Ý nghĩa ngày Phật đản sanh
“Cũng ngày ấy trên hai ngàn năm trước
Khắp vòm trời nhẹ thoảng một mùi hương,
Hoa không riêng mà chung cả mười phương
Đã nở rộ với tình thương nhân loại”.
Hòa nhịp với niềm vui chung của nhân loại trong mùa Phật Đản PL.2563 năm Kỷ Hợi – 2019, Lam viên chúng ta hân hoan cung đón ngày lịch sử thiêng liêng trọng đại, ngày truyền thống của Phật giáo đồ. Kỷ niệm Phật đản là dịp để tưởng nhớ, ôn lại và tri ân vô hạn về sự ra đời vĩ đại của đức Phật, cho nên chúng ta cần tìm hiểu qua những ý nghĩa sau đây:
1.- Lễ Phật Đản chính thức vào ngày nào?
Trước kia, một số nước ở châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…đều làm lễ Phật đản vào ngày 8/4 (âm lịch) nhưng đến năm 1950, tại Hội nghị Phật giáo thế giới ở Sri Lanka (Tích Lan) đã quyết nghị lấy ngày trăng tròn đầu mùa hạ (tức ngày 15/4 âm lịch) làm ngày kỷ niệm Phật đản chính thức.
Theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày này, hầu hết các nước có Phật giáo và những người con của Phật đều long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Từ ngày 15/12/1999, Lễ Phật đản đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (gồm lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn). Nói cách khác, Liên Hiệp Quốc đã khẳng định lấy Phật giáo làm tôn giáo điển hình cho nhân loại, đó là niềm tự hào và tin tưởng cho các hàng Phật tử chúng ta.
2.- Hàng năm Phật lịch được tính từ thời điểm nào?, cụ thể về năm nay?
Năm 1950, các quốc gia theo Phật Giáo trên thế giới nhóm họp tại Tích Lan đã chọn ngày nhập Niết Bàn của Đức Phật (năm 544 trước CN) làm Phật lịch. Do vậy, Phật lịch tính đến Rằm tháng 2 Kỷ Hợi (2019) vừa qua là 2563 (2019 + 544 = 2563). Và Phật Đản năm nay (2019) là lần thứ 2643, vì đức Phật đản sinh vào năm 624 trước CN (2019 + 624 = 2643).
3.- Nên dùng từ ngữ Đức Phật giáng sanh hay đản sanh?
Từ “Giáng sanh” hay “Đản sanh” đều mang ý nghĩa là ngày mà các bậc Phật, Chúa, Thánh xuất hiện sẽ mang đến sự an vui, hạnh phúc cho nhân thế.
Giáng sinh là từ thường dùng của những người theo đạo Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của người lãnh đạo tôn giáo mình, người mà họ cho là Thiên Chúa xuống thế làm người.
Phật giáo thường dùng từ “Phật đản” hay “Phật đản sinh“, với nghĩa: 1. nói rộng ra/ loan truyền cho nhiều người biết, 2. to lớn, và 3. ngày sinh để chỉ cho sự kiện Đức Phật sinh ra đời, là lối dùng chữ mang tính tu từ, vốn đã có trong các thư tịch cổ, bao hàm trọn vẹn ý nghĩa xuất hiện trên đời của Đức Phật mà Bộ Kinh Tăng Chi đã mô tả:”Sự xuất hiện ở đời đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.”.
Ngoài ra còn có ý nghĩa nhân bản: Đức Phật cũng là một người như ta, nhưng Ngài đã vượt ra ngoài cái khuôn khổ của loài người để đi tìm lấy một chân lý tối thượng hầu truyền lại cho con người đi theo con đường Chân – Thiện – Mỹ để được thân tâm an lạc, thanh bình, thịnh vượng, hạnh phúc…Con người “tối linh ư vạn vật”. Bởi chỉ có con người mới có thể có đầy đủ tình cảm, lý trí và ý chí (Bi – Trí – Dũng). Chỉ có con người mới có khả năng siêu việt mọi ràng buộc, vượt thoát mọi thống khổ, dục vọng và khoái lạc để tự trở thành ”đóa sen” bất nhiễm tinh khôi một khi quyết chí xuất trần thượng sĩ, thong dong trên bước đường tu đạo Thất Bồ đề phần.
Trong lịch sử nhân loại, lần đầu tiên sự kiện hy hữu đã xảy ra, một tin mừng thật sự đã đến với loài người: Thái tử ra đời có 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp sẽ là người mang lại an lạc cho toàn thể chúng sanh đang quằn quại trong vòng luân hồi sanh tử.
Theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa: sở dĩ có sự xuất hiện của một vị Phật không phải là biến cố ngẫu nhiên mà chính là kết quả được thành tựu từ bao nhiêu tâm nguyện nung nấu ở quá khứ (nên không gọi là Bồ tát đản sinh).
4.- Lịch sử Phật giáo ghi: “Vừa sinh ra, Thái tử đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót. Đến bước cuối cùng, tay chỉ trời, tay chỉ đất, Ngài dõng dạc cất cao tiếng sư tử hống: Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Bảy bước sen nở và câu nói ấy có ý nghĩa như thế nào?
– Bảy bước sen nở:
Sen, tượng trưng cho sự tinh khôi bất nhiễm.
– Bảy bước, con số chỉ vũ trụ (thời gian phân 3 + không gian có 4 chiều = 7), biểu tượng cho vô lượng bước để hóa độ chúng sanh trong khắp cõi Ta Bà, trong khắp không gian vô tận và thời gian vô cùng, Con số 7 còn là con số biểu tượng trình tự tu chứng, là bảy cấp tiến đến giác ngộ: Thất Bồ đề phần (Bảy yếu tố giác ngộ: Niệm, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ lạc, Khinh an, Định, Hành xả). Một chúng sinh từ thân phận phàm phu, muốn đạt đến quả vị Phật, phải trải qua lộ trình bảy bước hoa sen ấy.
– Câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Nhiều người hiểu câu này theo nghĩa thông thường là: “Trên trời dưới trời, chỉ có Ta là tôn quý hơn cả”. Vì hiểu như thế nên nhiều người cho rằng Đức Phật quá tự cao tự đại, xem Trời Đất không có ai bằng…!
“Chỉ có Ta là tôn quý hơn cả”, không phải là cái Ta của Thái tử Tất Đạt Đa, hay cái Ngã của tất cả chúng sinh khác – không phải là cái thân tứ đại – ngũ uẩn sinh diệt (Vô ngã). Chữ Ta ở đây chính là Phật Tánh, là Chân Tâm chẳng hề sanh – chẳng hề diệt, hoàn toàn thanh tịnh, là cái xa lìa tất cả những cái gọi là đối đãi. Cái ta hay cái ngã đó chính là Chân Ngã, chính là Pháp Thân thường trụ, không bao giờ hư hoại, bao trùm khắp không gian và thời gian. Đó chính là tâm Phật mà ai ai cũng có, bất luận giàu nghèo – sang hèn, bất luận màu da – ngôn ngữ, bất luận tôn giáo – chính kiến, cho nên có khả năng “chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc” bằng chính nỗ lực tu tập của cá nhân. Và đau khổ hay luân hồi sanh tử không phải là một định mệnh nghiệt ngã mà thực ra chỉ là hậu quả của mê mờ vọng tưởng, của vô minh.
Thái tử Tất Đạt đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh những cái ta còn đang ngủ quên miên man trong giấc trần tục, hãy nhìn lại giá trị chữ “Ta”đáng tôn xưng vào bậc nhất mà ngay cả cõi trời (thiên thượng) hay súc sanh (thiên hạ), không chúng sanh nào có được.
5.- Mục đích ra đời của đức Phật là gì?
Kinh Pháp Hoa: “Các đức Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật để đặng thanh tịnh mà hiện ra nơi đời’. Mục đích của đời Ngài là phơi bày (khai) và chỉ rõ (thị) cho chúng sanh nhận biết (ngộ) rằng sự thấy biết của mình và Phật không khác (nhập).
Tri kiến Phật chính là cứu cánh rốt ráo của tất cả những nỗ lực của hàng Phật tử, dầu thuộc tại gia hay xuất gia. Tri kiến ấy là kết quả đạt được trong quá trình thực hành Bồ tát đạo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni và cả chư Phật trong quá khứ. Tri kiến ấy là một cái nhìn thật sâu, thật sáng vào bản thể của nhân sinh quan và vũ trụ quan, mà danh từ Phật học gọi là “như thật tri kiến”.
Người nào đạt được một cái nhìn như thế đối với vũ trụ và nhân sinh thì người đó đã thực hiện được lý tưởng giác ngộ – giải thoát. Người ấy tuyệt đối chẳng còn bị chi phối bởi những biến cố tâm lý, vật lý hay hoàn cảnh xã hội nào.
6.- Thái tử được đặt tên là Tất Đạt Đa, “Tất Đạt Đa” có ý nghĩa gì, vì sao?
Tất Đạt Đa có nghĩa:“vạn sự cát tường”, “Người toại nguyện”, “Nhứt thiết nghĩa thành”.
Vì các Đạo sĩ Bà la môn, nhất là Đại tiên A Tư Đà quan sát 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Ngài, đã kết luận: Đây là bậc Chuyển luân Thánh vương, nếu xuất gia sẽ thành Phật – giảng pháp cứu đời.
7.- Khả năng, đức tính và quan niệm của Thái tử Tất Đạt Đa như thế nào?
Ngài là một vị Thái tử văn võ song toàn, sức khoẻ phi thường, tướng hảo trọn vẹn không ai sánh bằng nên được vua cha, quần thần và toàn dân yêu quý.
Tuy nhiên, dù có những khả năng vẹn toàn như vậy, được kính trọng tuyệt đối và chiều chuộng hết mực nhưng Ngài luôn khiêm tốn – lễ độ, không bao giờ tự mãn với tài năng, uy quyền hay những thứ cao sang. Trái lại, tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, yến tiệc – những điều mọi người đều ham muốn – thì với Ngài, chúng chỉ là những sợi dây xiềng xích trói buộc con người trong đêm trường tăm tối và trôi lăn mãi trong vòng sinh tử. Ngài thấy rõ: vật chất xa hoa hay tài sản, của cải của con người ở cõi Ta bà chỉ là giả tạm, khi mãn duyên phàm cũng chỉ là một nắm tay không. Từ đó, Ngài đã quyết chí xuất gia tìm con đường giải thoát cứu khổ nhân loại. Bằng tất cả nghị lực phi thường, Ngài dấn thân tu hành thành đạo, tích cực đi vào cuộc đời hướng dẫn con đường sống an bình vĩnh cửu cho tất cả chúng sinh.
8.– Qúa trình tu học cuả Đức Thích Ca đến khi Thành đạo, trong bao lâu?
Sau 5 năm tầm sư học hỏi các đạo đương thời, Ngài lần lượt thọ giáo với hai Đạo sư nổi tiếng là A La La Ca Lam và Uất Đầu Lam Phất. Chỉ trong một thời gian ngắn Ngài đã chứng đắc những gì mà Đạo sư chứng đắc. Được hai Đạo sư mời hợp tác giảng dạy chúng đệ tử, nhưng Ngài biết đây chưa phải là đích của giải thoát nên đã cáo từ.
Chẳng còn ai để tìm đến học. Ngài quyết định tự thực hiện lấy cứu cánh giải thoát cùng với năm anh em Kiều Trần Như tu khổ hạnh cùng cực trong 6 năm. Nhưng rồi Ngài nhận ra cách tu cực đoan này chỉ làm tổn hại cả thể chất lẫn tinh thần không thể dẫn đến giải thoát. Qúa sướng hay quá khổ không phải là một lối tu hành chân chính.
Ngài ăn uống trở lại để lấy sức, tinh cần đi vào ngõ Thiền định, trong bốn mươi chín ngày đêm tập trung hành trì dưới cội cây Bồ Đề, Ngài liền giác ngộ thành Phật. Tóm lại, quá trình tu học của Ngài trong thời gian 11 năm 49 ngày đêm.
9.– Tên và ý nghĩa “Tam minh” mà đức Thích Ca đã chứng ngộ?
Đó là: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh.
– Túc mạng minh: Ngài thấu suốt các kiếp sống quá khứ và nẽo tái sanh của mình.
– Thiên nhãn minh: Thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của mình và chúng sanh với các nghiệp nhân và nghiệp quả.
– Lậu tận minh: Ngài tác ý nghịch chiều Duyên khởi, biết rằng đây là đời sống cuối cùng, không còn tái sanh, tâm Ngài thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.
Tuệ giác Tam minh không phải là cái gì bí hiểm khó hiểu khó tin, mà đó là tiềm năng vốn có của con người. Nếu ai biết thực tập và hành trì đúng pháp trong cuộc sống hiện tại thì sẽ đạt được khả năng siêu việt ấy, bởi Phật tính luôn sẵn có trong lòng của mỗi chúng ta, chỉ vì ta chưa biết khám phá và khai thác mà thôi!
10.– Vì sao gọi đạo Phật là đạo nhân bản – bình đẳng?
Vì Đức Phật đã hiện thân vào loài Người và sau khi Thành đạo Ngài đã nói : “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” hay “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Trong nhiều tiền kiếp, Ngài đã tinh tấn tu học – thực hiện biết bao công việc phước thiện để không ngừng chuyển hóa, thăng hoa và thành đạt khi tái sanh.
Mọi người trên thế gian này, nếu có tâm đạo, có ý chí quyết tâm đi theo con đường Đức Phật đã vạch ra mà tu thân, tích đức, loại trừ tham – sân – si thì cũng sẽ thành Phật.
11.– Đạo Phật có siêu hình và mê tín không?
Không! Ngày nay khoa học và văn minh nhân loại càng tiến bộ thì Đạo Phật càng được phát triển, vì hầu hết những khám phá trong khoa học hiện nay thì Đức Thế Tôn đã nói ra cách đây đã trên 2,5 thiên niên kỷ, tiêu biểu như có “Hằng hà sa số thế giới”, “Trong bát nước có vô số vi khuẩn”… Các kinh sách của Đức Phật đã để lại cho nhân loại một kho tàng đồ sộ quý báu. Tất cả đều dựa trên cái Tâm và Trí của thực thể con người; không ảo tưởng, không thần thoại, cũng không có cái gì là siêu hình, mê tín. Không phải như các huyền thọai khác lấy tôn giáo thần thánh hoá cá nhân để mê hoặc con người đi tìm một ảo tưởng vô hình.
12.– Cách diệt tham-sân-si như thế nào?
Từ hơn hai ngàn năm trăm năm về trước Đức Phật đã dạy : “Chớ nên làm ác, hãy làm lành, cố gắng làm cho tâm ngày càng trong sạch” bằng cách tu tập các pháp môn Phật dạy. Đó là điều mà Đức Phật dạy chúng ta phải làm, chỉ có bấy nhiêu. Và chỉ nhờ có bấy nhiêu đó mà ta sẽ tiêu diệt được ba độc là : Tham ái, sân hận và si mê.
13.– Kỷ niệm Phật đản như thế nào là thiết thực?
– Tổ chức Đại lễ trọng thể và trang nghiêm để nhắc nhở người con Phật ôn lại những lời răn dạy tinh hoa của Đức Thế Tôn, làm kim chỉ nam cho đời sống hiện tại cho mỗi người trên trần gian.
– Chúng ta hướng về tưởng niệm và đền đáp lại công ơn to lớn và quý báu của đức Từ phụ, chúng ta hãy thành kính dâng lên năm phần hương giới- định – huệ – giải thoát – giải thoát tri kiến để cúng dường Ngài; nguyện đời đời, kiếp kiếp gieo Bồ đề quyến thuộc cùng Ngài và cố gắng thực hành giáo pháp mà Ngài đã truyền đạt từ bấy lâu nay.
14.– Vì sao Đức Phật chỉ tôn xưng là Thầy của trời người?
Vì Ngài không phải là Thượng đế hay đấng Tạo hóa. Ngài chỉ luôn coi mình là một vị đại đạo sư đối với trời người – chúng sanh, Ngài chỉ ra con đường đúng đắn để đưa chúng ta ở cõi nhân gian đến thế giới an lành vĩnh cửu…
Ngày nay, người đương thời đều tôn vinh đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đấng siêu phàm, xuất chúng, nhưng Ngài luôn khẳng định rằng mình chỉ là một con người đã tìm thấy được nguyên nhân tạo nên đau khổ và hạnh phúc của muôn loài. Chính vì thế, đức Phật đã chỉ dạy cho con người con đường tiến đến giác ngộ – giải thoát.
TRÍ THẮNG NGUYỄN NGỌC SANH
(GĐPT Phước Hải) biên soạn
Comments (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)