Đạo từ của HĐ Tăng Già chứng minh GĐPT Việt Nam trong lễ Hiệp kỵ ngày 7.3 Giáp Ngọ (2014)
của HỘI ĐỒNG TĂNG GIÀ CHỨNG MINH trong ngày Húy Kỵ cụ Tâm Minh LÊ ĐÌNH THÁM và hiệp tiến chư hương linh, đoàn viên quá cố GĐPT Việt Nam lần thứ 45
do BHD TƯ GĐPT Việt Nam tổ chức tại Tu viện Quảng Hương Già Lam
ngày 07 tháng 03 năm Giáp Ngọ (2014)
Nam Mô Thập Phương Thường Trú Tam Bảo tác đại chứng minh
Kính bạch Đại đức tăng, đại đức Ni!
Kính thưa Chư tôn đức HỘI ĐỒNG TĂNG GIÀ CHỨNG MINH, Chư tôn đức HỘI ĐỒNG CỐ VẤN GIÁO HẠNH GĐPT Việt Nam.
Thưa BHD TƯ GĐPT Việt Nam, Anh chị em Htr cùng đoàn viên GĐPT Việt Nam hiện diện hôm nay.
Thưa toàn thể Phật tử!
Hôm nay, ngày 07 tháng 03 năm Giáp Ngọ, ngày húy kỵ lần thứ 45 cụ Tâm Minh LÊ ĐÌNH THÁM, và hiệp tiến hương linh đoàn viên quá cố GĐPT Việt Nam do BHD TƯ GĐPT Việt Nam tổ chức tại Tu viện Quảng Hương Già Lam.
Kính thưa quý vị!
Những lần húy nhật trước tôi đã trình bày, sở dĩ có buổi tưởng niệm này là để tri ân và báo ân các vị Tiền Bối hữu công đã sáng lập ra tổ chức GĐPT Việt Nam.
Lần này, tôi xin trình bày tổ chức GĐPT Việt Nam đã học được gì ở Đạo Phật, ở các Vị Tiền Bối mà chúng ta là hàng hậu sinh. Những điều tôi trình bày hôm nay không ra ngoài châm ngôn của GĐPT Việt Nam là BI – TRÍ – DŨNG.
Trước hết, Đạo Phật là đạo của Từ bi. Là đạo của Hòa bình nhân loại, điều này đã được các đại diện toàn thế giới tại Liên Hợp Quốc công nhận. Vì căn cứ vào lịch sử truyền bá của đạo Phật chưa hề làm rơi một giọt máu nào của nhân loại.
Từ Bi là tình thương, cứu giúp mọi loài. Đời sở dĩ đau khổ là vì thiếu tình thương. Vì thiếu tình thương nên con người đã lấy hận thù đối đãi với hận thù. Vì lấy hận thù đối đãi với hận thù nên thế giới hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác. Đức Phật dạy: “HẬN THÙ KHÔNG THỂ RỬA SẠCH HẬN THÙ, MÀ CHỈ CÓ TÌNH THƯƠNG MỚI RỬA SẠCH HẬN THÙ”. Muốn dập lửa hận thù phải dùng nước TỪ BI.
Đạo Phật là đạo Từ bi, Phật tử là người học theo đạo Từ bi, nên luôn luôn là nạn nhân chứ không phải là kẻ gây chiến. Thấy chúng sanh đau khổ là người Phật tử cứu giúp, không phân biệt thân thù nên bản thân phải nhận lãnh mọi thiệt thòi.
Tôi xin kể một câu chuyện thực tế:
“Thời kỳ chiến tranh với Pháp cũng như Mỹ, chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn ở Quảng Nam Đà Nẵng là nơi có nhiều hang động, nên khi nào bị thất thế là các chiến sĩ, cán bộ Cách mạng chạy vào lánh nạn ở đó. Thế là Ngài trú trì chùa Linh Ứng Thích Hương Sơn sai Điệu chúng tiếp tế. Quen với cách thức đó, năm 1975, ngày Cách mạng giải phóng Tp Đà Nẵng, các binh lính Việt Nam Cộng Hòa bị tan rã cũng chạy trốn ở các hang động này. Ngài Hòa thượng lại sai các Điệu chúng tiếp tế, bị Cách mạng lên án là phản động, sau đó hình như vì lo sợ quá mà Hòa thượng đã chết…”
Theo truyền thống dân tộc, VN là một dân tộc giàu tình thương, đối xử với quân xâm lược vẫn khoan dung, nhân từ. Ngày xưa, bị thua trận, quân xâm lược Tàu đã được triều đình ta cho lương thực, cả ngựa để về nước. Đối với các tù binh Pháp, Mỹ, sau năm 1945 ngày cả khẩu phần ăn của họ cũng hơn hẳn các chiến sĩ Cách mạng.
Như vậy, vì lòng TỪ BI của ngài Hòa thượng Thích Hương Sơn không quá bị thiệt thòi chăng!?
Báo Đạp Phật ngày nay có đăng tin:
“ Một vị Lạt Ma Tây Tạng bị Trung Quốc giam cầm 20 năm. Khi được thả về, đến Ấn Độ yết kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama) Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi: “Trong thời gian bị giam cầm, ông sợ điều gì nhất?”.
Ngày Lạt Ma cung kính trả lời: “Bạch ngài! Trong thời gian bị giam cầm, điều con sợ nhất là con khởi tâm hận thù đối với những người đã giam cầm và hành hạ con.”
Thật là TÂM TỪ BI đến mức tuyệt diệu tối thượng thừa!
Không những đối với loài người mà cả các loài động vật, người tu hành Phật giáo trên hành động không trực tiếp giết hại mà ngay cả trên lời nói, tư tưởng vẫn quyết giữ tâm niệm từ bi. Truyện cổ Phật giáo có câu chuyện nhan đề “NẮM HẠT TRAI” như sau:
“Một hôm, vị Đạo sĩ đến nhà người bán Kim hoàn để khất thực, trong lúc người chủ nhà vội vã đi lấy cơm để cúng dường thì có một con ngỗng đã vô tình đớp cả nắm hạt trai của chủ nhà. Người chủ nhà thấy mất nắm hạt trai nghi ngờ vị Đạo sĩ đã lấy cắp nắm hạt trai. Sau đó, vị Đạo sĩ bị chủ nhà tra khảo và đánh đập nhưng vị Đạo sĩ vẫn im lặng và không nói gì. Đến khi con ngỗng chết, Vị Đạo sĩ mới nói vừa rồi con ngỗng đã nuốt nắm hạt trai của ngươi. Người chủ nhà sai người mổ bụng con ngỗng thì thấy nắm hạt trai ở trong bụng con ngỗng. Người chủ nhà quá ân hận và hỏi: “Vì sao trước đây Ngài không nói để tôi phải phạm tội quá nặng với Ngài?”. Vị Đạo sĩ ôn tồn đáp: “Hỡi thương chủ! Lòng từ bị không giới hạn, ta đã nguyện mở rộng lòng thương với tất cả chúng sanh. Vì thế, nếu ta đem chuyện con Ngỗng bị nhầm dại nói ngay với ngươi từ trước, như thế là ta đã gián tiếp giết hại con ngỗng! Việc ấy ta không bao giờ làm…”
Thứ hai – Đạo Phật là Đạo của Trí Tuệ:
Trí tuệ là trí phán đoán sự việc một cách sáng suốt và đúng chân lý. Đem lại lợi ích cho mình và cho người. Trí tuệ phải luôn luôn đi đôi với Từ bi. Trí tuệ không phải là trí thông minh của người đời mà trong kinh gọi là “Thế trí biện thông”. Trí thông minh của người đời còn chấp trước, còn chia rẽ, còn xảo trá, còn cưỡng bức người khác phải theo mình, còn coi người khác là kẻ sở hữu của mình, nên người ta nói: “Trí không Bi là Trí xảo quyệt – Bi không Trí là Bi mù lòa”. Nhà bác học nguyên tử Einstein khi thấy sự thông minh của mình cuối cùng chỉ đem lại sự chết chóc cho nhân loại, Ông ân hận nói: “Nếu tôi làm lại được cuộc đời thì tôi xin làm một anh thợ hàn hay là người phu khuân vác hơn là một nhà Khoa học”
Vấn đề về Tăng giới – Có một vị Phật tử ở Mỹ gởi thơ cho tôi than phiền về tình trạng Đạo đức suy đồi của tăng giới hiện nay, chuyện này làm ông bức xúc, mất lòng tin nên chỉ tự tu ở nhà, không đi chùa nữa.
Tôi đã viết thơ trả lời:
“Tăng có thánh tăng và phàm tăng. Đức Phật dạy trong thời Mạt Pháp, trong một ngàn vị tăng chỉ có một vài vị giữ giới tinh nghiêm theo lời Phật dạy, thì vẫn duy trì được Đạo pháp được cả ngàn năm. Hơn nữa, ngày nay chưa phải là giai đoạn cuối cùng của Mạt Pháp. Giai đoạn cuối cùng của Mạt Pháp con người 3 tuổi đã lập gia đình, sống 10 tuổi là thọ nhất. Đến giai đoạn này chúng sanh không còn được nghe danh từ Cha, mẹ……Việc con đánh cha, mẹ là chuyện bình thường, học trò đánh thầy cô giáo là chuyện hợp lý…
Ngày nay cũng chưa phải là giai đoạn chúng ta tuyệt vọng về giá trị Tăng bảo. Chúng ta là người phàm mắt thịt, không biết có các vị Thánh tăng, La Hán thị hiện vào cuộc đời để giáo hóa độ sanh hay không? Mà chúng ta chỉ hướng về chùa Long Sơn Nha Trang – đã có các vị Hòa thượng Trí Nghiêm, HT Đổng Minh, HT Chí Tín – Những vị tăng đầy đủ phạm hạnh để làm gương mẫu cho chúng sanh tu hành. Tuy các Ngài đã viên tịch, nhưng hình ảnh, âm thanh, hành động của các Ngài không phai mờ trong tâm tư của tín đồ và quần chúng…”
Xin nhắc lại lời Mẫu Hậu khuyên Vua Càn Long như sau:
“Con ơi, công đức của Phật vô lượng vô biên, hãy nhìn vào Phật chớ nhìn vào Tăng!”
Về đời sống tu hành của từng cá nhân thì có câu”
“Tam nghiệp thanh tịnh thì Phật ra đời – Tam nghiệp bất tịnh là Phật nhập diệt”
Thứ ba – Đức tính Dũng cảm:
Có Từ bi, có Trí tuệ nhưng thiếu Dũng cảm, quá yếu hèn thì không sao thực hiện hoặc duy trì Lý trưởng của mình được.
Trước sự cám giỗ của tài sắc, danh lợi, trước sự áp bức của uy quyền thế lực, nếu người Phật tử không có một nghị lực dũng cảm, không có một sức mạnh tinh thần bất khuất để đối phó, chắc chắn phải đầu hàng với thời thế, với nghịch cảnh.
Lâu nay, thông thường chúng ta chỉ lo đối phó với những khó khăn thử thách từ bên ngoài (ngoại chướng) mà quên đi Nội ma bên trong. Trong kinh có câu: “Ta là kẻ thù của ta – không có kẻ thù nào có thể gây tại họa cho ta bằng những tư tưởng sân hận, si mê của chính minh”.
Mới nghe qua câu này hình như mâu thuẫn. Vì sao ta là kẻ thù của ta, những suy nghĩ kỹ lại thì đúng là như vậy!
Vì sao ta bị tù tội? – Vì ta cướp của, giết người.
Vì sao ta bị luân hồi sinh tử? – Vì ta gây nhiều tội lỗi.
Không lý người khác gây tội mà ta chịu quả báo!!?
Đã là con người thì ai cũng nặng về “Bản ngã”, nặng về cái “Tôi” và “Của Tôi”. Vì nặng về cái Tôi nên chỉ lo cho cái tôi, cái của tôi. Trong kinh có câu chuyện như sau:
“Một hôm, sau khi đi du hóa về, Đức Phật hỏi tôn giả A Nan: “Lúc nãy trên đường về, ông có thấy đàn bò không? Đó là đàn bò người ta đang lùa chúng đến lò sát sanh để giết hại, thế mà chúng có biết đâu! Chúng chỉ lo tranh giành nhau đám cỏ xanh, chúng chỉ lo tranh giành nhau đi trước đi sau, chúng chỉ lo húc nhau….”. Tình trạng con người hiện nay cũng không khác gì! Suy nghĩ thì Giáo hội ta, tổ chức GĐPT ta hiện nay cũng không ra khỏi tình trạng ấy. Hàng xuất gia thì lo tranh giành nhau về địa vị, chùa chiền. Tổ chức GĐPT thì quá chú trọng về cấp Bậc, luật lệ nội quy, chia rẽ đơn vị này đơn vị nọ mà quên đi vấn đề căn bản là sự trường tồn của Đạo pháp, tu hành để xuất ly sanh tử, nhất là quên đi bài học sức lạnh của “Bó Đũa”.
Quốc độ của chúng ta đang ở là Ta Bà, dịch là Nhẫn Độ – Nghĩa là cảnh giới phải nhận nhục, chịu đựng sự khổ, cũng gọi là “KHAM NHẪN KHỔ”.
Muốn tu hành trở thành một người tốt, thành La Hán, thành Phật phải trãi qua vô số kiếp ở cõi Ta ba này, chịu sự khó khăn, chịu sự thử thách mới thành chánh quả. Cũng như muốn thành một chiến sĩ thì phải qua giai đoạn huấn luyện của Trường Quân Sự.
Như vậy, ba đức tính BI TRÍ DŨNG phải luôn luôn đồng hành cùng nhau.
“Bi không Trí là Bi mù lòa – Trí không Bi là Trí điên đảo – Dũng không Trí, không Bi là Dũng tham tàn, bạo ngược”
Cho nên, thái độ của người đoàn viên GĐPT Việt Nam là:
“Đừng vội khóc khi đời đau khổ – Đừng vội cười khi đạt được ước mơ – Đừng vội nghe mà đẩy bạn sang thù”
Lại nữa:
“THƯƠNG NHAU THÌ THƯƠNG THẬT TÌNH – GHÉT NHAU THÌ GHÉT XIN ĐỪNG HẠI NHAU”
Nguyện cầu tình lam không bao giờ phai lạt:
“Ai đi mô thì đi, xin nhớ quay về
Vòng tay thân ái vẫn còn vấn vương
Ai đi mô thì đi, xin nhớ câu thề
Tình lam dào dạt tô thắm thêm cuộc đời”
(Phan Văn Huy Tâm)
Và xin quý vị luôn luôn ghi dạ:
“HẰNG NĂM HÚY KỴ CHƯ LINH
NHỚ VỀ NGUỒN CỘI THẮM TÌNH LAM VIÊN
Comments (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)