Tâm tình với Huynh Trưởng
Tháng Một 22nd, 2013 |
|
0 Comments »
Dưới đây là tâm tư của Thầy Thích Tế Đạt – cố vấn giáo hạnh GĐPT Cam Ranh, Cam Lâm – nhắn gửi đến Huynh Trưởng.
Ban Biên Tập trang nhà xin Thầy hoan hỷ cho phép được đặt đề bài và đăng toàn văn lời dạy của Thầy.
Mong Lam viên đọc và quán chiếu để ứng dụng trong sinh hoạt.
TÂM TÌNH VỚI ANH CHỊ HUYNH TRƯỞNG
Anh Chị Em Áo Lam thân mến !
Chúng ta thường bận tâm là chương trình Phật Pháp của chúng ta dạy cho các em ít quá, nội dung cứ bao nhiêu đó rồi lập lại hoài, thiếu hấp dẫn, sợ các em chán … nhưng chúng ta quên rằng chỉ nội một đề tài “Quy y Tam Bảo” thì trong đó đã chứa rất nhiều điều mà không những chỉ có thể đưa vào chương trình của Oanh Vũ hay ngành Thiếu, còn có thể đưa vào chương trình tu học Huynh trưởng cao cấp đến Trại Vạn Hạnh nữa đó!
Với các em Oanh Vũ, chúng ta chỉ cho các em làm quen với 3 từ Phật (Buddha), Pháp (Dharma) và Tăng (Sangha) và định nghĩa sơ lược với hình tượng bên ngoài, với ý niệm “Em tưởng nhớ Phật” “Em thực hành những lời dạy của ngài” “Em kính mến và biết ơn quý Thầy, những người đã nguyện trọn đời sống theo đức Phật” v..v.. .
Qua ngành Thiếu chúng ta có thể khai triễn Lý qui và Sự qui rồi đến hàng Huynh trưởng, chúng ta hiểu ý nghĩa “nương tựa” (quy y) một cách sâu sắc và phổ quát hơn. Đó là sự nương tựa vào phẩm chất giác ngộ của Phật, vào trí tuệ giải thoát mà Pháp đem lại cho chúng ta, vào sự tinh cần hòa hợp sống theo gương đức Phật của đoàn thể Tăng già. Đây chính là cốt lõi của Lý quy và Sự quy _ nương tựa và phát triển Phật tính nơi chính mình.
Qua lịch sử đức Phật Thích Ca, chúng ta học tập hai phẩm chất nổi bật nơi ngài – từ khi còn là thái tử Sidhartha Gotama – đó là luôn tỏ lòng biết ơn yêu thương con ngưòi và loài vật, có ý muốn nổ lực phục vụ tha nhân mà không đòi hỏi được đền bù lại điều gì. Chính vì vậy, khi thực tập Pháp của Ngài, chúng ta sẽ dần dần loại bỏ được những thói quen cố hữu của tính vị kỷ.
Có một Huynh trưởng kể lại rằng trong giờ học Phật Pháp bậc Trung Thiện, một em thắc mắc: “Thưa anh/chị, tại sao Phật Pháp dạy toàn những điều không đem lại lợi nhuận cho mình mà toàn khuyên mình “ít muốn, biết đủ” trong khi xã hội bây giờ toàn là cạnh tranh hơn nhau từng chút? Có phải vì vậy mà Phật giáo chúng ta bị lên án là “yếm thế” hay không?” Tất nhiên Huynh truởng ấy thừa sức trả lời câu hỏi của em mình, và chúng ta cũng vậy, bới vì “tu là lội ngược dòng nhân thế”. Nếu người Phật tử cũng tranh giành, từ lãnh vực kinh tế đến lãnh vực chính trị v.v.. thì không phải là sẽ đưa đến chiến tranh hay sao? Cho nên mới có câu “Tâm bình thế giới bình” là vậy! Đó là chưa kể trong tiểu thuyết Kim Dung, câu bé Quách Tĩnh đã hỏi Thành Cát Tư Hãn (TCTH): “khi Đại vương nằm xuống, Đại vương cần một mảnh đất bao lớn?”. TCTH trả lời: “chừng vài chục mét vuông”. Quách Tĩnh nói: “vậy thì tại sao Đại vương cứ đi chinh phục đất đai của các nước láng giếng khiến cho bá tánh phải đau khổ vì chiến tranh chết chóc, để rồi khi xuôi tay nhắm mắt chỉ nằm vào khoảnh đất vài chục mét vuông?”. TCTH không trả lời được vì chưa ra khỏi giấc mộng đế vương làm chủ thế giới!
Anh Chị Em thân mến ,
Chỉ với tam quy và ngũ giới không thôi, nếu thực hành Phật Pháp như vậy, chúng ta đã có thể đem lại an lạc và hòa bình cho bản thân và cho mọi người chung quanh. Quy y và giữ Giới không có tính cách nghi lễ, mà chỉ là những lời hứa lời nguyện tránh những lời nói và việc làm tổn hại đến người khác. Chúng ta giữ Giới có nghĩa là không vi phạm những nguyên tắc sống chung hòa bình, còn phạm Giới tức là phá hủy sự an lạc hài hòa của chính mình và của tập thể. Nói tóm lại, Pháp (Dharma) không phân biệt tôn giáo, tông phái, ai áp dụng cũng được, như đức Phật thường dạy: “Dù chư Phật có ra đời hay không thì Pháp cũng đã có tự muôn đời. Pháp, vì vậy là phương thuốc chữa lành bệnh phiền não cho tất cả mọi nguời”.
Tiến thêm một bước, có anh chị Huynh trưỏng thắc mắc rằng: Kỷ luật của GĐPT là kỷ luật tự giác, như vậy nếu có người không tự giác mà tự tung tự tác, tự cao tự đại ăn nói bừa bãi, thiếu văn hóa v.v. làm phương hại cả tập thể GĐPT thì sao? _ Xin thưa tất nhiên tự giác có nghĩa là khi 1 người Huynh trưởng phạm lỗi (hay phạm giới, phạm luật v.v..) thì chúng ta để cho người ấy tự động biết lỗi, sám hối xin lỗi trước, nếu người ấy không biết lỗi thì tập thể chúng ta có bổn phận phải chỉ ra (do vậy phải có bằng cớ, phải có chuẩn bị, để tất cả mọi người chúng ta đều thấy cái lỗi của người ấy .. rồi mới kêu người đó lại nói chuyện “phải trái”, yêu cầu họ xin lỗi và rút lại những lời nói vô ý thức, vô trách nhiệm, không có lợi cho Tổ chức v.v… Đó là cách làm mà ngày xưa đức Phật đã từng áp dụng cho Tăng đoàn. Nếu ngưòi ấy vẫn ngoan cố không nhận tội, không sám hối v.v.. thì chúng ta dùng phương pháp “mặc tẩn” nghĩa là cô lập họ bằng cách không ai để ý tới họ nữa, cho đến khi họ thấy tập thể tránh họ giống như tránh bệnh truyền nhiễm thì họ sẽ tự vấn lương tâm, tự soi rọi lại mình và hiểu ra lỗi của mình, chịu sám hối, hứa không tái phạm …. Trong thời gian “phản tỉnh” đó, họ không được đi sinh hoạt, không đưọc cầm Đoàn, không được họp Ban Huynh trưởng hay các cuộc hội họp cấp lớn hơn.
Trở lại việc giảng dạy cho đoàn sinh ở Đơn vị.
Việc làm sao cho những bài học Phật Pháp, Hoạt Động Thanh Niên, Tinh thần, Việt ngữ v.v.. sinh động, hấp dẫn là việc của từng Huynh trưỏng do hiểu biết các em của mình thích cái gì, tính tình như thế nào, cần đưa vào những trò chơi gì, nhưng cốt lõi vẫn là áp dụng Phật Pháp vào đời sống hằng ngày qua cách chúng ta hướng dẫn các em làm việc thiện, phát triển lòng từ bi, biết thuơng người, thương loài vật, không phá phách làm tổn hại môi trường sống quanh ta …. Đó chính là chúng ta đã đi đúng hướng, góp phần xây dựng đào tạo các em thành những Phật tử chân chánh, sống đúng theo chân tinh thần Phật Giáo.
Thân kính chúc Anh Chị Em chúng ta sống, thực hành và hướng dẫn đàn em thực hành Chánh Pháp vào đời sống hằng ngày. Đó là cách hoằng dương chánh Pháp tốt nhất. [Và quan trọng nhất vẫn là “thân giáo” _ người Huynh trưỏng GĐPT luôn là tấm guơng sáng cho đàn em noi theo.]
Trân trọng,
THÍCH TẾ ĐẠT
Comments (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)