Tưởng nguyện húy nhật thứ 33 Cố Hòa thượng đạo hiệu Thích Hạnh Phát – Ân sư cố vấn Giáo hạnh BHD GĐPT Cam Ranh.
Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tôn Tứ Thập Nhị Thế Khai Sơn Vạn Hạnh Tự.
Húy thượng Thị hạ Tấn, tự Hạnh Phát, hiệu Phước Huệ Hòa thượng Chi Giác linh.
Cố Hòa thượng đạo hiệu thượng HẠNH hạ PHÁT (1929 – 1989)
Khai sơn Vạn Hạnh tự – Ân sư Cố vấn giáo hạnh BHD.GĐPT Cam Ranh.
Thu thần thị tịch lúc 20g30 ngày 16 tháng 02 năm Kỷ Tỵ (23-3-1989)
Cách đây 33 năm, Hòa thượng đạo hiệu Thích Hạnh Phát, nguyên là Chánh đại diện GHPGVNTN thị xã Cam Ranh, ân sư cố vấn giáo hạnh BHD Gia Đình Phật Tử Cam Ranh, đã an nhiên thu thần thị tịch sau 61 năm trụ thế.
Suốt cuộc đời, Ngài không một niệm rời bỏ Đạo phong, Đạo hạnh của một bậc Sứ giả Như Lai trong việc hoằng dương chánh pháp, dù có lúc chướng nạn bủa vây, tù tội oan khiên do các thế lực vô minh hãm hại.
Đối với Gia Đình Phật Tử Cam Ranh, trên cương vị cố vấn Giáo hạnh của Ban Hướng dẫn, Ngài đã hằng tận tâm giáo dưỡng, dìu dắt Lam viên vượt bão táp mưa sa vững bước trên đường Đạo với tinh thần Vô Úy.
Hôm nay, nhân húy nhật lần thứ 33 của Thầy, chúng con xin ôn lại tấm gương Đạo nghiệp sáng ngời của Ân sư, như một nén tâm hương dâng lên Giác linh Hòa thượng, tâm nguyện noi theo gương Ngài để kiên định ý chí phụng sự Chánh pháp, phụng sự mục đích – lý tưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam với tinh thần bất thối chuyển.
Tiểu sử HÒA THƯỢNG THÍCH HẠNH PHÁT
Hòa thượng Thích Hạnh Phát, thế danh Huỳnh Văn Thiết, sinh ngày 09 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (nhằm ngày 18 tháng 02 năm 1929), tại xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Thân Phụ của Thầy là cụ Ông Huỳnh Văn Hải. Thân Mẫu là cụ Bà Đinh Thị Bền.
Thuở thiếu thời thường lui tới ngôi chùa làng do Phụ thân Ngài khai tạo và chủ trì, nhờ nhiều thuận duyên nên căn cơ sớm khai mở. Ý nguyện xuất gia học Đạo đến với Ngài lúc 7 tuổi. Thấy được ý nguyện này nên thân phụ cho hành điệu từ đó. Tuy vào chùa lúc còn ít tuổi nhưng rất chuyên cần, sớm chiều hai buổi công phu học hỏi kệ kinh. Biết rõ ý chí xuất gia cao cả của Ngài nên cụ Ông nhờ Bà Nội đưa vào Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa tại chùa chi hội Vạn Ninh. Lúc này Ngài đã được 9 tuổi. Mãi đến năm 15 tuổi Ngài được Hòa Thượng Huyền Chân, Chủ Tọa Liên Trì Tự nhận làm môn đồ, đặt pháp danh Thị Tấn. Đến ngày 15-12-1945 thọ Sa Di tại chùa Thiên Bửu, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Thượng tọa Thích Hải Đức làm Đàn Đầu.
6 năm sau, vì chùa Vạn Ninh chưa có Tỳ Kheo trú trì, theo nhu cầu Phật sự Ngài được Hòa Thượng Bổn Sư tạm đưa về trú trì ở đây, lúc Ngài vừa được 22 tuổi. Tuy mới là tân Sa Di nhưng vẫn điều hành công tác phật sự chùa Vạn Ninh trôi chảy, hướng dẫn Phật tử tín đồ đúng với chánh pháp trong tinh thần hòa hợp, từ bi hỷ xả. Nhưng với ý nguyện tu học cao cả của Ngài là phải được đào tạo căn bản nền giáo lý Phật Đà. Đến năm 24 tuổi Ngài thỉnh cầu Hòa Thượng Bổn Sư cho theo học khóa đào tạo Tăng tài, và đã vào Nha Trang tạm trú tại chùa Nghĩa Phương để theo học khòa Tăng tài tại Phật Học Viện Hải Đức.
Đến năm 1957, lúc Ngài tròn 28 tuổi, được tỉnh hội Phật Giáo Khánh Hòa giới thiệu đến Giới đàn Hải Đức tại chùa Hải Đức thọ Cụ Túc giới do Hòa Thượng Thuyền Tôn chủ đàn với Pháp hiệu Phước Huệ, Pháp Tự Hạnh Phát. Kể từ đó Ngài bắt đầu con đường sứ giả Như Lai hoằng dương chánh pháp.
Năm 1958, 29 tuổi được Giáo Hội Phật Giáo Khánh Hòa chính thức bổ nhiệm về trú trì tại chùa chi hội Phật Giáo Vạn Ninh. Trong thời gian Phật sự tại đây, ngoài việc điều hành giáo hội, truyền bá giáo lý, hướng dẫn nghi lễ, Ngài còn thường xuyên đến các nơi các vùng chưa có ánh sáng đạo Phật rọi đến để thuyết giảng, xây dựng từng khuôn hội, Niệm Phật đường. Bởi thế, không bao lâu từ miền núi đến hải đảo, đồng bằng đến trung du trong huyện Vạn Ninh đa số hướng về với Phật giáo, lời kinh tiếng kệ vang khắp đó đây. Ngài đã vận động Phật tử kẻ công người của xây dựng nên các ngôi chùa như: Chùa Hải Lương, chùa Lương Hải và nhất là chùa Đại Lãnh nơi mà công nhân viên chức hỏa xa được Ngài cảm hóa cùng xây dựng. Nơi nào có bóng dáng Ngài là nơi ấy có tín đồ Phật tử biết hòa kính yêu thương một niềm chánh tín vào chánh pháp. Qua năng lực và đạo hạnh của Ngài đã đem lại một thành tựu lớn lao cho chi hội Phật Giáo Vạn Ninh, tỉnh hội Khánh Hòa một cách tốt đẹp.
Đến năm 1963, vì nhu cầu phật sự tại tỉnh giáo hội Phật Giáo Pleiku, Ngài được Phật Học Viện trung Phần bổ nhiệm làm Chánh đại diện tỉnh hội Phật Giáo Pleiku. Với sự hăng say nhiệt tình của người tăng sĩ trẻ xuất thân từ Phật Học Viện, Ngài đã miệt mài đi truyền bá rồi thuyết giảng về các thôn xóm, buôn làng trong tỉnh. Đem đến một tình thương cao cả và lòng tin chánh tín cho tín đồ Phật Giáo tỉnh nhà. Nhưng vì khí hậu quá khắc nghiệt của Cao Nguyên không phù hợp với sức khỏe làm cho Ngài thường xuyên bệnh hoạn. Cuối năm ấy (có phái đoàn Phật giáo Trung Phần, Thầy Tâm Hộ làm trưởng đoàn) đến làm công tác Phật sự nơi này thấy vậy, sợ không bảo đảm được sức khỏe Ngài nên đề nghị Văn Phòng Phật Học Viện Trung Phần cho Ngài về dưỡng bệnh tại chùa chi hội Van Ninh.
Đầu năm 1964, bác Bạch Cư Sĩ – đại diện Phật tử Cam Lâm – làm đơn thỉnh nguyện lên tỉnh Giáo hội, mời đích danh Ngài và được Phật Học Viện Trung Phần bổ nhiệm làm Chánh đại diện Phật Giáo Chi Hội Cam Lâm, trụ trì chùa Phổ Hiền. Kể từ đó, Ngài gắn bó đạo tình với Tăng, Ni Phật tử Cam Ranh cho đến phút cuối cùng của cuộc đời.
Đến năm 1966, Quận Cam Lâm được tách ra khỏi tỉnh Khánh Hòa và nâng lên thành thị xã Cam Ranh (cấp hành chánh tương đương cấp Tỉnh thời bấy giờ), Ngài được cử làm Chánh đại diện Phật Giáo thị xã Cam Ranh. Trong thời gian lãnh đạo GHPG Cam Ranh, Ngài đã cùng Tăng Ni tín đồ tham gia xuống đường bảo vệ Đạo Pháp trong thời kỳ pháp nạn, tiếp tục xây dựng cơ sở Phật Giáo theo hiến chương GHPG Việt Nam thống nhất.
Ngài đã động viên hộ trì các công trình xây dựng chùa Bình Tịnh – Cam Bình và khai sơn chùa Tây Thiên – Cam Phước.
Đứng ra gánh vác chức vụ Cố vấn giáo hạnh, Ngài đã cùng với những Huynh Trưởng trong BHD Gia Đình Phật tử Cam Ranh thời đó, gồm quý Anh, Chị: Tâm Quán Đỗ Đình Chi, Nguyên Nghiêm Lê Văn Đi, Nguyên Thơ Trần Ngọc Tư, Tâm Châu Nguyễn Trưng, Quảng Thừa Tôn Thất Phú, Quảng Sơn Đoàn Đình Long, Tâm Sơn Lữ Tiên Tòng, Nguyên Hoà Hoàng Thị Mỹ Ngọc…kiến lập và phát triển phong trào GĐPT rộng khắp trên đất Cam Ranh.
Năm 1965, Ngài bắt đầu khai phá khu đồi Núi Một, là một ngọn đồi hoang vu, rậm rạp, một thời nổi tiếng hang hùm rắn dữ. Thời gian đầu tiên khi Ngài đến khai hoang nơi này, đã được đông đảo Phật tử phát tâm hưởng ứng; nhờ công quả tháo vát, nhanh nhẹn của thanh thiếu niên Gia Đình Phật Tử, sớm biến cảnh hoang vu ấy trở thành ngôi Bảo tự Vạn Hạnh trang nghiêm thanh tịnh hôm nay.
Năm 1967, vì sức khỏe không cho phép, Ngài từ nhiệm Chánh đại diện Phật Giáo thị xã Cam Ranh, về chùa Vạn Hạnh tiếp tục xây dựng, tu niệm. Để phù hợp với sức khỏe của Ngài, Tăng tín đồ Phật tử Cam Ranh cung thỉnh Ngài giữ chức vụ Đặc ủy Tăng Sự. Nhưng rồi chỉ đến năm 1969, vì Phật sự chung Ngài lại tái giữ chức vụ Chánh đại diện Phật Giáo thị xã Cam Ranh. Vì nhu cầu thuyết giảng và củng cố hạ tầng cơ sở giáo hội, Ngài đã đi hết các miền, bất kể ngày đêm. Do vậy mà sức khỏe Ngài giảm sút, nên giữa năm 1970 lại phải nghỉ để dưỡng bệnh và chỉ nhận lãnh trách nhiệm Đặc ủy Tăng sự.
Đến năm 1973, Ngài được Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tấn phong lên hàng Thượng tọa và cử tiếp tục giữ chức vụ Chánh đại diện Giáo hội Phật Giáo thị xã Cam Ranh.
Sau năm 1975, có một quãng thời gian chướng nạn luôn vây bũa Thầy, bị vướng vào vòng lao lý đầy oan khuất, nhưng Thầy vẫn an nhiên tự tại, giữ vững Đạo hạnh, Đạo phong của một bậc sứ giả Như Lai.
Đến tháng 3 năm 1989, trong hội nghị tổng kết Phật sự Huyện hội, Thượng tọa Thích Châu Quang và Đại đức Thích Giác Y xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Giới thiệu Ngài đứng ra lãnh đạo giáo hội. Lần này tuy sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng trước lòng ngưỡng mộ, tín nhiệm của Tăng, Ni, tín đồ trong huyện, Ngài đã hoan hỷ nhận lời.
Nhưng chỉ hai ngày sau đại hội, Ngài đột ngột lâm trọng bệnh. Mặc dù được bác sĩ tận tình cứu chữa; Môn đồ, Phật tử cận kề chăm sóc, nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Biết thân tứ đại sắp trả về tứ đại, Ngài gọi môn đồ để dặn dò mọi việc và cho thỉnh chư Tăng để trao lời di chúc. Và rồi vào lúc 20g30 ngày 16 tháng 2 năm Kỷ Tỵ (23-3-1989), Ngài rời bỏ nhục thân để trở về nước Phật một cách an nhiên tự tại trong tiếng chuông trống Bát Nhã và tiếng niệm Phật, cầu kinh của Môn đồ, Phật tử…
Ngưỡng bạch Giác linh Hòa thượng,
Suốt cả cuộc đời Ngài đã cống hiến cho Phật giáo, biểu hiện trọn vẹn Bi – Trí – Dũng. Đến như trong giờ phút cuối cùng, với Đạo hạnh của một bậc sứ giả Như Lai, lời di chúc vẫn thể hiện lấy hạnh Từ Bi mà phục vụ cho đời. Ngài dạy: “…Nếu còn sống thì dù sức khỏe thế nào tôi cũng tiếp tục chung lo Phật sự với giáo hội cùng quý Thầy và Đạo hữu. Theo luật vô thường, tôi bỏ thân tứ đại này, thì mong quý Thầy, quý Đạo hữu hãy đoàn kết, lấy tình thương và trí tuệ cùng chung lo xây dựng giáo hội bằng sự thực hành, hàm dưỡng Giới – Định – Tuệ và thể hiện từ bi trong xã hội cho phù hợp với chánh pháp…”.
Lời nói cuối của Ngài đến nay như vẫn vang vọng đâu đây, chúng con luôn vững tin rằng: Hòa thượng mãi mãi ở bên chúng con, đang hướng dẫn chúng con qua khỏi lằn ranh mê vọng, giữa cuộc đời dục vọng u mê.
Nhân kỷ niệm húy nhật lần thứ 33 của Thầy, trong giờ phút trang nghiêm thanh tịnh niệm tưởng đến Thầy, chúng con ngưỡng mong Giác linh Hòa thượng chứng giám cho tâm thành tri ân của chúng con.
Nhân đây, chúng con thành kính niệm ân Thượng tọa THÍCH TẾ ĐẠT, người đang tiếp nối hạnh nguyện “thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sanh” tại Chùa Hòa Thành – Cam Lâm, đã hoan hỷ cho phép chúng con sử dụng bài viết và hình ảnh tư liệu về vị Bổn Sư tôn quý của Thượng tọa.
Bảo tháp của Hòa thượng tại chùa Vạn Hạnh (Núi Một – Cam Ranh)
NHỚ THẦY
Con về bên mái chùa xưa
Nhìn lên Di ảnh lòng chưa ngớt buồn
Thời gian thắm thoắt dần buông
Ba mươi năm – đếm vui buồn đầy vơi…
Thầy đi con ở lại đời
Cô thân độc bước chơi vơi sớm chiều
Thầy về Cực Lạc tiêu diêu
Con nương tiếng mõ, chuông chiều kệ kinh
Lạy Thầy, lạy Phật chứng minh
Cho con vững bước trên đường tiến tu
Quyết tâm độ hết quần ngu (những ý niệm si mê của chính mình)
Trang nghiêm phước huệ song tu viên thành
(Tỷ kheo Thích Tế Đạt)
(Theo bài viết và hình ảnh tư liệu của Thượng tọa THÍCH TẾ ĐẠT)
Comments (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)