bước đường vân du, Ngài gặp vị Tỳ-kheo A Thị Thuyết, là một trong năm vị Tỳ-kheo đầu tiên quy y Phật, dạy cho bài kệ:

 Các pháp do nhân duyên sanh. Các pháp do nhân duyên diệt.

Ngài ngộ được bài kệ và cùng người bạn chí thân đó là Mục Kiền Liên quy y theo Phật từ đó.

   Xá Lợi Phất là người có công lớn trong việc truyền bá Đạo Phật từ phường nam về phương bắc. Ngài đã chiến thắng trong cuộc tranh luận với ngoại đạo và đã xây cất tu viện Kỳ Viên với 16 giảng đường dành cho đại hội giảng kinh, ngoài ra còn có 16 tiểu đường làm phòng ngủ, nhà khám bệnh.

   Khi biết tin Đức Phật sắp nhập diệt, Xá Lợi Phất đã xin Phật cho nhập diệt trước. Sau đó Ngài về quê, quy y cho mẹ xong rồi mới nhập diệt.

   2. Tôn giả Mục Kiền Liên – Thần thông bậc nhất

   Mục Kiền Liên là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “phục lai căn,” còn dịch là “thái thúc thị”. Tên của Tôn giả là “Câu Luật Đà”, vốn là tên của một loại cây. Sự chào đời của Tôn giả cũng có một nhân duyên như Tôn giả Đại Ca Diếp vậy–Tôn giả Đại Ca Diếp là do cha mẹ cầu khẩn dưới cây mà sinh ra; thì Tôn giả Mục Kiền Liên cũng vậy, cũng do cha mẹ cầu tự dưới cây Câu Luật Đà mà sinh ra, cho nên lấy tên của cây nầy đặt tên cho con.

Mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên tuy cầu Thần linh, nhưng không tin Phật, không tin Pháp, không tin Tăng. Bà chẳng những không tin Tam bảo, lại còn hủy báng, phá hoại Tam bảo, nói nào là Tam bảo không tốt, nào là không đáng để tin theo…, cho nên sau khi chết, bà liền bị đọa vào địa ngục. Đợi đến sau khi Tôn giả Mục Liên chứng quả vị La Hán, đắc được lục thông, Tôn giả liền quan sát khắp các cõi giới để tìm mẹ; vừa nhìn đã thấy bà đã bị đọa vào địa ngục. Vì Tôn giả đã khai mở được Phật nhãn, Pháp nhãn, huệ nhãn, đắc được ngũ nhãn lục thông, nên nhìn thấy được mẹ mình đang chịu khổ nơi địa ngục, cơm cũng không có mà ăn; thế là Tôn giả liền đi xin một bát cơm để mang đến cho mẹ.

Vào đến địa ngục, Tôn giả dâng bát cơm cho mẹ. Bà mẹ của Tôn giả lúc còn sanh tiền vì tâm tham quá nặng nề, cho nên dù bị đọa làm ngạ quỷ nhưng vẫn không dứt bỏ được tâm tham. Bà một tay đỡ lấy bát, dùng vạt áo của tay kia che lại, rồi vội vàng chạy đến chỗ không có các ngạ quỷ, đem bát cơm ra len lén ăn một mình. Vì sao bà phải che bát cơm lại? Vì bà sợ các ngạ quỷ khác đến giành giật, nào ngờ cơm vừa đưa đến miệng thì liền hóa thành lửa. Đây là lý do gì? Đây là vì nghiệp chướng của bà quá nặng nề, nghiệp tội quá sâu dày, cho nên dù là thức ăn có ngon đến mấy, bà cũng không thể ăn được!

Tôn giả Mục Liên tuy là thần thông đệ nhất, nhưng bây giờ thì hết cách, không còn chú để niệm, không thể thi triển thần thông, không còn cách nào khác— đành đi tìm sư phụ thôi: “Những khả năng đệ tử học được, đến nơi đó đều trở nên vô dụng!” Thế là Tôn giả trở về tinh xá Kỳ Hoàn, tìm đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thưa rằng: “ Mẹ của con bị đọa vào địa ngục, con mang cơm đến cho mẹ, nhưng mẹ vừa bốc ăn thì cơm liền hóa thành lửa. Xin Phật hãy nói cho con biết nên làm thế nào? Đức Thế Tôn từ bi, xin hãy cứu mẹ của con!”

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni liền đưa ra một phương cách giúp Tôn giả cứu mẹ, đó là cách gì? Phật bảo: “Vì mẹ của ông hủy báng Tam bảo, tội nghiệp quá nặng; bây giờ sức của một mình ông không thể nào giải cứu được đâu. Muốn cứu được mẹ ông thì vào ngày rằm tháng bảy, là ngày chư Phật hoan hỷ, cũng là lúc chư Tăng tự tứ, ông hãy thiết lễ Vu lan bồn, đây là lễ cúng “giải đảo huyền” (giải cứu cái khổ bị treo ngược). Trước tiên, ông hãy cúng dường mười phương Tăng; khi mười phương Tăng chưa thọ dụng những thức ăn này thì ông cũng chưa được dùng. Ông trước hết là phải cúng Phật, Pháp và Tăng, sau đó mới có thể thọ dụng những phẩm vật dâng cúng. Vào ngày này, ông thiết trai cúng dường Tam bảo thì mẹ của ông sẽ lìa khổ được vui!”

Thế là Tôn giả Mục Kiền Liên y theo phương cách này, thiết bày pháp hội Vu lan, lễ cúng Vu lan bồn. Cho nên mỗi năm đến ngày này, các chùa đều tổ chức pháp hội Vu lan bồn, siêu độ cho cha mẹ trong bảy đời quá khứ và cha mẹ hiện đời. Có người hỏi rằng: “Cha mẹ của tôi hiện còn tại thế, vậy tôi nên làm gì?” Cha mẹ hiện đời vẫn còn sống thì hãy siêu độ cho cha mẹ trong bảy đời đã qua; siêu độ cho cha mẹ trong quá khứ thì cha mẹ hiện đời cũng sẽ được tăng thêm phước báu, kéo dài tuổi thọ.

Trong hàng Tỳ-kheo đệ tử của Phật, có nhiều vị thần thông phi thường, nhưng Mục Kiền Liên được danh hiệu đệ nhất là vì trong lúc hóa đạo, Ngài ưa hiện thần thông. Đức Phật tuy không cho phép các đệ tử hiển phép lạ mê hoặc người nhưng riêng đối với Mục Kiền Liên thì Ngài thường khen ngợi.

3. Tôn giả Ma Ha Ca Diếp – Hạnh Đầu đà bậc nhất

   Tôn giả Đại Ca Diếp là con của nhà hào phú trưởng giả dòng Bà-la-môn tên Ni Câu Lư Đà Kiệt Ba. Tiếng đồn tài sản của phụ thân Ngài có thể sánh với vua Tần Bà Sa La đương thời. Ngày mẫu thân Tôn giả lâm bồn, chính là lúc bà đang dạo chơi trong đình viện, bỗng cảm thấy mệt mỏi, bà đến ngồi dưới bóng cây đại thọ Tất-bát-la nghỉ ngơi. Lúc ấy chẳng biết thiên y từ đâu bay tới, và Đại Ca Diếp cất tiếng khóc chào đời.

Theo truyền thuyết, ngày Đại Ca Diếp rời nhà tìm đạo, lúc đó Ngài đã ba mươi tuổi, cũng chính là ngày đức Phật ngồi dưới cội cây Bồ-đề, trên tòa Kim Cang thấy sao mai mọc và thành Đẳng chánh giác.

Lúc Tôn giả gặp được Phật, đức Thế Tôn đã bảo: “Này Đại Ca Diếp! Ông chính thật là đệ tử của ta. Ta chính là lão sư của ông. Trên thế gian này, như người nào chưa chứng quả vị Chánh giác, không dám nhận ông làm đệ tử. Ông hãy theo ta.”

Ngài tu theo hạnh đầu-đà (tu khổ hạnh). Lúc già yếu, Ngài không những không thối chuyển mà còn siêng tu bội phần hơn. Đức Phật tán thán khích lệ rằng: “Có hạnh đầu-đà, pháp ta mới trường tồn” (Đầu đà nghĩa là phải rũ sự tham trước ba món: ăn, mặc, ngủ). Ngài được tôn xưng là Đầu-đà đệ nhứt, thường đứng hầu bên tay trái Đức Phật.

Sau khi Đức Phật nhập Niết-Bàn, Ngài hội họp Tăng-chúng, gồm những vị đại đức thông hiểu kinh luật, tại nước Ma-kiệt-Đà, thành Vương-xá, núi Kỳ-xà-Quật để kết tập kinh, luật, luận. Hội nghị nầy là lần kết tập đầu tiên. Ngài là vị Tổ sư thứ nhất được Đức Phật truyền y bát, cầm đầu Tăng chúng và truyền bá giáo pháp. Ngài lại tượng trưng cho hạnh ly dục hoàn toàn của đạo Phật. Vì là vị Tổ đầu tiên được đức Phật truyền y bát, nối truyền giáo pháp, nên cũng gọi Ngài là vị Tổ-sư Thiền tông thứ nhất.

4. Tôn giả Tu Bồ Đề – Giải không đệ nhất

   Tu Bồ Đề là vị đệ tử Giải Không Đệ Nhất (am hiểu tính không) của Phật Thích Ca. Ngay vừa chào đời, tất cả tài bảo, dụng cụ trong nhà Tôn giả bỗng nhiên biến mất, không thấy một cái nào. Người trong nhà đều lo sợ, vội mời thầy xem tướng đến bói một quẻ. Tướng sư gieo quẻ rồi nói:

– Đây là một hỷ sự, trong nhà sanh quý tử. Tiền bạc, bảo vật trong nhà đều trống rỗng ngay khi cậu bé chào đời đó là người Giải không đệ nhất. Chúng ta nên đặt tên cho cậu bé là Không Sanh! Điều này rất đại cát lợi, tương lai chú bé sẽ không bị danh văn lợi dưỡng thế gian ràng buộc, gọi chú là Thiện Cát cũng tốt.

Mặc dầu sanh trưởng trong gia đình giàu có và rất được cha mẹ cưng chiều, nhưng từ nhỏ Tu Bồ Đề đã không nô lệ vào tiền tài báu vật. Cha mẹ cho đồng nào, thì cậu đem bố thí cho những người nghèo khổ. Lạ lùng là khi đi đường mà gặp kẻ hành khất áo không kín thân thì cậu liền cởi áo của mình mà cho họ, chỉ mặc vỏn vẹn quần cụt về nhà.

Một ngày nọ, trên đường hoằng dương đạo pháp, Đức Thế Tôn đến quê hương của Tu Bồ Đề. Do bản tính tò mò, Tu Bồ Đề đã đi xem Phật là người như thế nào và đã cảm động và xin xuất gia khi được nghe Pháp Âm của Phật:

     Thế gian nầy chẳng nên đấu tranh với nhau bởi vì mọi người đều là một thể nhưng xưa nay con người vốn không phân biệt được nhân ngã mà thôi. Tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, chẳng có vật nào độc lập mà tồn tại. Mình và vạn vật đã nương nhau để sống còn thì việc ban bố lòng thương và ân huệ cho chúng sanh khi mới nhìn thì giống như vì người nhưng thật ra đối với chính mình thì lợi ích còn lớn hơn.

Một hôm tại nước Xá Vệ thuộc tịnh xá Kỳ Viên, Phật và 1250 vị đại Tỳ kheo đều đắp y và mang bình bát vào thành theo thứ lớp khuất thực. Khuất thực xong, Phật và chư đệ tử đồng về tịnh xá để thọ trai. Sau đó, Đức Thế Tôn nhắm mắt tỉnh tọa và trong tăng chúng không ai dám hướng về Phật mà hỏi han gì cả.

Lúc ấy, Tu Bồ Đề ở trong đại chúng, vội đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, đảnh lễ Phật rồi cung kính hỏi:

   Bạch Thế Tôn! Đệ tử chúng con đều biết Thế Tôn là bậc tối thiện nhiếp hộ chúng con, nhưng đối với hàng thiện nam thiện nữ đã phát tâm Bồ Đề thì làm thế nào để an trụ chơn tâm? Với những vọng niệm nhiễu loạn như thế thì làm sao có thể hàng phục vọng tâm? Xin Đức Thế Tôn từ bi vì đại chúng mà chỉ dạy.

Câu hỏi của Tu Bồ Đề làm Đức Phật rất hoan hỷ mà dạy rằng:

Như muốn an trụ nơi tâm Bồ Đề và không bị vọng niệm quấy rối thì khi bố thí nên hành bố thí vô tướng, khi độ sanh nên thực hành độ sanh vô ngã. Nên y theo đó mà an trụ chơn tâm và y theo đó mà hàng phục vọng tâm.

Một câu chuyện khác: Có một người ngoại đạo tu chứng được 5 phép thần thông, nhưng khi nghe Trời Đé Thích nói rằng ông sắp chết thì hoảng sợ mà đi gặp Phật xin dạy cho pháp môn bất tử. Sau khi bảo tu sỹ ngoại đạo “buông” ba lần, Đức Phật dạy: “Lần thứ nhất ta bảo ông buông là buông chấp trần cảnh, lần thứ hai ta bảo ông buông là buông chấp sáu căn, lần thứ ba ta bảo ông buông là buông chấp vọng thức. Nếu ông buông được ba cái đó là ông dứt sanh tử.”

Ý Đức Phật muốn nói rằng: Khi buông chấp trần cảnh có nghĩa là đừng để sáu căn chạy theo sáu trần thì tâm không bị dính mắc. Tức là tâm không khởi phân biệt tốt xấu thì tâm không bị si mê vọng niệm. Khi buông chấp sáu căn có nghĩa là sáu căn không bị sáu trần quyến rũ thì sáu căn sẽ được thanh tịnh. Còn buông chấp vọng thức có nghĩa là tâm không chạy theo vọng trần thì không sanh ra vọng thức. Tóm lại ý Phật muốn nói với ông ngoại đạo là nếu tâm bên ngoài không bị vọng trần kích thích và bên trong không bị phiền não quấy phá thì tâm sẽ thanh tịnh. Khi tâm đã thanh tịnh thì không gây nghiệp, mà không gây nghiệp tức là không còn sanh tử.

Tu Bồ Đề thấu hiểu cái đạo lý cao siêu và cảm kích pháp âm của Phật nên vui mừng rơi nước mắt và quỳ dài trước tòa của Thế Tôn mà bạch Phật rằng:

Bạch Phật! Từ khi con làm người đến nay, cái đạo lý sâu xa vi diệu như thế này mới được nghe đến lần đầu. Từ đây con không còn vướng vào chấp ngã chấp pháp. Ngay cả bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả cũng không thể trói buộc con. Lìa tất cả chấp trước mới thấy được lý “không” và lìa tất cả danh tướng mới thấu đáo nhơn sanh. Hôm nay con đã thể hội tâm lý của Phật như là nhận thức rõ cho chính con.

Tu Bồ Đề nghe xong thì khai ngộ và từ đó được xưng là đệ nhất giải không.

5. Tôn giả A Nan Đà – Đa văn đệ nhất

   Tôn giả A Nan (Ananda) là một trong mười vị đệ tử lớn của đức Phật, người được mệnh danh là rất uyên thâm trong nhiều lĩnh vực và có trí nhớ siêu phàm (đa văn đệ nhất). Với những đức tính đặc biệt, tôn giả A Nan được đại chúng thời bấy giờ đề cử làm thị giả cho đức Phật và được đức Phật hoan hỷ chấp thuận. Tôn giả A Nan đã luôn theo sát đức Thế Tôn trong suốt hơn 25 năm cuối, luôn tận tụy trong việc chăm sóc đức Phật; ghi nhớ tất cả những gì mà đức Phật dạy bảo; luôn đem đến niềm an lạc cho mọi người, như chính ý nghĩa của tên Ngài — Ananda: an lành và hạnh phúc.

A Nan sinh trưởng trong một gia đình truyền thống Kshatriya (chiến sĩ giai cấp nắm quyền hành thống trị đất nước Ấn Ðộ thời bấy giờ), con của vua Amitodana. Vua Amitodana là em ruột của vua Suddhodana (Tịnh Phạn Vương – phụ thân của đức Phật). Trong quan hệ dòng họ, A Nan là em chú bác ruột với đức Phật. Ngày đức Phật trở về Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) để thăm vua cha và thân quyến lần đầu tiên sau khi thành đạo, trong số vương tôn công tử ra nghinh đón Ngài có chàng trai trẻ thuộc dòng họ vua chúa — Ananda, lập tức A Nan bị thu hút bởi cốt cách uy nghi và thanh cao của đức Phật. Sau đó, A Nan cùng với sáu vương tử khác đã đến xin đức Phật cho phép được gia nhập Tăng đoàn, đi theo con đường mà đức Thế Tôn đang đi.

Với trí thông minh có sẵn, sau khi trở thành một tu sĩ, Tôn giả A Nan đã tiếp thu giáo lý của đức Phật trọn vẹn như nước thấm vào cát. Nhân một hôm nghe Trưởng lão Punna thuyết pháp, Ngài chứng đắc được quả thánh Dự Lưu (Sotàpatti – Tu đà hoàn) — cấp độ đầu tiên trong 4 cấp độ giải thoát (Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán).

Hơn ai hết, A-nan-đà bênh vực cho việc nữ giới được học hỏi giáo pháp. Nhờ sự can thiệp của Tôn giả mà Phật chấp nhận thành lập ni đoàn. Chính vì điều này mà hiện nay các chùa Ni đều thờ hình tượng Tôn giả A nan Đà.

Tuy là một người rất mực thông minh, nhạy cảm và có một trí nhớ chính xác, mạnh lạc như thế, nhưng tôn giả A Nan chưa phải là một vị A la hán — bậc đã hoàn toàn giải thoát, nên khi nghe đức Phật cho biết chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ nhập diệt, Tôn giả buồn đau vô cùng. Ký ức về những ngày tháng theo sát bên đức Phật, những hành động, cử chỉ đầy tình thương yêu vô biên và những lời dạy đầy trí tuệ của Ngài cứ tuôn chảy về trong Tôn giả. Nghĩ về một mai đây sẽ không còn Phật nữa, Tôn giả A Nan đã ra ngoài và bật khóc thành tiếng. Ðức Phật nhận biết điều này, Ngài gọi A Nan lại và ân cần, bảo:
“Không nên than khóc, này Ananda, không nên phiền muộn; Như Lai đã từng dạy rằng mọi kết hợp đều phải chấm dứt bằng sự biệt ly. Hiện hữu là vô thường, luôn biến dịch. Ðã từ lâu, con đã tận tình hầu cận Như Lai với tâm quý mến kỉnh mộ, con hãy nỗ lực tu tập để thành tựu quả vị A la hán – quả Thánh tối thượng”
Ba tháng sau khi đức Phật nhập diệt, vào đêm trước Ðại hội kết tập kinh điển lần thứ I gồm 500 vị A la hán do Tôn giả trưởng lão Ðại Ca Diếp (Maha Kasyapa) chủ tọa, với nỗ lực thiền quán vượt bực, Tôn giả đã chứng đắc A la hán và được tham dự Ðại hội, phụ trách trùng tuyên kinh tạng. Mở đầu của mỗi kinh, Tôn giả A Nan đã lặp lại lời “Như vậy tôi nghe…” (Như thị ngã văn), mà mỗi khi tiếp xúc với kinh điển, chúng ta đều gặp. Chính nhờ có A Nan mà lần kiết tập đầu tiên, mọi lời Phật dạy đều được ghi chép lại đầy đủ, không thiếu sót.

6. Tôn giả Ca Chiên Diên – Nghị luận đệ nhất

   Tôn giả Ca Chiên Diên vốn tên gọi là Na-la-đà, con thứ hai của quốc sư Ca Chiên Diên. Ca Chiên Diên là họ, về sau Tôn giả nổi tiếng nên mọi người dùng họ để thay tên gọi. Tôn giả Ca Chiên Diên rất giỏi biện luận, không kể người đó là Bà-la-môn quyền uy đến đâu, khi gặp mặt, Tôn giả chỉ dùng vài lời ngắn gọn đều khiến kẻ vấn nạn phải vui vẻ khâm phục.

Có một lần, Tôn giả gặp một ngoại đạo theo chủ trương “đoạn kiến”; vị ngoại đạo “đoạn kiến” này chuyên môn cho rằng tất cả sự việc đều là “đoạn”—không có gì cả, tất cả đều là không. Ông nói: “Trong Phật giáo của Ngài cho rằng ‘con người chết rồi vẫn còn kiếp sau’; còn đạo của tôi thì nói rằng ‘con người chết rồi không có kiếp sau.’ Tôi có một minh chứng muốn nói cho Ngài nghe!” Minh chứng gì vậy? Ông bảo: “Ngài nói con người chết rồi còn có kiếp sau, phải đi thọ khổ; nhưng theo tôi được biết thì những người chết rồi, không có ai trở về nói lại là mình phải chịu khổ gì! Tôi chưa hề thấy qua! Thế thì tại sao Ngài nói là có kiếp sau? Người chết thì giống như đèn hết dầu, không hề có kiếp sau!”

Tôn giả bèn trả lời vị ngoại đạo rằng: “Ồ! Ông nói người chết không trở lại à? Giả như có người phạm tội, bị người ta bắt đi để luận tội, còng lại và đưa vào nhà tù, thì người ấy có thể trở về nhà được chăng?”

Vị ngoại đạo nghe xong liền hỏi Tôn giả Ca Chiên Diên: “Ngài nói người chết đi, giống như kẻ phạm tội bị trói lại đưa vào nhà tù, cho nên không được tự do, không thể trở về; thế nhưng nếu như nói được sanh lên trời, thì tôi cũng chưa thấy người nào được sanh lên trời mà trở lại bảo với mọi người: ‘Tôi được sanh lên trời rồi!’ Trường hợp này phải giảng như thế nào đây? Đọa địa ngục thì không được tự do, không thể trở về; nhưng sanh lên trời thì được tự do, đáng lẽ những người ấy phải trở lại nói sơ về tình hình của mình chứ! Tại sao những người được sanh lên trời, cũng không thấy có ai trở lại cả?”

Tôn giả Ca Chiên Diên đáp rằng: “Ồ! Ông nói rất có lý! Nhưng ông phải biết, người được sanh lên trời giống như người bò ra khỏi nhà xí, được dùng nước trong tẩy rửa sạch sẽ; thế thì thử hỏi người ấy còn muốn chạy vào nhà xí, để phẩn dính lên người nữa không?” Chao ôi! Vị ngoại đạo này không còn lời gì để nói!

Tôn giả Ca Chiên Diên lại bảo: “Còn một điều nữa là một ngày một đêm trên cõi trời Đao Lợi dài bằng 100 năm ở cõi nhân gian chúng ta; ông thử nghĩ xem: Sau khi được sanh lên cõi trời rồi, người ấy còn phải sắp xếp công việc của mình, bày trí lại tất cả, có phải không? Đợi đến khi người ấy nghỉ ngơi xong, muốn quay trở lại, thì lúc ấy ông đã chết mất rồi! Một ngày một đêm ở chỗ của người ấy thì bằng 100 năm ở nhân gian, thời gian năm ba ngày người ấy ở trên đó sẽ bằng với mấy trăm năm ở cõi người chúng ta; lúc ấy ông đã chết từ lâu, xương cốt đều tan rã, ông còn có thể biết được người ấy trở về hay không?” Vị ngoại đạo nghe xong cũng không còn lời nào để nói.

Cho nên, Tôn giả Ca Chiên Diên được tôn xưng là bậc “Luận nghị đệ nhất”. Mười đệ tử lớn của Phật, mỗi vị đều có một sở trường rìêng, sở trường của Tôn giả Ca Chiên Diên chính là luận nghị, chuyên môn biện luận về đạo lý. Quý vị có thắc mắc về đạo lý gì muốn hỏi Tôn giả, với tài biện luận của mình, Tôn giả có thể nói thao thao bất tuyệt, khiến cho người nghe say sưa thích thú.

Taị nước A Bàn Ðề, trên đường đi du hóa, Ca Chiên Diên gặp một người đàn bà ôm một vò nước ngồi khóc nỉ non bên bờ sông. Thấy cảnh đáng thương Ngài dừng bước hỏi:

· Tại sao lại khóc lóc thê thảm như thế? Hãy cho biết lý do thử xem tôi có giúp ích gì được cho bà chăng?

· Chắc ông không giúp được gì đâu? Bà lão nói.

· Nếu không giúp được vật chất tôi có thể giúp cho bà phương pháp giải quyết, Ngài đáp.

· Ðời thật là bất công! Bà lão nói, người giàu thì càng giàu thêm, dư ăn dư xài, kho lẫm tràn đầy, ngược lại người nghèo ngày càng xơ xác, đổ mồ hôi mà vẫn không đủ ăn. Cái khó lại bó cái khôn! không có cách xoay xở. Tôi sinh ra trong một gia đình nô lệ khốn cùng, từ khi chào đời đến nay không lúc nào mà cái khổ không đeo đẳng. Vì thế đến nay tôi không còn sức chịu đựng, chỉ muốn đi tìm cái chết may ra mới hết khổ.

· Thôi đừng khóc lóc nữa, trong cuộc đời này đâu phải chỉ có bà nghèo. Thiên hạ phần đông là người nghèo, bà thử xem tại nước này có bao nhiêu là nhà giàu. Với những thứ tiền của tràn đầy kho lẫm, chắc gì những người giàu đã là không khổ? Vì lòng tham ô không đáy có một họ lại muốn mười. Lòng tham dục hành hạ con người ghê gớm lắm! Bởi thế tuy nghèo, nhưng lòng không dơ bợn, biết vừa đủ là thấy thoải mái hơn. Ðức Phật đã nói: “Người giàu tuy ở thiên đường cũng không vừa ý, người nghèo biết vừa đủ tuy nằm dưới đất vẫn thấy an lạc.”

· Ðó là lý thuyết thôi Ngài ơi! Thực tế khác hẳn. Người giàu khác với kẻ nghèo, vì muốn ăn là có ăn, muốn mặc là có mặc. Họ bỏ tiền ra là muốn gì cũng được. Còn nghèo như tôi suốt đời làm nô lệ, làm việc quần quật cả ngày mà đôi lúc còn bị roi vọt, chửi rủa, thức từ 4,5 giờ sáng đến quá 12 giờ đêm mà cơm không đủ no, quần áo rách tả tơi, cái nghèo đeo đẳng suốt đời, vì thế tôi muốn chết may ra mới hết thống khổ

· Vậy bà hãy bán cái nghèo đi.

· Cái nghèo đâu có bán được, ai lại dại dột mà đi mua cái nghèo.

· Nếu bà chịu bán tôi sẵn sàng mua.

· Thôi đừng đùa, tội quá Ngài ơi!

· Tôi tu hành nên không có nói đùa đâu, tôi mua thật. Cái nghèo có thể bán lắm chứ? Có điều là người ta không biết cách bán, phương pháp bán nghèo là bố thí. Mọi sự kiện trên đời đều có nguyên nhân. Giàu là kết quả của sự tu phước bố thí, còn nghèo là vì đã quá keo kiệt. Vì thế thực hành bố thí là phương pháp bán nghèo.

· Nhưng tôi nghèo quá biết lấy gì mà bố thí, cái vò trong tay tôi là của chủ Bà La Môn tôi đâu có đem bố thí được. Lỡ tay làm bể là đã bị ăn đòn, huống gì là đem bố thí cho người khác.

· Tôi đang khát nước vậy bà hãy đem vò nước xuống sông múc nước bố thí cho tôi.

Nghe xong bà liền đi múc nước bố thí và tỉnh ngộ. Nhờ Ca Chiên Diên chỉ dẫn, bà thường làm việc bố thí, lòng được thoải mái và cuộc đời trở nên an lạc hơn trước. Nhờ tài luận nghị, suốt cuộc đời đi giáo hóa Ngài đã cảm hóa được nhiều người, dẫn dắt người nghèo về với Ðức Phật, khiến ai cũng cảm thấy an lạc ngay trên cõi đời này.

   7. Tôn giả Phú Lâu Na – Thuyết pháp đệ nhất

   Tôn giả Phú Lâu Na vốn được gọi là “Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử”. Phú Lâu Na chỉ là tiếng gọi tắt. Danh hiệu Ngài dài như thế chính là biểu hiện cho Tôn giả khi thuyết pháp cũng trường mãn vô cùng. Danh xưng của Ngài được dịch sang tiếng Trung Hoa là “Mãn Từ Tử”. Đức Phật thường ngợi khen biện tài ngôn luận của Tôn giả trước đại chúng.

“Các ông cũng nên xưng tán Phú-lâu-na. Ta thường khen ông ấy là bậc nhất trong hạng người thuyết pháp. Ông ấy thâm nhập biển Phật pháp hay làm lợi ích cho tất cả người đồng tu học đạo, trừ đức Phật ra, không ai có thể biện bác ngôn luận với ông. Các ông chớ tưởng rằng Phú-lâu-na chỉ giúp ta tuyên thuyết chánh pháp, ông ấy ở thời quá khứ chín mươi ức cõi Phật đều hộ trì trợ duyên Phật pháp, đều được xưng là Thuyết pháp đệ nhất.”

Trong sự nghiệp thuyết pháp độ sinh, Tôn giả không cần khen ngợi, cung kính, không ngại khó khăn, gian khổ. Dù những nơi hẻo lánh xa xôi, đầy ác độc, Ngài cũng nhiệt tình tìm cách đến đó truyền bá chính pháp.

Theo thông lệ hàng năm sau mùa an cư, Phật lại phân bố các đệ tử đến các địa phương truyền đạo. Trong danh sách các giáo khu Tôn giả thấy không có tên nước Duna. Phú Lâu Na hỏi Phật lý do, Phật cho hay nơi đó quá xa xôi hẻo lánh, đường đi hiểm trở, dân tình lại rất dã man bạo ngược. Vì ngại nguy hiểm đến tính mạng Tăng sĩ, nên Phật không ghi tên nước Duna vào danh sách và phân bố chúng đệ tử đi đến đó thuyết giáo. Phú Lâu Na xin Phật được đến đó bố giáo. Phật hỏi: Ông không sợ nguy hiểm sao? Phú Lâu Na bạch Phật:

     – Bạch Ðức Thế Tôn! Người xuất gia phải có chí thượng cầu hạ hóa, muốn thành tựu sự nghiệp dù ở lãnh vực nào, con người cần phải vượt qua khó khăn gian khổ, chông gai là điều kiện thử thách con người. Ánh sáng Phật pháp cần bình đẳng soi rọi khắp nơi. Có ánh sáng Phật pháp con người mới được cải thiện, bóng tối mê muội được đánh tan, nên con nguyện đến đó để thuyết pháp dù có thịt nát xương tan.

     Ðức Phật hỏi: Nầy Phú Lâu Na! Giả sử đến Du Na người ta chửi rủa nhục mạ ông, thì ông nghĩ sao và xử lý bằng cách nào?

     – Bạch Ðức Thế Tôn! Họ vẫn còn tốt đối với con vì họ chỉ chửi mắng mà chưa đem gậy gộc để đánh con.

     – Nếu họ dùng roi gậy đánh ông thì ông nghĩ sao?

     – Con thấy họ vẫn còn tốt, vì họ chỉ mới rượt đuổi mà chưa gây thương tích cho con.

     – Nếu họ dùng dao búa gây thương tích cho ông?

     – Con vẫn còn cảm ơn họ vì họ còn lương tri chưa nở giết chết con.

     – Nếu họ giết ông?

     – Con lại cảm ơn họ bội phần, vì họ đã giúp con từ bỏ xác thân hư ảo, ô trược, sớm nhập Niết Bàn. Ðó là một dịp may hiếm có, chết vì truyền bá chánh pháp, con sẵn sàng đón nhận mà không có gì ân hận.

Với những lời dũng cảm chưa từng nghe, Phật cảm động khen rằng:

     – Nầy Phú Lâu Na! Ông là một con người can đảm xứng đáng là đệ tử của ta, hạnh tu đạo bố giáo nhẫn nhục của ông thật là siêu tuyệt hiếm có.

Phú-lâu-na được Phật khuyến khích rất cảm động, tâm bố giáo bất thối chuyển càng tăng cường mạnh mẽ. Tôn giả đảnh lễ Phật xong, thẳng đến nước Du-lô-na giữa những tiếng hoan nghinh đưa tiễn của chúng Tỳ-kheo. Chẳng bao lâu, dân nước Du-lô-na đều quy y Phật, và tại đây, Tôn giả thâu phục năm trăm đệ tử, thành lập năm trăm ngôi tinh xá.

   8. Tôn giả A Na Luật – Thiên nhãn đệ nhất

   A Na Luật sanh trong dòng dõi vua chúa, vốn là em của Thái tử Sĩ Đạt Ta. Sau ngày Tịnh Phạn Vương băng hà, đại tướng Ma Ha Nam lên nối ngôi, là anh ruột của A Na Luật. Tuổi thơ của A Na Luật, vốn là một đứa trẻ thiên tư hoạt bát, rất thông minh mẫn tiệp, đối với âm nhạc, kỹ thuậ dường như có tài đặc biệt. Năm bảy, tám tuổi thường ca hát trước đông người, làm những điệu bộ khôi hài khiến ai nấy đều bậc cười. Đó là một chú bé được mọi người yêu mến.

Lúc đức Phật thành đạo và trở về thành Ca Tỳ La thuyết pháp giáo hóa. Sức cảm hóa của Thế Tôn rất mạnh, chẳng bao lâu trong hoàng tộc nhiều người quy y Phật, xuống tóc xuất gia. Điều ấy khiến các vương tử thanh niên chấn động, A Na Luật cũng nằm trong tình hình ấy, lập chí xuất gia theo Phật.

Nhân một lần bị Phật quở khi Tôn giả ngủ gục trong lúc đang nghe pháp, Tôn giả lập thệ không ngủ nghỉ nữa. Vì dụng công tu tập quá mức, chẳng bao lâu Ton giả bị mù hai mắt. Đức Phật dạy Tôn giả tu tập “Kim cang chiếu minh tam muội” chẳng bao lâu A Na Luật chứng được thiên nhãn thông.

Thiên nhãn có thể thấy khắp, không phân biệt gần xa, không kể trong ngoài. A-na-luật mất nhục nhãn mà được thiên nhãn như thế, chúng Tăng đều ái mộ, kính trọng Tôn giả. Điều đó tức nhiên là do sức từ bi của Phật gia hộ, nhưng cũng do chí nguyện kiên quyết tu hành của Tôn giả mới được thành tựu. Từ đó, A-na-luật đối với việc vá y, trì bát không còn lo lắng, chỗ người khác không nhìn thấy tôn giả đều thấu rõ. Trong kinh A Di Đà, đã đặc biệt nêu đại danh A-na-luật trong hàng thánh đệ tử, vì thiên nhãn của Tôn giả có thể thấy được thế giới Cực Lạc ở phương Tây, dùng thiên nhãn để chứng minh cho hàng chúng sanh sơ học dễ sanh lòng tin tưởng vào cõi nước của Phật A-di-đà.

Thiên nhãn của Tôn giả không những chỉ thấy thế giới Cực Lạc, mà cũng thấy mọi tình hình ở chốn địa ngục. Một hôm, Tôn giả nhìn thấy rất nhiều phụ nữ bị đọa trong địa ngục, bèn đến hỏi Phật:

– Bạch Thế Tôn! Hôm nay con thấy có rất nhiều phụ nữ bị sa đọa vào địa ngục. Theo con thấy, người nữ rất dễ tín phụng lời Phật dạy, người nữ nhiều lòng nhân từ hơn nam giới, vì cớ sao họ lại bị đọa vào địa ngục nhiều hơn?

– Này A-na-luật! Trong Phật pháp, người nữ dễ tín phụng đó là sự thật, nhưng người nữ dễ tạo tội cũng là một sự hiển nhiên. Người nữ có ba thứ tâm lớn hơn nam giới. Thứ nhất, mỗi sáng sớm mới thức giấc, tâm tham lam của nữ nhân rất nặng, họ mong rằng tất cả tài bảo trên thế giới đều gom vào nhà mình. Thứ hai, lúc ban trưa, tâm tật đố của họ tăng lớn mạnh, cảm thấy rằng toàn thể nhân loại đều làm chướng ngại mình. Thứ ba, lúc xế chiều, tâm dâm dục của họ lẫy lừng, lúc nào cũng mong có người dựa kề bên mình. A-na-luật! Tâm tham lam, tật đố, dâm dục của nữ nhân rất dễ chiêu cảm họ phạm tội. Đó là nguyên nhân khiến họ đọa địa ngục rất nhiều.

Nhân sức thiên nhãn của Tôn giả thấy người nữ đọa địa ngục đã khiến đức Phật thuyết một bài pháp cho hàng tín nữ hôm ấy, khiến các bà, các cô một phen chứng kiến mà tỉnh ngộ.

   9. Tôn giả Ưu Bà Ly – Trì giới đệ nhất

   Từ nhỏ Ưu Ba Ly đã không được hưởng quyền lợi về học vấn. Người của dòng Thủ Đà La mà muốn học tập pháp điển Mã Nổ của Bà-la-môn là một vọng tưởng hão huyền. Đến tuổi trưởng thành, Tôn giả được xuất gia theo Phật. Mùa hạ trong năm Ưu Ba Ly xuất gia, đang khi chúng Tăng cử hành lễ an cư, Ưu Ba Ly đã tinh tấn tu đạo và khai ngộ. Do đó, Tôn giả đã thành một bậc thượng thủ trong Tăng đoàn, được sự cung kính của hai chúng tại gia, xuất gia. Việc ấy cũng làm nhiều người kinh ngạc. Một người thuộc dòng Thủ Đà La thấp hèn mà căn cơ mẫn tuệ đến như vậy, đó không những làm rạng rỡ cho dòng Thủ Đà La, mà cũng làm vẻ vang cho tinh thần bình đẳng của Phật Giáo.

Là vị giữ giới đệ nhất, Tôn giả luôn luôn quan tâm đến các vấn đề pháp chế, nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề phá tăng và hòa tăng. Chư Tăng sống theo hạnh lục hòa, cho nên nếu bất hòa là mối tai họa lớn lao. Với tập thể, có hòa hợp mới dễ dàng thành tựu các hoạt vụ, nhỏ như một gia đình có thuận vợ thuận chồng mới tát cạn bể đông. Bởi thế khi họp tăng làm phép yết ma, vị thủ tọa hỏi tăng đã họp xong chưa rồi lại hỏi: Tăng có hòa hợp không? Nếu Tăng không hòa hợp là Yết ma không thành. Một hôm tại thành Xá Vệ, Ưu Ba Ly hỏi Phật rằng:

· Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Phá hòa hợp Tăng?

· Này Ưu Ba Ly! Nếu trong Tăng đoàn, có người hay chỉ trích, chê bai, đâm thọc để các Tỳ kheo phải tỵ hiềm nhau, hoặc gây sự bất ổn, đó là phá sự hòa hợp Tăng. Nếu đối với chư Tăng, có Phật tử tại gia tạo sự bất hòa phân chia nhân ngã, khiêu khích làm chia rẽ tăng đoàn, làm rối loạn mất hòa khí, gọi đó là phá hòa hợp tăng. Ngoài đời, nếu chính quyền chen vào nội bộ tăng đoàn, tự viện, chỉ trích này nọ, hoặc yêu cầu trục xuất tăng ni ra khỏi tự viện, tăng đoàn gọi đó là phá hòa hợp tăng. Người phá hòa hợp tăng mang tội rất nặng, chết đọa vào địa ngục chịu các cực hình trong thời gian một kiếp.

· Bạch Thế Tôn! Còn thế nào gọi là hòa hợp tăng?

· Này Ưu Ba Ly! Người lễ bái cúng dường, hỗ trợ tùy thuận ngợi khen các tỳ kheo đúng phép, đúng luật gọi đó là hòa hợp tăng.

· Người đem lại hòa hợp tăng được những công đức gì?

· Công đức người tạo hòa hợp tăng được sinh vào thế giới có nhiều phước báu, hưởng các lạc thú trọn kiếp.

Đức Phật lúc sắp Niết Bàn dặn dò đệ tử sau khi Ngài nhập Niết Bàn cần lấy giới luật làm thầy, chính là cần đệ tử mình nơi mọi cử chỉ hành vi trong sinh hoạt hàng ngày thường, đâu đâu cũng phải lưu tâm cẩn thận. Tùy thời quán chiếu lời nói và hành động chính mình, có trái phạm vào giời luật của Phật hay không. Luôn kiểm điểm lỗi mình, ngày ngày phải sám hối tội lỗi. Có được giới hạnh, tự nhiên sinh ra định lực, không đến nỗi theo duyên lưu chuyển, hoặc bị ảnh hưởng trần cảnh bên ngoài. Phải có định lực mới phát sinh trí tuệ, có thể phân biệt rõ ràng phải trái thiện ác. Chính vì sự quan trọng của giới luật và vì Tôn giả Ưu Bà Ly am hiểu giới luật tốt nhất nên Ngài Ma Ha Ca Diếp đã giao cho Ư Bà Ly đọc giới luật trong đợt kiết tập kinh điển lần thứ nhất.

   10. Tôn giả La Hầu La – Mật hạnh đệ nhất

   Đức Phật khi còn là Thái tử của vương thành Ca Tỳ La, đã kết hôn với công chúa Da Du Đà La thành Câu Lợi. Vào năm thái tử và công chúa mười chín tuổi, sanh hạ La Hầu La. Thái tử rất vui mừng, nhưng đó không phải là sự vui mừng tình thường người đời sanh con. Vì thái tử đã nhiều lần xin vua cha xuất gia, đều không được chấp thuận. Vua Tịnh Phạn có nói “Trừ phi có được đứa cháu đích tôn thì mới cho phép thái tử xuất gia”. Hiện tại thái tử đã có La Hầu La như ý phụ vương, nguyện vọng xuất gia sẽ thành được, bảo sao thái tử không vui mừng.

Khi La Hầu La được 7 ngày tuổi, Thái tử Sĩ Đạt Ta xuất thành tầm đạo và trong suốt mười năm theo đó, La Hầu La chưa một lần nhìn thấy mặt cha.

Khi Phật thành đạo, Ngài trở về thành Ca Tỳ La. Da Du Đà La bảo con rằng: ” Con hãy theo phụ thân xin tài sản đi, cha con có những châu báu mà chúng ta chưa được thấy.” Không bao lầu sau, La Hầu La được xuất gia theo Phật và trở thành vị Sa Di đầu tiên trong Tăng đoàn, dưới sự dìu dắt trực tiếp của Tôn giả Xá Lợi Phất.

Tôn giả La Hầu La được gọi là mật hạnh, nghĩa là trong ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, La-hầu-la đều biết hết, đều có thể làm hết. Nghĩ đến hồi ban đầu, La-hầu-la theo Phật xin gia tài, đến khi Tôn giả chứng ngộ là đã được đức Phật trao cho pháp tài vô tận. Nghĩ đến thuở còn Sadi nhỏ tuổi gia nhập Tăng đoàn, đã làm bận lòng đức Phật không biết bao nhiêu, hiện tại Tôn giả đã xa lìa mọi dục lạc thế gian, đạt được niềm vui chơn chánh của pháp mầu. Thật là vinh hạnh cho Tôn giả.

Thao Duong Matxcova

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb