NHẬT KÝ PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRANH ĐẤU ĐÒI QUYỀN TỰ DO VÀ BÌNH ĐẲNG TÔN GIÁO NĂM 1963

Kỷ niệm 50 năm ngày Phật giáo Việt Nam khởi xướng cuộc đấu tranh đòi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo (1963 – 2013), thử nhìn lại sự diễn biến vừa mang tính chất niềm tin tự phát nồng nàn của phong trào quần chúng, vừa được sự tổ chức và lãnh đạo cẩn trọng, uy nghiêm của hàng giáo phẩm Phật giáo. Kết quả cao nhất của cuộc Tranh Đấu Phật Giáo 1963 không phải là sự  sụp đổ của triều đại Ngô Đình mà là quyền tự do bình đẳng tôn giáo vì mục tiêu đấu tranh của quần chúng Phật tử và thiện hữu không phải là thế đứng chính trị mà là quyền tự do hành đạo.
Chỉ sau năm 1963, đạo Phật Việt Nam mới có Nha Tuyên Úy Phật giáo bình đẳng với Thiên Chúa giáo.
Chỉ sau năm 1963, đạo Phật Việt Nam mới được thế lực chính trị cầm quyền đối xử và thừa nhận như một tôn giáo chứ không phải là một hội đoàn tâm linh, lễ bái, từ thiện.
Chỉ sau năm 1963, đạo Phật Việt Nam mới được cộng đồng quốc tế biết đến và giao lưu như một tôn giáo, song song với sự hiện diện của đạo Thiên Chúa, Tin Lành trên đất nước nầy.
Trong suốt 50 năm qua, trong cảnh tranh tối tranh sáng của lịch sử đất nước Việt Nam, những thế lực chính trị, xã hội, tôn giáo thù nghịch xuất phát từ vô minh và cơ hội chủ nghĩa đã không ngừng cột buộc, chụp mũ, sơn phết, bóp méo hình ảnh quang minh chính đại của hàng giáo phẩm và Phật tử tham gia đấu tranh với hai thế lực tương tranh chủ lực trong cuộc chiến Việt Nam là Việt Cộng và CIA. Chính ý thức tôn giáo, khả năng chính trị, phương tiện thông tin vững vàng, rạch ròi và trong sáng của quần chúng đã trả lại những sự kiện hiển nhiên về lại cho sự thật của lịch sử.
Đón mừng lễ Phật Đản năm nay, người Phật tử Việt Nam chấp tay nguyện cầu cho đất nước, dân tộc và đạo pháp mãi mãi là những hoa sen vươn lên tinh khiết, nhiệm mầu dẫu cho hoàn cảnh là biển lửa, thế sự là ruộng lúa nương dâu.

 

Xin lắng lòng nhìn lại những ngày qua…
Trong dịp Lễ Phật Đản năm 1963 ( 08 đến 15 tháng 4 âm lịch), tổng Giám mục Ngô Đình Thục (anh của Tổng thống Ngô Đình Diệm) yêu cầu Phủ Tổng thống ra lệnh “Cấm treo cờ Tôn giáo ở tư gia và nơi công cộng”. Theo sự lý giải của những người theo sát tình hình thực tế thì yêu cầu nầy xuất phát từ mưu đồ muốn được Tòa thánh Vatican tấn phong chức “Hồng Y”.
Năm 1963, là kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám mục của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, Ông hy vọng nhân dịp nầy có thể được tấn phong Hồng y vì Ông đã tích cực vận động từ nhiều năm qua. Đồng thời Ông cũng rất muốn làm lễ Ngân khánh nầy (Ngày 19 tháng 6 năm 1963) long trọng như Quốc lễ. Ngay từ  tháng Ba, một số  Bộ trưởng, Dân biểu, và công chức cao cấp trong chánh quyền, trong đó có nhiều người không phải là tín đồ Thiên Chúa, thành lập “Ủy ban Mừng lễ Ngân khánh của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục”. Mỗi tỉnh, tỉnh trưởng cũng thành lập một tiểu ban tổ chức mừng lễ Ngân khánh, lo quyên góp hay áp lực đóng tiền.
Ngày 05 tháng 5 năm 1963, có cuộc rước kiệu của đạo Thiên Chúa nhân lễ khánh thành nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế tại Huế và Quảng Trị, tín đồ Thiên Chúa giáo treo cờ Thiên Chúa của Tòa thánh Vatican (Cờ vàng và trắng). Trong lễ đó, các viên chức cao cấp trong Ủy ban Mừng lễ Ngân khánh họp để tổng kết về việc chuẩn bị buổi lễ tại nhà của Cố vấn Ngô Đình Cẩn. Trong số đó có một số Bộ trưởng, kể cả Bộ trưởng Bộ Nội vụ và nhiều nhân vật cao cấp trong chánh phủ. Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đi viếng Nhà thờ La Vang[1]  Dọc đường từ Huế đến Quảng Trị, Ông thấy cờ Phật giáo treo khắp nơi nhân  Tuần lễ Phật đản (từ ngày mùng Tám đến Rằm tháng Tư âm lịch). 90% dân Huế theo đạo Phật, Phật giáo ở đây tổ chức qui củ và sinh hoạt rất mạnh. Từ ngày 5 đến 15 tháng 5 năm 1963, các chùa, các lễ đài và các nhà của Phật tử hai bên đường đều có cổng chào, trang trí rực rỡ, cờ Phật giáo treo la liệt … Ngay chiều hôm đó, khi về đến Huế, Tổng Giám mục Ngô Đình Thục cho gọi Đại biểu Chánh phủ Hồ Đắc Khương đến khiển trách tại sao không cho thi hành Lệnh cấm treo cờ tôn giáo hay cờ đảng ngoài trụ sở hoặc khuôn viên. Ông Hồ Đắc Khương là tín đồ Phật giáo nên biết rằng, nếu nhắc lại Nghị định cấm treo cờ Phật giáo ngay lúc nầy là sẽ bị tín đồ Phật giáo phản đối là kỳ thị Phật giáo và làm nhục Phật giáo; vì trước đó Lễ khánh thành Nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế, Thiên Chúa giáo rước kiệu, tín đồ đã treo cờ Vatican ở nhiều nơi, ngay cả những nơi không có tín đồ Thiên Chúa giáo (nhưng cờ xí rất ít và lưa thưa vì tín đồ đạo Thiên Chúa chỉ có 10% dân Huế). Vì vậy, Ông đánh điện về Phủ Tổng thống để xin chỉ thị.
Ngày 06 tháng 5 năm 1963, Phủ Tổng thống gởi Công điện số 5159 cho các tỉnh, ra lệnh Lệnh cấm treo cờ tôn giáo ở tư gia và những nơi công cộng. Tỉnh trưởng Thừa Thiên (Nguyễn Văn Đẳng) bị đặt trong tình thế hết sức khó xử và khẩn cấp, nên  Ông đến dinh Cố vấn Ngô Đình Cẩn để trình bày sự việc. Ông Cố vấn tỏ ra hiểu biết và không có óc kỳ thị Phật giáo (ông rất thân và rất tôn trọng Tỳ kheo Trí Quang, hằng tuần thường gặp nhau để đàm đạo), nên ông có ý kiến là Phật tử đã lỡ treo cờ rồi thì cứ để cho treo hết lễ, sau sẽ liệu. Ông còn cho ông Tỉnh trưởng đánh điện về Phủ Tổng thống xin chỉ thị. Ông Cố vấn bảo  ông đến Thượng tọa Trí Quang báo lại khẩu lệnh của ông. Lúc 13 giờ, Ông đến chùa Từ Đàm, trụ sở của Tổng Hội Phật giáoViệt Nam để báo tin cho Thượng tọa Trí Quang theo khẩu lệnh của ông Cố vấn Ngô Đình Cẩn : “Ông Cố vấn thiết tha yêu cầu ban Tổ chức Đại lễ Phật Đản 2507 thông báo cho toàn thể Phật giáo đồ đừng treo cờ Phật giáo trong ngày Đại lễ ấy”; và “Ông Cố vấn nói miễn Phật giáo có vài dòng thông báo, còn cờ treo hay không, không cần.” Thượng tọa Trí Quang trả lời là không chấp nhận lời yêu cầu đó ! 20 giờ 30, tại chùa Từ Đàm, Thượng tọa Trí Quang nhận được Công điện 5159  của Phủ Tổng thống về việc cấm treo cờ Phật giáo (tôn giáo). Lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở Miền Trung mời họp khẩn tại chùa Từ Đàm, từ 21 giờ ngày 06/5/1963 đến 02 giờ sáng ngày 07/5/1963, chính Thượng tọa Trí Quang soạn ba Điện văn  phản đối Công điện trên của Chính quyền để gởi cho Hội Phật giáo Thế giới, Chính quyền Ngô Đình Diệm, và Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở  Sài Gòn.
Ngày 07 tháng 5 năm 1963, Chánh quyền Tỉnh yêu cầu Phật giáo ở Huế không gởi ba Điện văn trên về Phủ Tổng thống ở Sài Gòn, và mời Tỳ kheo Trí Quang đến họp tại tư dinh Cố vấn Ngô Đình Cẩn. Trưa hôm đó, chính quyền ở Huế ra lệnh cho công an và mật vụ thi hành lệnh triệt hạ cờ Phật giáo ở các tư gia và nơi công cộng. 14 giờ, nhiều Khuôn hội và Phật tử đến chùa Từ Đàm báo cáo việc cảnh sát triệt hạ cờ Phật giáo, vất xuống đường hay xé cờ Phật giáo, đánh chửi, hăm dọa bắt bớ, bỏ tù tín đồ Phật giáo chống lệnh nầy. 18 giờ, lãnh đạo Phật giáo Miền Trung và tỉnh Thừa Thiên (Hòa thượng Tịnh Khiết, cùng các Thượng tọa Trí Quang, Mật Nguyện, Thiện Minh, Thiện Siêu, Mật Hiển, Thanh Trí) đến Tòa Hành chánh tỉnh để phản đối hành động trên của chánh quyền, khoảng 500 Phật tử đi theo, sau đó có nhiều tăng sĩ và Phật tử đến tòa hành chánh tỉnh. Tỉnh trưởng phải ra nói với Phái đoàn là cảnh sát đã làm sai khẩu lệnh của thượng cấp, và đồng ý vẫn cho Phật tử vẫn được treo cờ và đèn Phật giáo. Tỉnh còn cho xe phóng thanh đi thông báo tin đó cho cả thành phố Huế biết trước 21 giờ như yêu cầu của Phật giáo.
Tuy nhiên, Lãnh đạo Tổng hội Phật giáo ở Miền Trung nhận định : Chính quyền Ngô Đình Diệm chẳng những không từ bỏ chính sách kỳ thị Phật giáo, mà còn sẽ có những biện pháp khác để đàn áp, trả thù … trong thời gian tới ; thời cơ Phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo đã đến [ trước đây chánh quyền cũng đã có chính sách “kỳ thị tôn gíao, đàn áp Phật giáo” nhưng chưa rõ ràng lắm, và thời cơ chưa chính mùi!].Vì vậy, ngay trong đêm đó, Lãnh đạo Phật giáo Trung Phần họp mật tại chùa Từ Đàm để bàn phương cách để đối phó với chánh quyền trong chính sách kỳ thị Phật giáo :
1. Nhân Lễ rước Phật từ chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm vào ngày lễ Phật Đản hôm sau (08-5-1963), sẽ tổ chức biểu tình, đoàn rước Phật sẽ trương các biểu ngữ chống chính sách kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật giáo của chính quyền, từ đó, Thượng tọa Trí Quang sẽ công khai tuyên bố chủ trương đấu tranh của Phật giáo chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chánh quyền. Đây là cuộc biểu tình mở màn cho cuộc đấu tranh của Phật giáo chống chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
2.  Soạn các biểu ngữ chống chính sách kỳ thị Phật giáo :
          Cờ Phật giáo Quốc tế không thể bị triệt hạ.
          Phản đối chính sách bất công gian ác.
          Yêu cầu chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng.
          Phật giáo đồ chỉ ủng hộ chính sách bình đẳng tôn giáo.
          Chúng tôi đã đến lúc bị bắt buộc phải tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng.
          Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào.
          Phật giáo đồ nhất tâm bảo vệ Chánh Pháp dù phải hy sinh.
3. Sách lược Đấu tranh với chính quyền :
   – Bất bạo động.
   – Phản đối chính sách bất công về tôn giáo.
   – Không chống chính phủ.
   – Không chống đạo Thiên Chúa.
   – Tự do tín ngưỡng Phật giáo.
   – Bình đẳng tôn giáo.
Vào lúc 06 giờ 30 sáng ngày Phật Đản (ngày 08 tháng 5 năm 1963), Phật giáo biểu tình và rước Phật từ chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm trong vòng trật tự, cảnh sát canh phòng nghiêm mật nhưng không ngăn chận hay đàn áp … Buổi lễ diễn ra tại chùa Từ Đàm căng thẳng với bài diễn văn “nẩy lửa” của Thượng tọa Trí Quang, với những lời giải thích về các biểu ngữ trên, nhưng là một cáo trạng minh bạch về chính sách kỳ thị  và đàn áp tôn giáo từ thời Thực dân Pháp đến thời Đệ nhất Cộng hòa của Ngô Đình Diệm, mà Phật giáo là nạn nhân chịu nặng nề nhất. Tiếp theo sau là phần nghi lễ diễn ra bình thường và êm đẹp.
Theo thông lệ hằng năm, vào ngày lễ Phật Đản, buổi lễ vào buổi sáng tại chùa Từ Đàm sẽ được phát thanh lại vào buổi tối (lúc đó chưa có đài truyền hình), nên Phật tử đến quanh đài rất đông, đến mấy ngàn người. Nhưng đêm hôm đó, đài phát thanh xin cáo lỗi, vì lý do kỹ thuật, chương trình thường lệ không phát thanh được, chỉ phát thanh các bản nhạc. Điều nầy làm cho Phật tử “thắc mắc”, ngoài ra, còn có tin đồn rằng buổi phát thanh về Lễ Phật đản vào buổi sáng bị cấm phát, nên Phật tử ở nhà không được nghe buổi lễ mà chỉ nghe nhạc cũng đổ về đài để hỏi nguyên nhân, một lúc một đông. Trong lúc đó, Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Tỉnh trưởng Nội an kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Thừa Thiên, là tín đồ Thiên Chúa quá khích và là người thân tín nhất của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, và Cảnh sát trưởng tỉnh Thừa Thiên Ngô Ganh chỉ huy quân đội, cảnh sát, hiến binh, quân cảnh, xe cứu hỏa, cùng cả đại bác và xe bọc thép của bảo an đoàn đến đài phát thanh, được lệnh dẹp tan cuộc bạo loạn ở trước đài phát thanh với bất cứ giá nào.
Đến 21 giờ15 phút, Thượng tọa Trí Quang, Mật Nguyện, Mật Hiển và Đức Tâm đến đài phát thanh để hỏi lý do không phát thanh chương trình buổi lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm; Giám đốc Ngô Ganh cho biết không thể thay đổi chương trình đột ngột được. Lúc đó, Phật tử kéo đến quanh đài đông khoảng năm ngàn người.
Lúc 22 giờ 20 phút, Tỉnh trưởng Thừa Thiên đến, dân chúng phản đối, Thượng tọa Trí Quang bảo Phật tử  đứng nép ra, nhường lối cho ông Tỉnh trưởng vào đài phát thanh. Trong lúc lãnh đạo Phật giáo và Tỉnh trưởng đang thảo luận bên trong đài, ở phía ngoài, vào lúc 22giờ 35, Thiếu tá Đặng Sĩ ra lệnh cho xe cứu hỏa xịt nước vào đám đông, Phật tử náo động, nhưng không giải tán. quân đội và cảnh sát bắn lựu đạn cay, một số nằm bẹp xuống đất để tránh đạn, một số tháo chạy, một số chạy vào đài,  … Vài phút sau, một đoàn xe bọc thép gồm 5 chiếc “ầm ầm” tiến về đài phát thanh, chiếc xe bọc thép đi đầu có mang chữ “Ngô Đình Khôi”, thuộc một binh đội đặc biệt trung thành của gia đình Ngô Đình Diệm, tiến vào khuôn viên của đài. Phật tử bỏ chạy, quăng cả xe đạp, bỗng nhiên có hai tiếng nổ lớn vang lên trong đám đông người trước đài, tiếp theo là 10 phát súng nổ vang khô khan từ các xe bọc thép, rồi nhiều phát súng trường nổ tiếp theo cùng với tiếng la thét thất thanh kêu gào thảm thiết, sinh viên, học sinh và Phật tử bỏ chạy tán loạn, trong đó có bác sĩ người Đức Erich Wulff, giảng dạy ở Đại học y khoa Huế (từ năm 1961 đến 1967) đi cùng sinh viên Tôn Thất Kỳ….
Đến nửa đêm, trật tự vãn hồi, nhiều người chết và bị thương nằm ở ngoài phòng Chương trình và trong khuôn viên đài phát thanh. Ba xe cứu thương chở người chết và bị thương hú còi vang dội … Một chiếc xe thông tin gắn loa phóng thanh cực lớn đến trước đài phát thanh loan báo : Chính quyền được tin đêm nay Việt Cộng sẽ xâm nhập phá hoại một vài cơ quan công quyền trong thành phố, chính quyền đã ban hành lệnh giới nghiêm, vậy yêu cầu đồng bào giải tán. Những lời thông báo đầy hăm dọa nầy được lập đi lập lại nhiều lần …
Sau khi tiếng súng im một thời gian, bác sĩ Wulff và hai giáo sư Orjes và Hans từ khu cư xá giáo sư Viện Đại học Huế quay trở lại đài phát thanh. Ngã tư trước đài phát thanh giống như một bãi chiến trường, giờ đây hoang vắng, nhiều xe đạp cong queo, nhiều vết máu loang, giày dép đủ màu nằm ngỗn ngang trên đường… Ở phía xa, một chiếc xe bọc thép đang đuổi một nhóm thanh niên cầm cờ Phật giáo, thỉnh thoảng bắn đuổi theo sát phía trên đầu họ … Ba giáo sư vào nhà thương thấy khoảng hơn 20 người bị thương. Các bác sĩ đi xuống nhà xác, gặp sư Trí … (LMT-19 tuổi) là sinh viên của các giáo sư  đang trốn ở đó, trong nhà xác không có điện, chỉ có mấy ngọn đèn cầy trắng leo lét, ba bác sĩ thấy bảy thân người đầy máu, trong đó, năm cái xác của trẻ em không còn đầu, đại bác của xe bọc thép đã bắn nát đầu các em thiếu nhi, có lẽ các em bị bắn trong nhô đầu để trèo qua hàng rào (cao 1,20 mét), nếu các em biết khôn như người lớn, nằm xuống dưới đất khi súng bắt đầu nổ, có lẽ các em không bị trúng đạn …. Bác sĩ Wulff còn thấy bên cạnh cánh tay một em không đầu, một con mắt còn dính vào một ít da đầu và một khúc xương trán … Giáo sư Hans và sư Trí … đi về khu cư xá Giáo sư Đại học Huế để mượn máy chụp hình 8 xác chết đó …  Sau khi chụp hình xong, trở về khu cư xá Đại học, Bác sĩ Erich Wulff đến phòng của gia đình giáo sư Krainick, tình cờ lúc đó bà Krainick đang đọc vào máy ghi âm bức thư gia đình hỏi thăm các con. Trong sự hốt hoảng của hai ông bàkhi nghe bác sĩ Wulff kể lại về biến cố vừa xảy ra tại đài phát thanh Huế, bà đã quên tắt máy ghi âm, do đó, những lời tường thuật đầu tiên chính xác về vụ chánh quyền Ngô Đình Diệm thảm sát Phật tử ở đài phát thanh Huế trong băng ghi âm nầy đã được dùng làm bằng cớ trước Ủy ban Việt Nam của Liên Hiệp quốc vào tháng 9 năm 1963.
Sau đó, vào khoảng 11 giờ 30 đêm, bác sĩ Wulff đến đánh thức giáo sư Bùi Tường Huân, Trưởng khoa Luật của Viện Đại học Huế để kể lại biến cố ở đài phát thanh. Giáo sư Huân hiểu được tầm quan trọng của biến cố nầy, nhưng không quan tâm đến việc chính quyền thảm sát các trẻ em Phật tử ! Giáo sư nhận định rằng : những cuộc biểu tình của Phật tử sắp tới sẽ làm giảm uy tín Tổng thống Ngô Đình Diệm và cuối cùng người Mỹ phải bỏ rơi ông ta. Quân đội vì sợ Mỹ cúp viện trợ sẽ tìm cách đảo chánh lật đổ ông Diệm….Các biến cố kỳ lạ nầy xảy ra quábất ngờ khiến cho không có ai, kể cả Mật vụ, có thể nghĩ rằng Vụ thảm sát Phật tử ở đài phát thanh Huế đêm lễ Phật Đản (08 tháng 5 năm 1963) của chính quyền Ngô Đình Diệm đã có những nhân chứng ngoại quốc và nhiều hình ảnh chứng minh chính xác rõ ràng … Trong lúc đó, tăng ni và tín đồ trở lại tụ tập trước đài Phát thanh rất đông, chánh quyền phải nhờ Thượng tọa Trí Quang kêu gọi mới chịu giải tán.
Sáng hôm sau (09-5-1963), Chính quyền tung tin trong số Phật tử có Việt Cộng lẫn lộn đã cho nổ mìn Plastic tại đài phát thanh, nên chánh quyền phải đàn áp. Thiếu tá Đặng Sĩ họp hội nghị quân sự tại Quân vụ Thị trấn trong khi lính Nhảy dù, Biệt động quân, Bảo an cùng với  các xe bọc thép, xe tăng lội nước tập trung phía trước. Chính quyền âm mưu vận động quần chúng để  vu khống Phật giáo bị Việt Cộng mua chuộc chống Chính phủ để có cớ tiếp tục đàn áp, khủng bố, bắt bớ tín đồ Phật giáo …Tín đồ Phật giáo ở Huế biểu tình tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm tàn sát tín đồ;  Thượng tọa Trí Quang và Tỉnh trưởng Thừa Thiên dùng xe phóng thanh kêu gọi Phật tử giải tán … Chiều hôm đó, lãnh đạo Phật giáo ở Trung Bộ họp mật.
Sự đàn áp dã man của Chánh quyền Ngô Đình Diệm tại đài Phát thanh Huế đêm Lễ Phật Đản không những đã gây xúc động trong giới Phật giáo mà còn lan rộng đến mọi tầng lớp dân chúng. Có một sự trùng hợp kỳ lạkhác,  hai giáo sư Wulff và Krainick đã mua vé máy bay để vào Sài Gòn gặp Bộ trưởng Giáo dục từ trước, nên sáng hôm sau (09-5-1963), hai ông vào Sài Gòn không bị ai để ý. Trước khi ra phi trường Phú Bài, sư Trí … gặp giáo sư Wulff nhờ chuyển hai bức thư của Phật giáo cho Tổ chức Phật giáo quốc tế và Thượng tọa Thích Minh Châu đang du học ở Ấn Độ ; và giáo sư Orje giao cho Wulff cuộn phim chụp hình các xác chết ở nhà xác tối hôm qua.
Vào đến Sài Gòn, giáo sư Wulff đến nhà giáo sư Bùi Diễm để kể về vụ thảm sát ở Huế. Nhưng thái độ tính toán của ông là một gáo nước lạnh tạt vào sự phẩn uất và nóng lòng của Wulff : Giống như ông Bùi Tường Huân (sau nầy là Bộ trưởng), ông Bùi Diễm (sau nầy là Đại sứ) cũng chỉ nhìn thấy nơi những xác chết của các trẻ em Phật tử là những con bài sáng giá có được một cách bất ngờ trong cuộc vận động chống chế độ độc tài để chiếm ghế cao trong trường chính trị !!! Ngay sau đó, đang giữa trưa, Bùi Diễm và Wulff đến nhà Phan Huy Quát (sau nầy là Thủ tướng). Sau khi nghe Wulff kể lại vụ thảm sát ở Huế, ông Quát cũng giống như hai ông Huân và Diễm, sự việc nầy tạo ra thế liên minh của ông với Phật giáo trong mưu đồ lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, còn việc có nhiều người bị bắn chết chỉ là chuyện bên lề đối với ông ta! Ông nhận cuộn phim thảm sát ở Huế và hứa là sẽ nhờ người thân tín sang ra 12 bản trong vòng 24 giờ sau. Buổi tối hôm đó, giáo sư Wulff được bạn là Raoul mời dùng cơm với hai Nhà báo Mỹ Neil Sheehan và Nick Turner. Vì Sheehan làm cho hảng Thông tấn UPI, Turner làm cho hảng Thông tấn Reuter, nên Wulff hy vọng rằng vụ thảm sát Phật giáo ở Huế sẽ được báo chí trên khắp năm châu  in với những hàng chữ lớn  ở trang đầu và các đài phát thanh loan tin … Nhưng sự thật phủ phàng, hai ngày sau đó, ngoại trừ Đài phát thanh Hà Nội, không một đài phát thanh nào loan tin, không một tờ báo nào đề cập đến vụ thảm sát nầy, kể cả các tờ báo nổi tiếng như New York Time của Mỹ, hay Le Monde của Pháp …
Phẩn uất trước những hành động tàn ác dã man của chế độ độc tài, gia đình trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm, dù bị thất bại chua cay như thế, nhưng giáo sư Wulff vẫn không chịu bó tay, quyết chí tìm cách đưa các tài liệu, hình ảnh chứng cứ nầy ra nước ngoài công bố cho thế giới; nên giáo sư  quyết định đáp máy bay qua Campuchia vì chính quyền của Hoàng thân Sihanouk không thích chế độ Ngô Đình Diệm, và từ nơi đó, Wulff có thể gởi Thư, tài liệu và hình ảnh về việc đàn áp Phật giáo và tàn sát Phật giáo đồ của chính quyền Ngô Đình Diệm ra nước ngoài, nhất là cuộn phim chụp những xác chết mất đầu của các trẻ em tại bệnh viện Huế. Chừng nào các hình ảnh nầy chưa rời khỏi Việt Nam thì an ninh và tính mạng của giáo sư Erich Wulff vẫn bị đe dọa … Giáo sư đã thành công, tài liệu, phim ảnh, thư được gởi ra nước ngoài, cùng với băng ghi âm của ông bà giáo sư Krainick gởi cho con trong đó tình cờ thâu được những lời tường thuật đầu tiên chính xác về vụ thảm sát Phật tử ở đài phát thanh Huế trong lễ Phật Đản năm 1963 của giáo sư Erich Wolff đã được dùng làm bằng cớ trước Ủy ban Việt Nam của Liên Hiệp quốc vào tháng 9 năm 1963 !!!
Sáng hôm đó (09-5-1963), tại Sài Gòn, Diệm-Nhu cho Giám đốc Cảnh sát (Nguyễn Văn Thành) và Giám đốc Cảnh sát Đặc biệt (Dương Văn Hiếu) đến chùa Ấn Quang gặp quý vị Lãnh đạo Phật giáo Nam Bộ nhờ quý vị trấn an dư luận; Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và Bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu đến năn nỉ Thượng tọa Tâm Châu xin hoãn lễ Cầu siêu Phật tử tử nạn ở Đài Phát thanh Huế vào ngày 12-5-1963.
Ngày 10 tháng 5 năm 1963, các cấp Lãnh đạo Phật giáo gồm đủ các Tông phái họp tại chùa Từ Đàm (Huế) để hoạch định đường lối đấu tranh bảo vệ lý tưởng tôn giáo của mình. Hội nghị công bố Năm Nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam :
1.Yêu cầu Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn Công điện triệt hạ giáo kỳ của Phật giáo.
2.Yêu cầu Phật giáo được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội Truyền giáo Thiên Chúa giáo đã được ghi trong Dụ số 10.
3.Yêu cầu Chánh phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
4.Yêu cầu cho Tăng, Tín đồ Phật giáo được tự do hành đạo và truyền đạo.
5.Yêu cầu Chánh phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội, và kẻ chủ mưu giết hại, phải đền tội đúng mức.
Ngày 14 tháng 5 năm 1963, Hòa thượng Thích Thiện Hào (Ủy viên Trung ương Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam) gửi điện văn cho Ban Thư ký Thường trực Phật giáo Thế giới tố cáo chánh quyền Ngô Đình Diệm Đàn áp Phật giáo. Hôm sau, Báo Nhân Dân ở Hà Nội lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chánh nghĩa của Phật giáo Miền Nam.
Ngày 15 tháng 5 năm 1963, 10g30 đến 13 giờ, Phái đoàn Phật giáo (Thượng tọa Thiện Hòa, Tâm Châu, Lâm Em, Dũng Chí, cư sĩ Mai Thọ Truyền và Vũ Bảo Vinh) đến yết kiến Tổng thống Ngô Đình Diệm để tường trình sự việc và đề đạt 5 Nguyện vọng trong Bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963. Cuộc tiếp xúc không đạt kết quả vì Ngô Đình Diệm ngoan cố chối tội tàn sát Phật tử ở Huế và đổ tội cho Cộng sản tàn sát, và không chấp nhận 5 Nguyện vọng của Phật giáo.
Ngày 16, Phật giáo họp báo tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn) công bố Tuyên ngôn ngày 10-5-1963, đồng thời tố cáo với dư luận trong và ngoài nước những vụ đàn áp, giam cầm, giết hại tín đồ Phật giáo mà Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã gởi cho Chánh phủ ngày 20-3-1963, vạch trần chánh sách kỳ thị tôn giáo của chánh quyền Ngô Đình Diệm trong 9 năm qua (1954-1963).
Ngày 17-5-1963, Phật giáo cho trưng bày hình ảnh vụ thảm sát ở Huế trong đêm Phật Đản  tại chùa Ấn  Quang (Sài Gòn).
Ngày 21-5-1963, Phật giáo tổ chức lễ Cầu siêu cho các Phật tử xả thân vì đạo trong các chùa cả nước. Ở Sài Gòn, lể rước linh vị các vị nầy từ chùa Ấn Quang về chùa Xá Lợi.
Ngày 23-5-1963, Phật giáo công bố Phụ đính của Bản Tuyên ngôn 10-5-1963, để giải thích rõ những quan điểm của Phật giáo, nhấn mãnh quan điểm của Tổng hội Phật giáo VN, tranh đấu cho lý tưởng công bằng trong tôn giáo, chứ không phải đấu tranh với tư cách một tôn giáo chống một tôn giáo (không phải Phật giáo chống Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác).
Ngày 25-5-1963, các Tông phái Phật giáo họp tại chùa Xá Lợi tham luận về kế hoạch đấu tranh, thành lập Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo, ra tuyên ngôn đoàn kết đấu tranh bất bạo động và hợp pháp. Ngày hôm sau, Phái đoàn Phật giáo do Thượng tọa Tâm Châu là Trưởng đoàn đến trình Tổng thống Ngô Đình Diệm ba Phụ đính về Bản Tuyên ngôn của Tổng hội Phật giáo VN nêu những chủ trương ôn hòa, bất bạo động của Phật giáo. Ủy ban Liên Phái cử Thượng tọa Thanh Minh ra Huế để nghiên cứu các biến cố xảy ra giữa Phật giáo và chánh quyền ở Huế. Tiếp theo, Thượng tọa Thiện Minh từ Huế vào Sài Gòn tường trình sự việc cho Ủy ban Liên Phái. Thượng tọa Thiện Minh mời Thích Đức Nghiệp giữ chức Trưởng ban Ngoại giao và điều hành Phật sự trong Ủy ban Liên Phái.
Ngày 29-5-1963, Tổng hội PGVN kêu gọi tăng ni và Phật tử hưởng ứng cuộc tuyệt thực 48 giờ đòi chánh quyền thực thi năm nguyện vọng của Phật giáo, bắt đầu vào lúc 14 giờ, ngày 30-5-1963. Lúc đó, trung tâm đầu não xuất phát những cuộc biểu tình, tuyệt thực, thuyết pháp, vận động đấu tranh bất bạo động, họp báo để đối phó với chánh quyền tại Huế là các chùa Từ Đàm, Diệu Đế, Linh Quang, Báo Quốc; tại Sài Gòn, là thủ đô, có các Tòa Đại sứ, và các Nhà Báo quốc tế, trung tâm đầu não là các chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Giác Minh, Từ Quang.
Ngày 30-5-1963, từ 14 giờ, tăng ni ở các chùa lớn từ Bến Hải đến Cà Mau bắt đầu tuyệt thực.Tại Sài Gòn, theo chỉ đạo của Ủy ban Liên Phái, Thượng tọa Đức Nghiệp tổ chức mấy trăm tăng ni, Phật tử biểu tình từ chùa Xá Lợi qua chợ Bến Thành, đến công trường Lam Sơn trước Nhà Quốc hội, từ 12 giờ đến 17 giờ, rồi trở về chùa Xá Lợi tuyệt thực suốt 48 giờ. Trong dịp nầy, Hòa thượng Thích Quảng Đức tuyệt thực tại chùa Ấn Quang, gởi Tâm thư đề ngày 27-5-1963, xin tự thiêu thân để tranh đấu bảo vệ chánh pháp, nhưng Ủy ban Liên Phái không chấp nhận nguyện vọng tự thiêu nầy.
Tại Huế, Tăng ni Phật tử tuyệt thực tại các chùa Từ Đàm, Linh Quang, Diệu Đế, Báo Quốc từ 30-5-1963 đến 04-6-1963. Cố vấn Chỉ đạo Miền Trung Ngô Đình Cẩn ra lệnh cảnh sát chiến đấu, mật vụ bao vây các chùa, kéo giây kẽm gai chặn mọi ngã đường vào chùa, cúp hết điện nước trong chùa …, bên trong chùa không ra ngoài, bên ngoài không vào được.
Ngày 01-6-1963, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và Phó Tỉnh trưởng Nội an Đặng Sĩ bị triệu hồi về Bộ Nội vụ ở Sài Gòn đợi lệnh.
Ngày 03-6-1963, trên 500 sinh viên Huế biểu tình trước trụ sở Đại biểu Chánh phủ Cao nguyên Trung phần. Phật tử, sinh viên đến chùa Từ Đàm  ủng hộ cuộc tuyệt thực của tăng ni, bị cảnh sát chặn lại tại cầu Bến Ngự, cuộc đàn áp bằng dùi cui, lựu đạn cay, a xít, chó berger. Kết cuộc 142 người bị thương, 49 người trọng thương, và 35 người bị bắt. Dù các cuộc đàn áp của chánh quyền Ngô Đình Diệm rất dã man, nhưng khí thế đấu tranh của tín đồ Phật giáo càng ngày càng mãnh liệt hơn.
Trước khi xảy ra vụ thảm sát Phật giáo trong ngày lễ Phật Đản  ở Huế, Tổng thống Kennedy cùng các cố vấn thân cận, và cả chánh quyền Hoa Kỳ không biết gì về Phật giáo. Sau khi biến cố ở đài phát thanh Huế xảy ra, Tổng thống Hoa Kỳ bàng hoàng hỏi các cố vấn : Phật tử Việt Nam là ai vậy ? Chánh quyền Hoa Kỳ không biết chút gì về Phật giáo VN vì Đại sứ ở VN là ông Frederick Nolting và Giám đốc Trung ương Tình báo Mỹ (CIA) là John Richardson đều là người bao che và bênh vực cho gia đình Ngô Đình Diệm, dấu nhẹm việc đàn áp Phật giáo của gia đình Ngô Đình Diệm và những phản kháng bất bạo động nhưng quyết liệt của Phật giáo … Chẳng may cho gia đình Ngô Đình Diệm, khi cuộc tàn sát ở Huế xảy ra, Đại sứ Nolting đi nghỉ phép thường niên (một tháng), Phó Đại sứ William C. Truehart xử lý công vụ, báo cáo trung thực tình hình Chánh quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp Phật giáo, Tổng thống Kennedy mới vội chỉ thị cho Truehart phải dùng những lời lẽ mạnh mẽ nhất để khuyến cáo chánh quyền Diệm : ngưng đàn áp Phật giáo và phải giải quyết thỏa đáng những yêu sách của Phật giáo.
Ngày 04-6-1963, Truehart gặp Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần thông báo quyết định đó của Hoa Kỳ, nên chánh quyền Ngô Đình Diệm phải cho thành lập Ủy ban Liên Bộ để nghiên cứu và đề xuất biện pháp giải quyết vụ thảm sát ở Huế ngày 08-5-1963. Một phái đoàn của Ủy ban Liên Bộ và Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo ra Huế để giải tỏa  bao vây các chùa Từ Đàm, Linh Quang, Diệu Đế và giải quyết tình trạng căng thẳng ở Huế. Nhưng đó chỉ là âm mưu gian trá của chánh quyền, bề ngoài là giải quyết tranh chấp, nhưng bên trong lại bắt cóc, thủ tiêu tăng ni, tín đồ Phật giáo, hoặc vu khống họ là Việt Cộng.
Ngày 06-6-1963, Ủy ban Liên Bộ (Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Lương, Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyển Đình Thuần) và Ủy ban Liên Phái (các Thương tọa Tâm Châu, Thiện Minh, Thiện Hoa, Huyền Quang, Đức Nghiệp) hội đàm, không đạt được kết quả; nhưng chánh quyền ra Thông cáo chung không đúng sự thật, Ủy ban Liên Phái phải đính chính không có Thông cáo chung đó. Tuy nhiên, sau đó, hai Ủy ban trao đổi rất nhiều Thư từ …
Chánh quyền Ngô Đình Diệm giao cho Tăng cang Mười Ba (Nguyễn Tăng) ở chùa Tuyền Lâm (Sài Gòn) thành lập Phật giáo Cổ Sơn Môn để chống Tổng hội Phật giáo VN, nhưng không thành công.
Ngày 09-6-1963, tin từ Huế báo vào Sài Gòn cho biết, học sinh, sinh viên và Phật tử kéo đến thăm viếng tăng ni và Phật tử đang tuyệt thực tại chùa Từ Đàm, đã bị cảnh sát, quân đội đàn áp dã man bằng dùi cui, lựu đạn a-xít (mới được quân đội Hoa Kỳ chế tạo), và cả chó berger cắn xé, hơn 60 người bị thương nặng, các bác sĩ nước ngoài đang là Giáo sư của Đại học Y khoa Huế phải nhờ các đồng nghiệp ở nước ngoài nghiên cứu phương pháp điều trị cho những người bị thương vì lựu đạn a-xít mới nầy.. Các chùa Từ Đàm, Linh Quang, Diệu Đế, Báo Quốc… bị quân đội, cảnh sát bao vây, điện nước bị cắt, lương thực bị thiếu… Hòa thượng Thiện Hòa (Viện chủ Tổ đình Ấn Quang) bị bệnh, được đưa vào nhà thương (?)
………
Phần trích “nhật ký” trên đây ghi lại sự kiện của những giờ phút cập kỳ và sôi động nhất của cuộc đấu tranh đòi tự do và bình đẳng tôn giáo để nhớ lại tinh thần Từ Bi, Trí Tuệ và Dũng Mãnh của người Phật tử Việt Nam đã thể hiện bằng hành động cụ thể khi đạo pháp lâm nguy cần bảo vệ. Sự lâm nguy của Đạo pháp thường xuất hiện dưới hai dạng: Động và tĩnh, cạn và sâu, phàm thế hay pháp thế. Ở dạng Động, cạn và phàm thế thì rất dễ nhận ra để đấu tranh và bảo vệ chánh pháp. Nhưng khi sự lâm nguy ở dạng Tĩnh, sâu và xảy ra ngay trong đời sống tăng lữ và khung cảnh chùa viện thì hết sức khó nhận ra, khó phân biệt để đấu tranh và hộ trì Tam Bảo. Đạo Phật Việt Nam đang trải qua một sự thử thách mới ở dạng tĩnh, sâu và pháp thế.
Kính mừng Phật Đản. Tôn vinh và hoài niệm chuyện xưa nhưng người Phật tử có chánh niệm trong tỉnh thức thì không thể tìm thanh tịnh khi pháp nạn đang ẩn mình trong pháp lạc.
Nam mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát ma ha tát.
                                           Ghi lại bởi những Phật tử tâm thành.

 


[1] La Vang ở Quảng Trị. Ngày xưa đây là chùa Lá Vàng (Lá Vằng là loại lá rất phổ biến tại địa phương nầy, được quần chúng dùng làm thức uống chữa được nhiều bệnh tật) thờ Bồ tát Quan Thế Âm, bị chánh quyền Ngô Đình Diệm phá bỏ, cho xây dựng Nhà thờ.
Nguồn: trankiemdoan@gmail.com
digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb