DI ẢNH VÀ TIỂU SỬ CHƯ THÁNH TỬ ĐẠO
KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY PHÁP NẠN CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
(1963 – 2013)
Bồ Tát THÍCH QUẢNG ĐỨC
Tự thiêu ngày 11.6.1963 (20.4 Quý Mão)
Tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt Sài gòn
TIỂU SỬ BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC
I – THỜI KỲ THIẾU NIÊN
Bồ Tát sinh năm 1897, tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, Trung Việt; tên đời Lâm Văn Tuất, pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, pháp hiệu Quảng Đức.
Lên 7 tuổi, Bồ Tát được song thân cho xuất gia học đạo, thọ giáo với Hòa Thượng Thích Hoằng Thâm. Năm 15 tuổi, Bồ Tát thọ giới Sa Di, năm 20 tuổi thọ giới Tỳ Kheo và Bồ Tát. Sau khi thọ giới, Bồ Tát ở tu 3 năm tại núi Ninh Hòa. Sau đó, Bồ Tát tu hạnh Đầu Đà, một mình với chiếc bình bát đi Hóa-Đạo khắp nơi, rồi về nhập thất tại chùa Thiên Ân, Ninh Hòa, Nha Trang.
II – THỜI KỲ TRUNG NIÊN
Năm 1932, chi hội An Nam Phật Học tại tỉnh Ninh Hòa, thỉnh Bồ Tát làm Chứng Minh Đạo Sư. Và Giáo Hội Tăng già Trung Việt mời Bồ Tát làm chức Kiểm Tăng ở tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian hành đạo ở miền Trung, Bồ Tát đã kiến tạo và trùng tu được 14 ngôi chùa.
Năm 1943, Bồ Tát vào Nam đi Hóa-Đạo các tỉnh Sài gòn, Gia Định, Bà Rịa, Long Khánh, Định Tường, Hà Tiên, rồi Bồ Tát đến Nam Vang 3 năm nghiên cứu kinh điển chữ Pali.
Hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, Bồ Tát đã khai sơn và trùng tu được 17 ngôi chùa. Như thế là Bồ Tát đã có công trùng tu và khai sơn tất cả 31 ngôi chùa. Bồ Tát thường ở chùa Long Vĩnh, nên được người đời gọi là Hòa Thượng Long Vĩnh.
III – THỜI KỲ LÃO THÀNH
Năm 1953, Giáo Hội Tăng già Nam Việt mời Bồ Tát làm chức Trưởng Ban Nghi Lễ. Và theo lời thỉnh cầu của hội Phật Học Nam Việt, Bồ Tát nhận làm chủ trì chùa Phước Hòa (Bàn Cờ), trụ sở của Hội.
Đến năm 1963, vì thấy chế độ tàn bạo độc tài, âm mưu tiêu diệt Phật-giáo của Ngô Triều, nên Bồ Tát phát nguyện thiêu thân để cứu nguy cho Dân tộc và Đạo pháp.
IV – THỜI KỲ SẮP VIÊN TỊCH
Đến ngày 20.4 nhuần năm Quý Mão (11.6.1963), sau buổi lễ cầu siêu tại chùa Phật Bửu, hàng ngàn Tăng Ni đang diễn hành trên các đường phố để đòi chính phủ thực thi 5 nguyện vọng chân chính của Phật-giáo và đòi phải chấm dứt chính sách kỳ thị tôn giáo. Khi đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Bồ Tát từ trên xe ung dung bước xuống, đến ngồi kiết già tại giữa ngã tư, rồi tự tay mình quẹt lửa châm vào y hậu. Sau khi ngọn lửa bắt xăng bốc cháy cao phủ kín cả thân người trên 15 phút, Bồ Tát vẫn ngồi kiết già lưng thẳng như tượng đồng đen, tay còn bắt Ấn Tam Muội. Đến lúc lửa hạ ngọn, Bồ Tát gật đầu 3 lần như cuối chào vĩnh biệt, rồi ngã ngửa xuống.
Trước giờ thị tịch, Bồ Tát thốt ra những lời tâm huyết như sau:
“Trước khi tôi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng Từ Bi Bác Ái mà đối xử với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo, để giữ vững nước nhà muôn thuở.”
Và Bồ Tát không quên nhắn nhủ Tăng Ni và Phật tử như sau:
“Tôi thiết tha kêu gọi chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật Pháp.”
Kim thân của Bồ Tát Quảng Đức quàn lại chùa Xá Lợi 5 ngày. Đến ngày 16.6.1963, Tất cả Tăng Ni và Phật tử trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật-giáo đưa Ngài về An Dưỡng Địa, cử hành trọng thể lễ Trà tỳ.
Sau khi hỏa thiêu suốt ngày, xương thịt đều tiêu hết nhưng trái tim Bồ Tát vẫn còn y nguyên, mặc dù đã thiêu bằng lửa điện trên 6 tiếng đồng hồ. Hiện nay trái tim Bồ Tát tôn thờ tại chùa Ấn Quang trụ sở tạm của Giáo Hội Phật-giáo Việt-Nam Thống Nhất.
Sự thị tịch của Bồ Tát, có 2 điều huyền diệu:
– Khi lửa cháy phủ người mà Ngài vẫn ngồi như tượng đồng đen, tay bắt ấn tam muội, chân ngồi kiết già, không hề lay chuyển.
– Khi trà tỳ, xương thịt cháy hết, trái tim vẫn còn y nguyên. Sự huyền diệu này làm cho Tăng Ni và Phật tử trong ngoài nước đều vô cùng kính phục.
Linh cốt Bồ Tát, được tôn thờ tại các chùa như sau:
– Việt Nam Quốc Tự, Trụ sở Viện Hóa-Đạo.
– Chùa Ấn Quang, trụ sở Giáo Hội Tăng già toàn quốc.
– Tháp Đa Bảo, chùa Phước Hậu, Trà Ôn.
– Chùa Từ Nghiêm, trụ sở Ni Bộ Bắc Tông, …
– Chùa Quán Thế Âm (Phú Nhuận) nơi di tích cuối cùng của Bồ Tát QUẢNG ĐỨC.
Tóm lại, Bồ Tát dùng nhục thân làm ngọn đuốc, đốt lên để phá tan mây vô minh hắc ám của Ngô Triều, làm chấn động năm Châu, tất cả các nước trên Thế Giới đều bênh vực Phong trào tranh đấu chân chánh của Phật-giáo.
Nhờ ngọn lửa từ bi của Bồ Tát mà cứu nguy được cả Dân tộc và Đạo pháp, làm cho Liên Hiệp Quốc phải tận tâm chú ý đến nước Việt Nam bé nhỏ này và cử một phái đoàn đến can thiệp; cả Thế giới đều kính phục sự can đảm anh dũng của Dân tộc Việt Nam nói chung và của Phật-giáo nói riêng.
Bồ Tát tuy viên tịch, nhưng ngọn lửa Đại Hùng, Đại Lực Đại Từ Bi của Bồ Tát vẫn còn sáng chói mãi trong lòng người Phật tử trong và ngoài nước đến muôn đời chẳng hết.
Nam mô Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi QUẢNG ĐỨC Bồ Tát.
LỬA TỪ BI
(Kính dâng lên Bồ Tát Quảng Đức)
Lửa! Lửa cháy ngất Tòa Sen!
Tám chính phương nhục thể trần tâm hiện thành THƠ, quỳ cả xuống.
Hai vầng sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc
Ánh Đạo vàng phơi phới, đang bừng lên dâng lên …
Ôi! Đích thực hôm nay Trời có Mặt
Giờ là Giờ Hoàng Đạo nguy nga.
Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt
Nhìn nhau: tình huynh đệ bao la.
Nam Mô Đức Phật Di Đà
Sông Hằng kia, bởi đâu mà cát bay?
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày
Bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây
Gọi hết LỬA vào xương da bỏ ngỏ
Phật pháp chẳng rời tay …
Sáu ngả luân hồi đâu đó
Mang mang cùng nín thở
Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh Xe Quay.
Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió;
Người siêu thăng … Giông bão lắng từ đây,
Bóng người vượt chín tầng mây
Nhân gian mát rợi bóng cây Bồ Đề
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc!
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi.!
Chỗ Người ngồi: Một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nét Từ Bi.
Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát
Với thời gian lê vết máu qua đi.
Còn mãi chứ! Trái tim BỒ TÁT
Gội hào quang xuống tận ngục A Tỳ.
Ôi ngọn Lửa Huyền Vi!
Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác
Từ cõi Vô Minh
Hướng về Cực Lạc.
Vần điệu của thi nhân chỉ còn lại rơm rác
Và chỉ nguyện được là rơm rác
Thơ cháy lên theo với lời Kinh
Tụng cho Nhân Loại Hòa Bình
Trước sau bền vững tình Huynh Đệ này.
Thổn thức nhẹ lòng Trái Đất
Mong thành Quả Phúc về Cây,
Nam mô Thích ca Mâu Ni Phật
Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt
Tình thương hiện Tháp Chín Tầng xây.
VŨ HOÀNG CHƯƠNG Sài gòn – 1963
Đại Đức THÍCH NGUYÊN HƯƠNG
Tự thiêu ngày 4.8.1963 tại công trường chiến sĩ
Trước tòa Tỉnh Trưởng Phan Thiết.
TIỂU SỬ Đại Đức THÍCH NGUYÊN HƯƠNG
Đại Đức THÍCH NGUYÊN HƯƠNG, hiệu là Đức Phong, tục danh là Huỳnh Văn Lễ, sanh năm 1940, tại làng Long Tỉnh, xã Liên Hương, Quận tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận (Trung Việt). Thân phụ là Huỳnh Thân, Thân Mẫu là Trương Thị Lang, chỉ sanh một mình Đại Đức, đặt tên là Huỳnh Văn Lễ.
Trong thời thơ ấu, vì nhà ở sát chùa, nên Đại Đức thường được mẹ dẫn dắt tới lui cảnh thiền môn để lễ Phật nghe kinh. Do đó, năm vừa lên 6, lòng mến đạo đã thấm nhuần trong tâm tưởng, Đại Đức được cha mẹ cho xuất gia học đạo, và được Thượng Tọa Thích Quang Chí, tọa chủ chùa Linh Bửu cho thọ Tam Qui, Pháp danh là Nguyên Hương. Năm 12 tuổi, Đại Đức được thọ ngũ giới. Từ đó Đại Đức chuyên tâm tu niệm, dốc lòng phụng sự Tam Bảo.
Năm 20 tuổi, Đại Đức thọ Cụ túc giới, được hiệu là Đức Phong. Thọ giới xong, đạo niệm của Đại Đức ngày một thêm tinh tấn. Và trên bước đường vân du Hóa-Đạo, Đại Đức đã được rất nhiều người cảm mến kính trọng. Nhưng vì thầm nguyện an tâm tu niệm, nên Đại Đức dừng bước vân du và nhận chức Trụ trì tại chùa Bảo Tạng.
Từ ngày Phật-giáo bị đại nạn, Đại Đức đã thấu triệt sự tồn vong của Đạo pháp là vấn đề trọng đại, còn tấm thân ngũ uẫn này là tạm bợ, nên sau 2 ngày tuyệt thực tại chùa Tỉnh hội Phật-giáo Bình Thuận, Đại Đức bèn noi gương Bồ Tát Quảng Đức, dũng cảm hiến thân cho Đạo pháp bằng cách tự thiêu hồi 12 giờ ngày 4.8.1963, tức là ngày rằm tháng 6 âm lịch, trước tòa Tỉnh Trưởng Bình Thuận.
Huyễn thân tuy mất, nhưng Đại Đức còn để lại trong lòng người một cái gì bất diệt.
Đại Đức THÍCH THANH TUỆ
Tự thiêu ngày 13.8.1963 tại chùa Phước Duyên
Tỉnh Thừa Thiên Huế.
TIỂU SỬ Đại Đức THÍCH THANH TUỆ
Đại Đức THÍCH THANH TUỆ, tục danh Bùi Huy Chương, sinh tại Ba Khê, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân Phụ là Bùi Dư, Thân Mẫu là bà Hoàng Thị Phục. Mẹ mất từ lúc Đại Đức lên 10 tuổi. Cụ Dư ở vậy nuôi con. Đại Đức có 2 chị gái lớn và 1 anh trai là Bùi Cầu 23 tuổi, quân nhân. Sau Đại Đức còn 1 em trai út.
Vì ham mộ đạo lý nhà Phật, nên năm 1960 Đại Đức vào quy y chùa Phước Duyên, thuộc xã Hưng long, quận Hương trà, tỉnh Thừa thiên, được pháp danh là Thanh Tuệ. Năm 1963, Đại Đức đỗ bằng trung học Đệ Nhất cấp với hạng bình thứ. Vì tính rất ôn hòa và hiền hậu, nên Đại Đức đã được Ngài trụ trì chùa Cu Võ Đức Phú, pháp danh Thích Đảnh Lễ rất thương yêu. Đặc biệt là Đại Đức rất hiếu thảo với Cha mẹ, thường tỏ ý thương tiếc Từ mẫu đã quá vãng sớm. Hằng năm đến ngày rằm tháng 6 là ngày giỗ Mẹ, dầu cho bận việc thế nào, Đại Đức cũng về quê tại Hải Lăng, tụng kinh niệm Phật ngày đêm để cầu siêu cho Mẹ.
Trước ngày tự thiêu 9 hôm, tức là ngày mùng 4.8.1963, nhằm ngày rằm tháng 6 là ngày giỗ Mẹ, Đại Đức cùng Ngài trụ trì là Thích Đảnh Lễ về quê nhà. Đại Đức tụng niệm suốt đêm ngày, để cầu siêu cho Mẹ và cũng là lần chót Đại Đức từ giã gia đình về cõi Phật.
Vì thấy Phật-giáo bị đại nạn, đứng trước sự tồn vong của Đạo pháp, Đại Đức phát nguyện tự thiêu vào đêm 12 rạng 13.8.1963 để cứu nguy Đạo pháp.
Thích Nữ DIỆU QUANG
Tự thiệu ngày 15.8.1963 tại Ninh Hòa.
TIỂU SỬ Ni Cô THÍCH NỮ DIỆU QUANG
Thích Nữ Diệu Quang, tục danh là Ngô Thị Thu Minh, tự Minh Nguyệt, sinh ngày 11.1.1936, tại xã Phù Cát, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên và nơi đây cũng là chánh quán. Thân Phụ là Ngô Đình Hòe và Thân Mẫu là bà Nguyễn Thị Nghĩa, gia đình của Ni Cô hiện cư trú tại Nha Trang.
Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp gia phong, thuở thiếu thời Ni Cô đã là một người chị gương mẫu trong gia đình (Cô là con thứ 2, chị đầu của Ni cô là tu sĩ Huệ Thành hiện tu tại chùa Từ Nghiêm Sài gòn).
Nhận thấy cuộc đời là giả tạm, năm 21 tuổi, Ni Cô đã cắt ái từ thân, mở đầu cuộc hành trình, đi tìm Đạo pháp. Thấu được lòng thành khẩn của Ni cô, Ni Sư Thích Nữ Như Hoa, trụ trì chùa Vạn Thạnh ở Nha Trang, đã thâu nhận Ni cô làm đệ tử.
Với tinh thần quyết chí tu học và nhờ trợ duyên ngoại điển (học xong ban trung học) Ni Cô đã thọ Sa Di giới năm 21 tuổi và được theo học các lớp nội điển tại Phật học Viện Nha trang.
Năm 26 tuổi, Ni Cô được thọ giới Thức Xoa ma Na. để đóng góp vào phần nào công việc xây dựng thế hệ mai sau và thể hiện được tinh thần lợi tha của Phật pháp, Ni Cô đã phát tâm theo dạy các lớp Sơ học Thiên Tài miễn phí, do tỉnh Giáo Hội Khánh Hòa quản trị.
Đến năm 1963, Ni Cô được 27 tuổi, vì thấy Đạo pháp lâm nguy nên tự mình tẩm xăng tự thiêu, để cảnh tỉnh sự mê muội của nhà Ngô và cứu nguy Đạo pháp.
Ni Cô đã tự thiêu vào lúc 8 giờ 30 ngày 26.6 năm Quý Mão, tức ngày 15.8.1963, tại cạnh trường Hòa Xuyên, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Ngọn đuốc Diệu Quang là ngọn đuốc thứ tư của Pháp nạn 1963.
Thượng Tọa THÍCH TIÊU DIÊU
Tự thiêu ngày 16.8.1963 (27.6 Quý Mão)
Tại chùa Từ Đàm Tỉnh Thừa Thiên Huế
TIỂU SỬ Thượng Tọa THÍCH TIÊU DIÊU
Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu, hiệu là Tâm Nguyện, tục danh là Đoàn Mễ, sanh năm 1892 tại làng An Tuyền tức là Chuồn, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, cách Thị xã Huế 10 cây số.
Thượng Tọa sanh trưởng trong một gia đình đạo đức giàu có và chức sắc trong làng. Thượng Tọa Tiêu Diêu xuất gia năm 1930 và tu tại chùa Tường Vân, làng Dương Xuân Thượng. Thượng Tọa là đệ tử của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Tăng Thống GHPGVNTN. Năm 1952, Người thọ Cụ túc giới. Vì muốn tu trong cảnh thanh vắng, nên Thượng Tọa đã lập một cái cốc trên ngọn đồi bên chùa Châu Lâm, để tiện nhập thất tu niệm.
Thượng Tọa rất chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp qua kinh sách và đã dự các lớp Phật pháp tại Phật học viện Tây Thiên, Linh Quang. Thượng Tọa tu theo hạnh Đầu đà: ăn ngủ rất ít, cứ 2 ngày mới ăn một bữa vào giờ ngọ.
Khi cuộc tranh đấu của Phật-giáo phát khởi, Thượng Tọa thường đến ở chùa Từ Đàm Huế, để tham dự các cuộc cầu siêu và tuyệt thực.
Thượng Tọa dự định sẽ tự mổ bụng hoặc tuyệt thực cho đến chết. Đến ngày 16.8.1963, Thượng Tọa đã tự thiêu vào lúc 4 giờ sáng tại chùa Từ Đàm Huế để bảo vệ Đạo pháp.
Phật tử HỒNG THỂ
Thương Phế Binh, tự thiêu ngày 29.9.1963.
Sau chùa Phước Lâm, Vũng Tàu.
TIỂU SỬ Phật tử HỒNG THỂ Thương Phế Binh
Phật tử Nguyễn Thìn, pháp danh Hồng Thể sanh năm 1932 tại Huế. Hồng Thể gia nhập hàng ngũ quân lực VNCH nhiều năm, cuối cùng bị thương và trở thành Thương Phế Binh.
Sau khi bị thương tàn phế, Hồng Thể về ở tại Vũng Tàu. Khi phong trào tranh đấu của Phật-giáo đòi tự do tín ngưỡng, công bằng xã hội đối với một chính quyền tàn bạo độc tài, kỳ thị tôn giáo. Hồng Thể đã tận mắt chứng kiến sự đàn áp khốc liệt của Triều Ngô, nên đã tự nguyện thiêu thân để phản đối hành động của một chính quyền tàn bạo đàn áp Phật-giáo, và nguyện cầu cho những nguyện vọng tha thiết của toàn thể Phật-giáo đồ Việt Nam sớm được thành tựu.
Hồng Thể tự thiêu thân vào ngày 29.9.1963 ở phía sau chùa Phước Lâm Vũng Tàu. Trước khi tự thiêu, Hồng Thể đã để lại nhiều bức thư. Những bức thư của Hồng Thể để lại có nhiều đoạn nói lên đầy sự chân thành của một người con Phật mong muốn được sống trong công bằng xã hội và tự do tín ngưỡng.
“… tôi tự thiêu thân để phản đối chính sách tàn bạo gian ác của chính quyền thiên Chúa Giáo, đã đập phá các chùa chiền, bắt bớ, bắn giết, giam cầm tra tấn các vị Tăng Ni cùng Phật-giáo đồ và Học sinh, Sinh viên …
Con đem hết lòng thành kính cầu nguyện đức Từ Phụ gia ân cho cuộc đấu tranh của Phật-giáo Việt-Nam thoát khỏi cảnh lầm than điêu đứng”.
Đại Đức QUẢNG HƯƠNG
Tự thiêu ngày 5.10.1963, ngồi kiết giàtrước công trường Diên Hồng, chợ Bến Thành Sài gòn.
TIỂU SỬ Đại Đức THÍCH QUẢNG HƯƠNG
Đại Đức Thích Quảng Hương, tục danh là Nguyễn Ngọc Kỳ, đạo hiệu là Bảo Châu, sanh ngày 28.7.1926 tại xã An Ninh, quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Năm 1940, anh ruột của Đại Đức xuất gia đầu Phật, nên Đại Đức thường xuyên lui tới chùa để tụng kinh sám hối và học kinh.
Năm 1943, Đại Đức xuất gia tu học, làm đệ tử của Hòa Thượng trụ trì chùa Kim Cang, Phú Yên.
Năm 1947, Đại Đức cùng với 5 vị Đại Đức khác trong xã An Đức, quận An Thành, lập Chi hội Phật học tại quận này.
Năm 1949, Đại Đức cầu Pháp và thọ Cụ Túc giới với Hòa Thượng Liễu Tôn, trụ trì chùa Quảng Sơn và nhận chức Thư Ký của chi hội Phật-giáo An Hiệp.
Năm 1950, Đại Đức đến Phan Thiết chữa bệnh. Sau khi bình phục, Đại Đức vào học tại Phật Học Viện Nha Trang.
Năm 1959, Đại Đức được Thượng Tọa Giám Viện Phật học Viện Nha Trang cử làm Giảng sư tại tỉnh Hội Phật-giáo Đà Lạt.
Năm 1961, Đại Đức được Hòa Thượng Hội Chủ cử kiêm nhiệm Trụ trì và Giảng sư tại tỉnh Hội Phật-giáo Buôn Mê Thuột. Đại Đức đã ở đây cho đến ngày tự thiêu.
Vì thấy Phật-giáo bị đại nạn, nên Đại Đức phát nguyện tự thiêu vào 12:25 ngày 5.10.1963, tại bồn binh chợ Bến Thành Sài gòn, để tranh thủ cho 5 nguyện vọng chân chính của Phật-giáo
Đại Đức THÍCH THIỆN MỸ
Tự thiêu ngày 27.10.1963 tại công trường Hòa Bình Sài gòn.
Đây là ngọn lửa thiêng thứ 8, đốt trong lúc phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Sài gòn.
TIỂU SỬ Đại Đức THÍCH THIỆN MỸ
Đại Đức Thích Thiện Mỹ, thế danh là Hoàng Miều, sinh năm 1940 tại Bình Ðịnh. Đại Đức xuất gia từ nhỏ, thọ giới sa di năm mười sáu tuổi và thọ đại giới năm hai mươi tuổi. Đại Đức từ Ðà Lạt vào Sài Gòn vào giữa tháng mười năm 1963 và cư ngụ tại chùa Vạn Thọ.
Đại Đức Thích Thiện Mỹ chờ đúng ngày 27.10.1963, cùng giờ phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc trên đường tới thăm chùa Ấn Quang, thì Đại Đức tự thiêu tại công trường Hòa Bình (đối diện Vương Cung Thánh Đường Sài gòn).
Đại Đức Thiện Mỹ đã tự thiêu ngay dưới cột đèn, có gắn bảng đường Tự Do. Lúc Đại Đức mới châm lửa vào áo tẩm xăng sẵn, thì có một số đồng bào từ trong nhà thờ đi ra, và người đi đường xúm lại bao quanh lễ Ngài.
Một phút sau, cảnh sát ập lại, lấy mền đè Đại Đức ngã xuống. Nhưng ngọn lửa bùng lớn, làm cháy luôn cái mền. Cảnh sát vùng chạy, Đại Đức lại từ từ ngồi ngay dậy, Chắp tay vái lạy những Phật tử bên đường đang lễ Ngài, cho đến lúc Ngài tịch diệt.
Sự hy sinh cao cả và phi thường của Đại Đức Thích Thiện Mỹ đã gây xúc động mạnh toàn Thế giới, gây khó khăn cho chính quyền Diệm và cũng thúc đẩy phái đoàn điều tra Liên hiệp Quốc mau chóng hoàn tất nhiệm vụ, để cứu vớt Dân tộc Việt Nam.
Sự hy sinh của Đại Đức Thích Thiện Mỹ, quả đã đưa cuộc đấu tranh đầy nguy hiểm gian nan khổ cực của Phật-giáo Việt-Nam đến chỗ toàn thiện và toàn mỹ.
(Tranh đấu sử Phật-giáo Việt-Nam)
TIỂU SỬ Nữ sinh Phật tử NGUYỄN THỊ VÂN
Tự thiêu năm 1966 tại Tổng vụ Thanh Niên
Số 294 Đường Công Lý Sài gòn.
Nguyễn Thị Vân, pháp danh Không Gian, học sinh lớp Đệ Ngũ trường Trung Học Bồ Đề Thành Nội Huế. Nguyên quán làng La Vân Hạ, quận Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, thuộc gia đình phật tử Thành Nội Huế.
Vân là học sinh hiền hậu, ngoan ngoãn nhất trong nhóm học sinh đệ ngũ; lòng tha thiết yêu đạo, yêu tự do, công lý, giàu lòng hy sinh và hăng say trong các công tác từ thiện, xã hội.
Vân đã hòa mình với quần chúng trong pháp nạn năm 1966. lòng đau khổ cùng tận, Vân đã phát nguyện tự thiêu để cảnh tỉnh chánh quyền và cầu nguyện Phật-giáo qua cơn pháp nạn.
Trước lễ Phật đản 2 ngày, vào lúc 3 giờ sáng ngày 30.5.1966, nhằm 12.4 năm Bính Ngọ, Vân đã tự mình châm lửa thiêu trước Niệm Phật Đường Thành Nội.
Vân để lại 4 bức thư:
– 1 dâng lên Hòa Thượng Tăng Thống.
– 1 dâng lên Ngài Viện Trưởng Viện Hóa-Đạo.
– 1 gởi Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu.
– 1 gởi Quốc Hội Mỹ.
Đại Đức THÍCH THIỆN HUỆ
Tự thiêu ngày 1.6.1966 (13.4 Bính Ngọ)
Tại Gò Giếng Nước Nóng tỉnh Khánh Hòa.
TIỂU SỬ Đại Đức THÍCH THIỆN HUỆ
Đại Đức Thích Thiện Huệ, tục danh Nguyễn Lang, pháp danh Quảng Trí, tự Thiện Huệ, sinh ngày 5.5.1948, chánh quán ấp Định Nhiên, xã An Nghiệp, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên; Thân Phụ là Ông Nguyễn Cương và Thân Mẫu là Bà Trần Thị Giả.
Đại Đức sinh trưởng trong một gia đình nông nghiệp và đã xuất gia vào ngày 18.4.1964 tại chùa Từ Ân xã Tuy An.
Tùy thuận nhân duyên, Đại Đức đã vào tu học tại chùa Phật-giáo Tu Bòng, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa và thọ giới Sa Di vào đầu năm 1966 và Bổn sư truyền giới là Hòa Thượng Thích Thiên Sơn.
Đến năm 1966, tức năm Đại Đức 18 tuổi, vì thấy cảnh bi đát của Giáo Hội, thấy cảnh đau thương của Dân tộc, nên ngày 1.6.1966 tức là ngày 13.4 năm Bính Ngọ (Phật lịch 2510) Đại Đức châm lửa tự thiêu, tại Gò Giếng Nước Nóng ấp Tân Phước, xã Vạn Phước, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa để cầu nguyện an lành cho Dân tộc và Đạo pháp.
Trước khi tự thiêu, Đại Đức đã để lại 3 bức thư:
· – 1 bức gởi cho tỉnh Giáo Hội Khánh Hòa.
· – 1 bức gởi cho Bổn sư, Đại Đức Thích Từ Viên.
· – 1 bức gửi cho gia đình.
Sự hy sinh cao cả của Đại Đức đã để lại trong lòng mọi người nhiều nỗi cảm kích chân thành!
Thích Nữ DIỆU TRI
Tự thiêu ngày 4.6.1966 (16.4 Bính Ngọ)
tại Ni Viện Diệu Quang tỉnh Khánh Hòa.
TIỂU SỬ Ni Cô THÍCH NỮ DIỆU TRI
Ni Cô Diệu Tri, tục danh là Lê Thị Hiếu, pháp danh Tâm Lương, sinh ngày 1.1.1939 tại làng Phước Mỹ, quận Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Thân Phụ là Ông Lê Văn Phò và Thân Mẫu là Bà Ngô Thị Thí.
Ni Cô sinh trưởng trong một gia đình Phật-giáo thuần thành, nên từ nhỏ đã tỏ ra rất hiền hòa, hiếu thuận. Thân phụ mất sớm khi Ni Cô lên 9 tuổi.
Hấp thụ sâu đậm tinh thần Phật-giáo, Ni Cô đã có ý nguyện xuất gia từ thuở ấu thơ, nhưng không được sự chấp thuận của gia đình.
Năm 1945, tức năm lên 6 tuổi, Ni Cô đã gia nhập gia đình Phật tử. Với tinh thần sinh hoạt hăng say và là một Phật tử có nhiều khả năng đặc biệt, nên năm 1961, Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật Tử Quảng Trị đã đề cử Cô đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Oanh Vũ Nữ.
Năm 1963, tức năm 24 tuổi, Ni Cô đã chính thức thí phát và quy y vào ngày 12.4.1963 tại chùa Diệu Ấn, Phan Rang và sau đó được đưa vào tu học tại Ni Viện Diệu Quang Nha Trang. Bổn sư của Ni Cô là Sư bà Đàm Hương. Ni Cô thọ Sa Di giới ngày 6.4.1965.
Ngoài việc tu học, hằng ngày Ni Cô còn đảm trách việc giáo dục con em tại trường mẫu giáo Kiều Đàm, một cơ sở Văn Hóa Giáo Dục của Giáo Hội Phật-giáo VNTN tỉnh Khánh Hòa, đặt tại khuôn viên Ni Viện Diệu Quang.
Năm 1966, vì thấy tình trạng đau buồn của đất nước và Đạo pháp, Ni Cô đã phát nguyện tự thiêu vào lúc 2 giờ sáng ngày 4.6.1966, tức là ngày 16.4 năm Bính Ngọ, trước đài Quán Thế Âm, tại Ni Viện Diệu Quang, nơi Ni Cô tu học.
Với ý nguyện chân thành, Ni Cô đã để lại 2 bức thư gởi cho Giáo Hội và cho Chính phủ, thật là tha thiết với Đạo pháp.
Thích Nữ THANH QUANG
Tự thiêu ngày 26.5.1966 (mùng 9.4 Bính Ngọ)
Tại chùa Diệu Đế tỉnh Thừa Thiên, Huế.
TIỂU SỬ Ni Sư THÍCH NỮ THANH QUANG
Ni Sư Thanh Quang tục danh là Bùi Thị Lệ, sinh năm kỷ Sửu, tại Vĩnh Thanh trong một gia đình khá giả.
Năm 20 tuổi Ni Sư xuất gia tu học tại Ni Viện Diệu Đức, Huế. Ni Sư chuyên tu về Pháp Tham Thiền, ưa làm những việc từ thiện xã hội.
Năm 1966, trước Phong trào đòi hỏi Quốc Hội Lập Hiến, đòi Chính phủ dân cử, Ni Sư đã phát nguyện tự thiêu để đòi hỏi chính phủ Mỹ và chính quyền Sài gòn phải chấp thuận nguyện vọng chính đáng của Phật-giáo nói riêng, dân chúng Việt Nam nói chung.
Ni Sư định tự thiêu trước tòa Lãnh Sự Mỹ, tại Huế. Nhưng hoàn cảnh không chiều theo ý muốn, nên Ni Sư về chùa Diệu Đế tuyệt thực. Rồi vào lúc 3 giờ sáng ngày 26.5.1966 nhằm ngày mùng 9.4 Bính Ngọ, Ni Sư tự thiêu tại chùa Diệu Đế Huế.
Ngày 16.6.1966, chính quyền đã cướp nhục thể của Ni Sư đem chôn tại đồi Tam Thai gần núi Ngự Bình Huế.
Ni Sư có để lại 4 bức thư:
1 dâng lên Đức Tăng Thống.
1 dâng lên Viện Hóa-Đạo.
1 gởi Trung Tướng Chủ tịch ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia.
1 Gởi Tổng Thống Mỹ.
Phật tử ĐÀO THỊ YẾN PHI
Pháp danh Nguyên Thường, tự Diệu Mai
Tự thiêu ngày 26.1.1965 (24.12 Giáp thìn)
Tại tòa Hành Chánh tỉnh Khánh Hòa.
TIỂU SỬ Phật tử ĐÀO THỊ YẾN PHI
Phật tử Đào Thị Yến Phi, pháp danh Nguyên Thường, tự Diệu Mai, sinh ngày 6.1.1948 tại Hà Đông, Bắc Phần. Thân Phụ là Ông Đào Trọng Bình và Thân Mẫu là Bà Lê Thị Vượng, hiện cư ngụ tại Nha Trang. Thân Phụ đi xa và biệt tích từ khi Yến Phi lên 10 tuổi. Thế nên Yến Phi chỉ sống với Mẹ. Hai mẹ con đều là Phật tử thuần thành. Yến Phi rất ngoan và hiếu thảo.
Yến Phi được Mẹ cho vào gia đình Phật tử năm 1958, với tư cách là một đoàn sinh Oanh vũ. Yến Phi sinh hoạt đầu tiên là Gia đình Phật tử Linh Thứu. Năm 1961 Yến Phi được lên ngành thiếu và chánh thức quy y Tam Bảo trong ngày Phật Đản PL.2506.
Yến Phi đã dự trúng cách trại huấn luyện Đội, Chúng trưởng Than Hội năm 1962, và Trại huấn luyện Sơ Cấp Lộc Uyển năm 1964. Yến Phi trở về sinh hoạt với gia đình Phật tử Chánh Quang với tư cách Đoàn Phó Oanh Vũ Nữ.
Với bản tính hiền hòa, lại được hấp thụ tinh thần Từ Bi của đạo Phật, Yến Phi luôn luôn tỏ ra là một Phật tử gương mẫu và được mọi người cảm mến.
Năm 1964, Yến Phi được 16 tuổi, vì thấy sự sống còn của Dân tộc, vì sự tự do dân chủ, vì mọi thống khổ của đồng bào, Yến Phi đã lặng lẽ phát nguyện tự thiêu để cúng dường Tam Bảo.
Thế là Yến Phi đã thực hiện ý nguyện vào lúc 14 giờ 30 ngày 26.1.1965, tức là ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn, tại trước tòa Hành chánh tỉnh Khánh Hòa, nơi tuyệt thực của chư Tăng Ni và toàn thể Phật-giáo đồ.
Trước khi từ biệt cõi đời giã tạm, Yến Phi có để lại 3 bức thư:
1 bức gởi cho chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni và Phật-giáo đồ.
1 bức gởi cho Thủ Tướng Trần Văn Hương.
1 bức gởi cho Mẹ.
Yến Phi đã ra đi vĩnh viễn, để mưu cầu tự do dân chủ yên lành cho Dân tộc và Đạo pháp. Yến Phi tuy đã mất, nhưng vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người.
Phật tử NGUYỄN THỊ HUỆ
Nữ sinh Trường Nữ Trung học Gia Long Sài gòn
Tự thiêu ngày 30.8.1966 (rằm tháng 7 âm lịch)
Trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự.
TIỂU SỬ Phật tử NGUYỄN THỊ HUÊ
Phật tử Nguyễn thị Huê tự Nguyễn Thi, sinh ngày 24.9.1949 tại Sài gòn, nữ sinh lớp đệ tứ, niên khóa 1965-1966, trường Trung học Gia Long Sài gòn.
Huê chỉ có 2 mẹ con. Suốt 3 năm liền Huê ăn chay trường. Mỗi khi thấy Mẹ ăn cá thì Huê mua cá phóng sanh. Khi thấy Mẹ ăn cua thì Huê mua cua thả. Mẹ hỏi sao khi con lấy tiền mua rồi thả hết? Huê thưa: Có ai chết mà đem tiền theo được đâu? Vả lại mình nuốn sống thì loài vật cũng muốn sống. Mẹ Huê nghe con nói như vậy, nên từ đó bà cũng ăn chay luôn để cho con được vui lòng.
Mẹ Huê thường may quần áo tốt cho con, nhưng Huê không thích se sua, chỉ thích mặc những bộ đồ thường đến trường.
Huê đã dự các lớp giáo lý tại Hội trường Việt Nam Quốc Tự và được giấy khen thưởng từ Ban Giảng Huấn của Viện Hóa-Đạo.
Đến năm 1966, vì thấy Việt Nam Quốc Tự là chỗ tối cao tôn nghiêm, cũng là nơi tự do tín ngưỡng Dân tộc; Viện Hóa-Đạo là cơ quan đầu não của Phật-giáo, đều bị chánh quyền chiếm đóng, nên Huê phát nguyện tự thiêu để phản đối sự kỳ thị của chánh quyền và bảo vệ Đạo pháp.
Đến ngày 29.8.1966, Mẹ Huê đã về quê, nên vào lúc 8 giờ, Huê đóng cửa ra đi để thực hiện ý định. Đầu tiên Huê đến Viện Đại học Vạn Hạnh để đóng học phí trường Thanh Niên Phụng Sự Xã hội. Sau Huê đến chùa Ấn Quang lễ Phật và xem thông cáo. Thấy bệnh trạng và hình ảnh ốm gầy của Hòa Thượng Trí Quang, Huê rất cảm động đau xót và thương tâm …!
Huê đến cô nhi viện Quách Thị Trang để thăm các em mồ côi. Đi đến đâu đều thấy cảnh tang tóc đau lòng! Nên Huê không trở về nhà và quyết định ở lại cô nhi viện.
Đến 2 giờ khuya đêm 29, rạng ngày 30.8.1966 (tức rằm tháng 7 âm lịch), Huê một mình qua vườn chùa Việt Nam Quốc Tự chế xăng rồi tự châm lửa hỏa thiêu! Không một ai hay biết.
Đến sáng ngày, có người đến cắt cỏ, thấy hoảng sợ chạy tri hô lên! … Chánh quyền liền đến lấy xác chở đi mất!…
Phật tử ĐÀO THỊ TUYẾT P.D Tâm Bạch
Tự thiêu vào lúc 21:30 ngày 17.6.1966
Tại Việt Nam Quốc Tự.
Thích Nữ TRÍ TÚC 31 tuổi
Bảo vệ Hiến chương Phật-giáo và cầu nguyện Hòa Bình Việt Nam
Tự thiêu ngày 3.10.1967, trước chùa Bảo An tỉnh Phong Dinh
TIỂU SỬ Ni Cô THÍCH NỮ TRÍ TÚC
Ni Cô Thích Nữ Trí Túc tục danh là Lê Thị Cúc (La Thị Hen), sanh năm Canh Thìn. Thân Phụ là Ông Lai Sinh, Thân Mẫu là bà Trương Anh, đều là người Trung hoa. Hai ông bà qua Việt Nam thương mãi và sanh Ni Cô Trí Túc tại Sóc Trăng.
Khi 16 tuổi, Ni Cô đến công quả 4 năm tại chùa Thạch Sơn, tục gọi là Chùa Hang ở Châu Đốc.
Khi đến 20 tuổi, được Thầy Trụ trì chùa Lăng Ca giới thiệu lên Sài gòn giúp việc tại Cô Nhi Viện Diệu Quang 1 năm.
Sau khi giúp việc tại Cô Nhi Viện Diệu Quang 1 năm, Ni Cô được Bà cô ởTrà Vinh hướng dẫn và gởi gắm về chùa Bảo An Cần Thơ để làm lễ xuất gia. Sau khi xuất gia, Ni Cô được Ni trưởng Bảo An cho đến chùa Từ Nghiêm Sài gòn thọ giới Sa Di Ni và thọ giới Thức Xoa tại chùa Pháp Quang Thủ Đức.
Đến năm 1967, vì bảo vệ Hiến chương của Giáo Hội và cầu nguyện Hòa Bình cho Việt Nam, nên Ni Cô phát nguyện tự thiêu vào lúc 11 giờ ngày 3.10.1967 trước chùa Bảo An cần Thơ.
Linh cữu Ni Cô được GHVNTN tỉnh Phong Dinh cùng toàn thể Tăng Ni Phật tử rất đông đảo và trọng thể đưa đi an táng vào vườn chùa Hội Linh ở tỉnh Phong Dinh.
Mặc dù Ni Cô đã tịch, nhưng ngọn đuốc hy sinh cao cả của Ni Cô vẫn còn cháy mãi trong lòng người.
Thơ của Sư Cô TRÍ TÚC gởi Ni Trưởng chùa Bảo An (Cần Thơ) nói rõ nguyện vọng tự thiêu của mình để cầu nguyện Hòa Bình Việt Nam và bảo vệ Hiến chương Phật-giáo.
Cần Thơ, ngày 3.10.1970
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Thưa Sư cô,
Con xin phát nguyện tự thiêu cầu cho đất nước sớm Hòa Bình để con không thấy cảnh huynh đệ tương tàn tương sát nữa.
Con cũng cầu Tam bảo gia hộ cuộc tranh đấu bảo vệ Hiến chương của Giáo Hội Phật-giáo Việt-Nam Thống Nhất sớm được thắng lợi vẻ vang.
Sau cùng con quyết tâm tự thiêu để yêu cầu Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu sớm hồi tâm thức tỉnh thu hồi sắc luật 23/67 về Hiến chương mới.
Vì giờ quyết định đã đến, con không biết nói gì hơn nữa. Vậy con chỉ xin kính chúc Sư Cô và đại chúng tu hành tinh tấn.
Con,
THÍCH NỮ TRÍ TÚC
Thích Nữ TRÍ CHƠN
Bảo vệ Hiến chương Phật-giáo
Tự thiêu ngày 8.10.1967 tại chùa Quan Âm tỉnh Sa Đéc
TIỂU SỬ Ni Cô THÍCH NỮ TRÍ CHƠN
Ni Cô Trí Chơn, nhũ danh là Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm Giáp Dần (1913), ở làng An Bình, tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ). Mẹ mất sớm nên Bà cô Mai Lê đem cô về nuôi dưỡng.
Lúc khôn lớn, Bà cô lại dựng lập gia đình cho cô ở Thốt Nốt và sanh đặng một đứa con gái. Vì lòng mộ đạo thúc giục nên cô thường đến chùa lễ phật nghe kinh. Nhân một dịp đến Trà Vinh, cô đi chùa gặp vị Lục Cả người Miên có tác phong đạo hạnh, cô bèn xin xuất gia. Lục dạy: nếu có gia đình, cô nên tu tại gia, bao giờ con cái trưởng thành, mới có thể chọn con đường thoát ly trần tục. Từ đấy trong thâm tâm cô mang nặng hoài bão con đường giải thoát.
Năm 1945, thực dân Pháp trở lại dày xéo quê hương. Nhìn thảm cảnh nước Việt bị chìm ngập trong khói lửa chiến tranh, cô rất đau lòng và thầm phát nguyện: non nước sớm thanh bình và toàn thể gia đình cô lớn nhỏ vẹn toàn, hồi cư về cô sẽ vào chùa làm công quả 3 năm.
Như nguyện, nên sau ngày hồi cư, cô đến chùa Bảo An ở Phong Dinh (Cần Thơ) xin làm công quả.
Qua thời gian sống ở cửa thiền, lòng mộ đạo càng thâm, cô quyết theo con đường duy nhất đã chọn từ lâu, nên xin Ni Trưởng, Trụ trì chùa Bảo An cho xuất gia thọ giới và được pháp danh là Trí Chơn. Và người con gái của cô cũng theo Mẹ xuất gia, nên cũng được Ni Trưởng cho pháp danh là Trí Định.
Cô Trí Chơn xuất gia năm 43 tuổi (1956), thọ Sa Di giới, được Ni Trưởng Bảo An cho về ở chùa Quan Âm, Sa Đéc thuộc hộ Tân Hưng. Sư cô Trí Chơn chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa và thường đến giúp các chùa hội trong các dịp lễ. Cô thường bảo thầm: “Tôi nguyện xã thân vì đạo”.
Đến năm 54 tuổi (1967), cô thấy Phật-giáo đang bị ngoại bang ly gián để lung lay nền thống nhất, nên cô quyết đòi chính quyền phải trả lại Hiến chương 05/66 cho Giáo Hội, do xương máu của Tăng Ni và Phật tử tạo ra. Cô nguyện noi gương các Thánh Tử Đạo, đem thân làm đuốc, để cảnh tỉnh cường quyền dùng bạo lực đàn áp Phật-giáo và những kẻ tham danh lợi, đem tâm phản Đạo.
Trước khi từ giã cõi đời ô trược, Ni Cô để lại 3 lá thư:
– Gởi cho chính quyền đương thời.
– Gởi Thượng Tọa Tâm Châu.
– Gởi GHPGVNTN Ấn Quang.
Đến 11 giờ đêm, năm Đinh Mùi (1967), Cô tự thiêu tại hậu Tổ chùa Quan Âm. Cô để Đức Quan Thế Âm Bồ Tát trước mặt và Chắp tay ngồi kiết già, rồi viên tịch trong lửa đỏ!
Linh cữu của Cô,được GHVNTN tỉnh Sa Đéc, toàn thể Tăng Ni Phật tử cử hành mai táng rất trọng thể. Giờ đây nhục thân Ni Cô đã vùi sâu vào lòng đất, nhưng tên tuổi Ni Cô hãy còn ghi đậm nét son trong quyển sử vàng của Phật-giáo.
Thích Nữ HUỆ LẠC
Bảo vệ Hiến chương Phật-giáo
Tự thiêu ngày 22.10.1967
Tại trước chùa Viên Giác tỉnh Gia Định
TIỂU SỬ Ni Cô THÍCH NỮ HUỆ LẠC
Ni Cô Huệ Lạci, tục danh là Lê Thị Hậu, sanh năm 1945 tại Hội An (Quảng Nam).
Năm 1965, Ni Cô xuất gia tại chùa Tây Hưng tỉnh Sa Đéc.
Năm 1966, Ni Cô Huệ Lạc đến ở tại chùa Viên Giác, xã tây Sơn Hòa, Gia Định. Nhờ sự tận tâm chỉ giáo của Đại Đức Hồng Tịnh, Trụ trì chùa Viên Giác, nên Ni Cô rất tiến bộ cả hai phương diện tu và học.
Đến năm 1967, Ni Cô thọ giới Sa Di Ni tại chùa Pháp Quang Chợ Lớn
Để bảo vệ Hiến chương của GHPGVNTN, nên ngày 22.10.1967, Ni Cô Huệ Lạc đã tự thiêu trước sân chùa Viên Giác.
Nhục thể của Ni Cô bị chính quyền tỉnh Gia Định đem đi mai táng (Đại Đức Hồng Thịnh, Trụ trì chùa Viên Giác biết chỗ).
Hình ảnh Ni Cô Huệ Lạc tuy đã đi vào quá khứ, nhưng tinh thần bảo vệ Đạo pháp của Ni cô vẫn còn hiện mãi trong lòng Phật tử.
Đại Đức THÍCH HẠNH ĐỨC
Bảo vệ Hiến chương Phật-giáo
Tự thiêu ngày 31.10.1967 trước chùa tỉnh Giáo Hội Quảng Ngãi.
TIỂU SỬ Đại Đức THÍCH HẠNH ĐỨC
Đại Đức tên là Trần Văn Minh, tự Thị Hoàng, pháp danh Hạnh Đức, pháp hiệu là Thanh Bình, sinh ngày 2.3 năm Mậu Tý, nhằm Thứ 7 ngày 10.4.1948 tại xã Bình Đức, quận Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Xuất thân trong một gia đình Nho giáo có tín ngưỡng Phật-giáo. Lúc nhỏ Đại Đức tính tình nhu hòa, thùy mị, vốn có thiện căn và theo học trường làng từ lúc lên 10, được Thầy thương bạn mến. Khi lớn lên, thiện căn cũng dần tăng trưởng, có nhiều nghi vấn về cuộc đời, khiến Đại Đức luôn luôn suy gẩm. Mọi diễn biến của vạn hữu, là mối bất công đau khổ đè nén lên con người, tạo thiện duyên cho Đại Đức tầm Sư học Đạo.
Đại Đức từ bỏ tất cả sự âu yếm mến chuộng của gia đình bà con thân thuộc, xa lánh tất cả những gì mà Đại Đức cho là vô thường, khổ não, vô ngã, … chỉ quyết tâm đi tìm con đường giải thoát. Đại Đức xuất gia đầu Phật vào năm 1959, quy y với Thượng Tọa Thích Huyền Đạt, Tọa chủ chùa Viên Giác Thanh Sơn (núi Thình Thình thuộc hạt Sơn Tịnh và Bình Sơn).
Từ ngày Đại Đức tự nguyện khép mình vào khuôn khổ Thiền gia, lấy tương dưa rau muối làm phương tiện độ nhật; chí công tham học với Bổn sư những khuôn vàng thước ngọc và những lời di giáo vô thượng của Đức Thế Tôn. Ngoài ra, Đại Đức cũng thể hiện hạnh nguyện “hữu tác hữu thực, vô tác bất thực” trong công tác nông thiền ở miền đồi Viên Giác.
Đến năm 1965, vì sự đòi hỏi cần thiết ở khả năng hiểu biết của người tu sĩ Phật-giáo, tương ứng với đà tiến hóa của nhân loại hiện thời, trong việc hoằng hóa lợi sinh, nên Đại Đức đã được Bổn sư cho về Trụ trì chùa Giáo Hội Tỉnh, để theo học Ngoại Điển ở Trường Trung học Bồ Đề.
Năm 1966, Đại Đức đã thọ Sa Di giới tại chùa Hội Phước Quảng Ngãi.
Đến năm 1967, trước cảnh bất công đàn áp Phật-giáo của chính quyền đương thời, Đại Đức đã phát nguyện tự thiêu trước chùa Giáo Hội Tỉnh vào ngày 31.10.1967 để phản đối sắc luật phi pháp 23/67.
Nhục thân Đại Đức tuy mất nhưng gương “vị pháp vong thân” của Đại Đức vẫn còn sáng chói muôn thuở.
Thích Nữ THÔNG HUỆ
Bảo vệ Hiến chương Phật-giáo
Tự thiêu ngày 1.11.1967 tức 29.9 Đinh Mùi
Tại chùa tỉnh Giáo Hội Khánh Hòa.
TIỂU SỬ THÍCH NỮ THÔNG HUỆ
Ni Cô Thông Huệ, tục danh là Nguyễn Thị Lộc Đài, pháp danh là Hạnh Phước, Pháp tự là Thông Huệ, sinh ngày 3.4.1937 tại quận Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Thân Phụ là Ông Nguyễn Văn Sinh và Thân Mẫu là Bà Trần Thị Bảy.
Ni Cô sinh trưởng trong một gia đình lễ giáo, thấm nhuần tinh thần Phật Pháp. Từ thuở nhỏ Ni Cô đã là một người con hiếu thuận, một nữ sinh gương mẫu và là một Phật tử thuần thành chân chính.
Tuy là một người con gái độc nhất trong gia đình, Mẹ mất sớm, Ni Cô phải lo lắng mọi việc trong gia đình, nhưng Ni Cô vẫn không từ bỏ việc học và tham gia Phong trào Gia Đình Phật tử. Trước khi xuất gia tiến hành trên con đường đạo nghiệp, Ni Cô đã là một chị trưởng có khả năng và rất nhiều tâm huyết.
Năm 14 tuổi, Ni Cô quy y với Ngài Huyền Ân tại chùa Hội Quang, quận Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Nhờ thâm nhập tinh thần Phật Pháp, Ni Cô đã xin phép Thân Phụ xuất gia vào năm 18 tuổi và vào Nha Trang thọ giới với Ni sư Thích Nữ Tâm Đăng ở chùa Linh Sơn Cầu Đá.
Sau 5 năm tu học, năm 23 tuổi, Ni Cô có thọ giới Sa Di Ni và được Bổn sư cho vào tu học tại Ni Viện Từ Nghiêm. Với sự tu học tinh tấn và có nhiều khả năng đặc biệt, Ni Cô đã được thọ Thức Xoa Ma Na tại Ni Viện Từ Nghiêm Sài gòn.
Pháp nạn năm 1963, trước sự thống khổ của tín đồ và nguy ngập của Đạo pháp, Ni Cô đã phát nguyện tự thiêu, nhưng ý nguyện không thành vì Bổn sư không chấp nhận.
Pháp nạn năm 1967, để cảnh tỉnh những người phản bội Đạo pháp và Dân tộc, cùng sự mê muội của chính quyền đã ngoan cố, cướp đoạt Hiến chương của Giáo Hội, Ni Cô đã châm lửa tự thiêu vào lúc 19:20 ngày 1.11.1967, tức là ngày 29.9 năm Đinh Mùi bên cạnh chùa Tỉnh Giáo Hội Khánh Hòa trên đường lên Kim Thân Phật Tổ.
Huyễn thân tuy mất, nhưng “Gương Hy Sinh Bảo Vệ Đạo pháp” của Ni Cô vẫn còn chiếu sáng nghìn thu!.
Phật tử NHẤT CHI MAI 33 tuổi
Cầu nguyện Hòa Bình Việt Nam
Tự thiêu ngày 16.5.1967 (7:30 mùng 8.4 Phật Đản 2511)
Vào ngày khai mạc tuần lễ “Cầu nguyện Hòa Bình”
Của Giáo Hội tại chùa Từ Nghiêm, đường Bà Hạt Chợ Lớn
TIỂU SỬ Phật tử NHẤT CHI MAI
Nữ Phật tử Phan Thị Mai tự Nhứt Chi Mai hay Nhất Chi, pháp danh Diệu Huỳnh 33 tuổi, sanh ngày 20.2.1934 tại Thái Bình tỉnh Tây Ninh. Thân Phụ là Ông Phan Duy Mỹ, Thân Mẫu là bà Nguyễn Thị Duyệt, ngụ tại nhà số 60/59 đường Yên Đỗ Sài gòn. Năm 1955, Nhất Chi Mai thi đậu vào trường Quốc Gia Sư Phạm Sài gòn, Mai vừa làm một cô giáo lớp bổ túc hạng tư, dạy lớp nhì A, trường Tiểu học Công lập ở Tân Định vừa tiếp tục đi học và thi đậu tú tài toàn phần.
Nhất Chi Mai quy y ở chùa Từ Nghiêm, một Phật tử thuần thành mến đạo yêu đời, rất say mê với giáo lý đạo Phật, tích cực tham gia vào các công tác Phật sự, hằng tuần đến chùa Dược Sư và chùa Từ Nghiêm dạy giúp cho các Ni Cô về môn Thế Học. Nhất Chi Mai vừa là một sinh viên của Đại học Vạn Hạnh vừa là sinh viên Văn Khoa của Đại Học Sài gòn.
Lễ Phật Đản PL.2511 (1967), GHPGVNTN lập lễ Đài Hòa Bình tam cấp (Hữu Chiến, Thương Thuyết và Hòa Bình) tại chùa Ấn Quang, cử hành trọng thể một tuần lễ Hòa Bình cho Việt Nam.
Vì thiết tha với Hòa Bình, nên Phật tử Nhất Chi Mai phát nguyện đem thân làm đèn, đốt lên làm lễ khai mạc tuần lễ cầu nguyện Hòa Bình của Giáo Hội, vào lúc 7:30 sáng ngày mùng 8.4 Đinh Mùi (nhằm ngày 16.5.1967) tại chùa từ Nghiêm đường Bà Hạt Cholon. Ánh lửa hào hùng của một Phật tử yêu nước, đã nói lên lòng đau xót quê hương với nguyện vọng thiết tha Hòa Bình.
Trước khi đem thân làm đuốc, cầu nguyện Hòa Bình cho Việt Nam, Nhất Chi Mai đặt trước mặt hai ngôi tượng, rồi chắp tay quỳ trước mặt tượng Đức mẹ Maria và Đức Quan Thế Âm Bồ Tát thể hiện cho tình thương trên cõi đời này.
Nhất Chi Mai muốn ánh lửa hỏa thiêu để nói lên tình thương yêu con người đã biến mất trên quê hương đau khổ này từ một phần tư thế-kỷ nay.
Sau lưng Nhất Chi Mai có một tấm vải trắng viết mấy hàng chữ đen:
“Con Chắp tay quỳ xuống
“Xin Đức Mẹ Maria
“Đức Quan Thế Âm, Phổ Hiền
“Cho con tròn đại nguyện
Và
“Xin đem thân làm đuốc
“Xin soi sáng u minh
“Xin tình người thức tỉnh
“Xin Việt Nam Hòa Bình
Ký tên: Nhất Chi Mai tự Nhất Chi Diệu Huỳnh.
LỜI TRĂN TRỐI CỦA NGƯỜI YÊU VIỆT NAM
Việt Nam, Việt Nam ơi!
Nghe chăng lời trăn trối
Của người yêu Việt Nam:
Yêu tiền nhân cách mạng,
Yêu lứa tuổi hai mươi,
Yêu cô nhi, quả phụ,
Yêu thương nhân, tù đày,
Yêu khắp dãy non sông,
Yêu từng giọt máu hồng,
Cả người hiền kẻ dữ!
***
Việt Nam, Việt Nam ơi!
Sao cứ mãi hận thù?
Sao bắn giết mà vui?
Thắng rồi ai thua đó?
Vinh nhục này ai mang?
Bỏ danh từ nhã hiệu,
Chúng mình người Việt Nam.
Chúng mình người Việt Nam,
Chơn thành tay mình nắm,
Quê mình lo nước non,
Việt Nam, Việt Nam ơi!
Người tự thiêu để cầu Hòa Bình
Thích nữ NHẤT CHI MAI tự Nhất Chi
Sinh viên Việt Nam
Phật Đản PL.2511 (25.4.1967)
Chắp tay tôi quỳ xuống
Sao người Mỹ tự thiêu?
Sao thế giới biểu tình?
Sao Việt Nam im tiếng?
Không dám nói Hòa Bình?
Tôi thấy mình hèn yếu!
Tôi nghe lòng đắng cay!
Sống mình không thể nói
Chết mới được ra lời!.
Hòa Bình là có tội!
Hòa Bình là Cộng sản!
Tôi vì lòng nhân bản,
Mà muốn nói Hòa Bình.
Chắp tay tôi quỳ xuống
Chịu đau đớn thân này
Mong thoát lời thống thiết!
Dừng tay lại “NGƯỜI” ơi!
Dừng tay lại “NGƯỜI” ơi!
Hai chục năm hơn rồi,
Nhiều máu xương đã đổ,
Đừng diệt chủng dân tôi!
Đừng diệt chủng dân tôi!
Chắp tay tôi quỳ xuống.
Người tự thiêu cầu Hòa Bình Việt Nam
Thích nữ NHẤT CHI MAI tự Nhất Chi
Sinh viên Văn Khoa
Mùa Phật Đản 2511 (05/1967)
BỨC THƯ NGỎ GỞI HAI CHÍNH PHỦ NAM BẮC VIỆT NAM
Dưới đây là bức thư của Nhất Chi Mai Gởi hai chính phủ Nam Bắc Việt Nam Trước khi tự thiêu ngày 16.5.1967
Kính thưa quý Ngài,
Là công dân Việt Nam, tôi có trách nhiệm với lịch sử Dân tộc và có bổn phận với quốc gia Việt Nam tôi.
Tôi tưởng tôi có quyền nói lên ước nguyện của tôi về quê hương tôi chứ?
Mà các Ngài đâu có cho tôi nói, dù tôi ở trong vùng đất “TỰ DO”. Cho nên tôi xin chết để được các Ngài nghe giùm tiếng kêu bi thiết của tôi, của đa số những người dân không quyền thế, cổ ngắn trời cao.
Xin các Ngài cho tiếng nói sau cùng của tôi, được truyền đi khắp nơi. Một dịp quý Ngài trưng cầu dân ý: nên Hòa hay nên Chiến, để hành động vì dân, do dân như quý Ngài thường tuyên bố.
Xin can đảm mà nghe Dân, dù lòng dân không phù hợp với ý của Quý Ngài.
Người dân đen chúng tôi không cần chủ nghĩa, không cần danh từ, chúng tôi chỉ mong sống yên lành và hùng mạnh.
Mà hiện trạng đất nước, dưới quyền sanh sát của quý Ngài, thì ngược lại, …
Quý Ngài được viện trợ đủ thứ vũ khí tối tân, cầu cạnh hằng triệu người ngoại quốc về đây sát hại đồng bào để bảo vệ cho chủ nghĩa đẹp(!) và danh từ suông của quý Ngài. Một bên thì tham vọng, một bên thì hận thù, quý Ngài ngồi yên trong nhà cao cửa kín, tha hồ mà gào to thét lớn, có biết đâu nỗi khổ đau tột cùng của đám dân đen chúng tôi.
Hỡi miền Nam, có thấy sự bất công và yếu kém của mình không? Có thấy xã hội mình xuống dốc thế nào chăng? Có thấy tai hại của kết quả ngoại viện không?
– Xin sáng suốt tìm ra lối thoát cho Việt Nam.
– Xin thương thuyết chấm dứt chiến tranh.
– Xin số phận Việt Nam do người Việt Nam định đoạt.
– Xin gỡ hết danh từ, nhãn hiệu mà đoàn kết thương yêu.
Hàng triệu sinh mạng Việt Nam, Hoa Kỳ chờ đợi sự công bằng về nhân ái của quý Ngài. Trang sử Việt Nam lật sẵn, chờ đợi quý Ngài ghi vào đấy nét son.
Khẩn thiết cầu nguyện
Người tự thiêu cầu Hòa Bình (cẩn ký)
Thích Nữ NHẤT CHI MAI tự Nhất Chi
SINH VIÊN VIỆT NAM
BỨC THƯ NGỎ CỦA NHẤT CHI MAI
KÍNH GỞI CHÍNH PHỦ HOA KỲ QUA TỔNG THỐNG JOHNSON
Kính thưa Quý Ngài,
Là một thiếu nữ tầm thường, tài hèn sức kém, tôi quá xót thương về hiện trạng quê hương tôi. Sáo ngữ “Bảo vệ tự do và hạnh phúc” cho Việt Nam mà quý Ngài dùng làm chiêu bài bấy lâu nay, đã quá lỗi thời và lố bịch.
Bao nhiêu tấn bom đạn, bạc tiền quý Ngài đã đổ trút lên Dân tộc tôi, để tàn phá tinh thần và thân xác quốc gia của họ.
Bao nhiêu người Việt Nam có lòng với quốc gia và Dân tộc thì bị quý Ngài đàn áp hãm hại? Bao nhiêu người Mỹ sáng suốt, nhân đạo và dũng cảm dám chỉ trích sự lầm lạc của quý Ngài, thì bị quý Ngài kết án lưu đày.
Vậy mà Hạnh phúc, Tự do!
Quý Ngài có biết người Việt chúng tôi, hầu hết trong thâm tâm của họ, họ chán ghét người Mỹ đã mang chiến tranh đau khổ đến cho xứ sở của họ lắm rồi chăng?
Càng leo thang chiến tranh, càng đổ nhiều nhân lực và tài lực tại đây, các Ngài chỉ thất bại chua cay thôi. Sự vụng về (?) của quý Ngài làm cho quý Ngài mất hết chính nghĩa.
Xin đọc lại trang sử Việt Nam.
Xót thương cho Dân tộc tôi, tội nghiệp cho những người lính Mỹ và thân nhân họ. Họ bị xô vào cuộc chiến tranh phi lý và bỉ ổi. Người ta đã dùng mỹ từ để đầu độc họ. Vinh dự gì cho người Mỹ, nếu trên 20 năm mới chiến thắng Việt Nam bé nhỏ chút chiu này?
Nhục nhã gì cho người Mỹ, nếu biết nhận thức mình là đại cường quốc, có lúc đi quá trớn và giờ muốn dừng lại?
Để cứu nguy cho hàng triệu sinh mạng người Việt Nam, người Hoa Kỳ và danh dự đại cường Hiệp Chủng Quốc, tôi xin mạo muội đề nghị các biện pháp sau:
1. Ngưng oanh tạc Bắc Việt và Nam Việt Nam.
2. Từ từ rút binh, giao cho người Việt Nam định đoạt số phận họ.
3. Nhờ Liên Hiệp Quốc kiểm soát tổng tuyển cử. Người Việt Nam nếu được tự do thật sự, họ đủ khôn ngoan để chọn lựa chế độ nào tự do và hạnh phúc.
4. Giúp đỡ nhân dân Việt Nam, tái thiết xứ sở họ, đã tan nát vì bom đạn của quý Ngài. Người Việt Nam sẽ là người em nhỏ hiền hòa và biết ơn người anh Mỹ sáng suốt hào hiệp.
Lịch sử Việt Nam, lịch sử Hoa Kỳ và lịch sử Thế Giới sẽ ghi nhận hành động Văn minh và nhân bản của quý Ngài.
Cẩn ký
Người tự thiêu để chống chiến tranh
Thích nữ NHẤT CHI MAI tự Nhất Chi
SINH VIÊN VIỆT NAM
———————————————————————————————–
Nguồn tài liệu ” 50 năm chấn hưng PGVN ” của HT Thích Thiện Hoa.
Tác giả bài viết: Nguyên Tuệ
http://phatgiaoaluoi.com/news/Lich-su-Phat-giao-Viet-Nam/Di-anh-va-tieu-su-chu-Thanh-tu-dao-1916/#.UXBxsKJ7Ki4
Comments (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)