UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

Tác Giả Huy Hiệu HOA SEN TRẮNG

 (Trí Thắng sưu tầm)

Lê Lừng, sinh ngày 19/8/1920, là tác giả Huy hiệu Hoa Sen và bài ca Dây Thân Ái cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam, đã qua đời vào ngày 20/8/1999 tại tư gia số 5/86-h đường Nơ Trang Long,Sài Gòn, Hưởng thọ 80 tuổi.

– Vào thập niên 90, Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước có dư luận xôn xao về phù hiệu Hoa Sen của Tổ chức Gia Đình Phật Tử bị một số cá nhân chiếm dụng, đem đăng ký tại Văn khố  Hoa Kỳ để làm chủ quyền của riêng mình, ai không ở trong tổ chức mình mà sử dụng Huy Hiệu Hoa Sen sẽ bị truy tố, đã gây một dư luận xôn xao và chờ có cơ hội ra tòa vì tội đeo Phù hiệu Hoa Sen. Bỗng nhiên chúng tôi nhận được bài viết của anh Tâm Hảo Hồ Phùng ( Ai là tác giả Huy Hiệu Hoa Sen và bài ca Dây Thân Ái )

Hôm nay xin ghi lại để tưởng nhớ đến anh Lê Lừng đã để lại cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam một công trình vô cùng qúy giá. Nhũng thế hệ đàn em của anh Lê Lừng sẽ Tinh tấn tiếp nối đưa bài ca “ Dây thân ái lan rộng đến vô cùng”, mà người dẫn đầu dây là anh Lê Lừng .

Nhân duyên :

“ Thưa ông, tôi là một người từ xa đến đây, tôi xin phép được gặp ông một chút được không?” – “Dạ được, mời ông”- anh Lừng mời. “Thưa ông, tôi là người Ấn Độ sinh sống tại Việt Nam. Tôi làm nghề buôn bán tơ lụa, ngoài ra, tôi có học chút ít về tướng số. Đi ngang qua đây, tôi thấy ông đứng trước sân nên phải dừng lại để thưa với ông một điều: Thưa ông, kiếp trước ông là một Hoàng tử của Ấn Độ. Ông có lập một ngôi chùa, nhưng ông phạm phải lỗi lầm trong việc thờ phụng Tam Bảo nên kiếp này ông phải sinh ra nơi này.”

Một người có một cuộc sống tự do, không thích ràng buộc bất cứ việc gì như anh Lừng, thì chuyện bói toán là chuyện hoang đường xem như gió thoảng qua thôi, không đáng lưu tâm.

Anh Lê Lừng, sau khi học hết “Diplome”, anh làm nghề dạy học cấp Tiểu học. Lúc này là lúc Việt ngữ rất cần thiết. Những con em ở thành phố, nhà có tiền, mới được vào trường học. Còn con nhà nghèo, hoặc ở thôn quê hẻo lánh thì không thể nào có cơ hội ăn học được. Anh Lừng đi tổ chức từng lớp học sinh nghèo do đích thân anh đến dạy. Ở thành phố, anh có làm cái nhà bằng  vách đất, lợp tranh để làm trường tư dạy cho con em nhà có tiền, và anh dùng tiền đó để giúp những con em nhà nghèo có sách vở để đến trường học.

Anh Lừng bản tính thích sống tự do. Mọi hành động đều do tâm nguyện của riêng anh, không bị ràng buộc bởi bất cứ ai. Cho nên anh sống thoát ly gia đình bằng cách sắm một chiếc xuồng. Ngày hai buổi, anh xuôi ngược trên giòng sông Hương để đi làm và cũng để đi dạy học. Tới bữa thì vào bờ ăn cơm tháng. Tối đến, anh neo thuyền trên sông Hương ngắm trăng, làm thơ, viết nhạc. Thỉnh thoảng, anh rủ mấy người bạn xuống xuồng anh trong những đêm trăng sống với trời trăng mây nước.

Ngoài nghề dạy học, anh có một nghề tay trái là đánh máy chữ. Ngoài giờ dạy học, anh viết báo, đưa cho Bác Thám (Lê Đình Thám) hiệu đính rồi đưa cho báo Viên Âm đăng. Anh cũng đánh những bài giáo lý do Bác Thám soạn để đi dạy trong Phật Học Đường. Nhà Bác Thám  chiều nào cũng có tụng kinh. Ngoài những người trong nhà ra, hàng xóm, kể cả các em nhỏ cũng được tham dự. Anh Lê Đình Luân, con trai Bác Thám, là bạn thân với anh Lừng. Cả hai người cùng sinh hoạt trong đoàn Hướng Đạo Đinh Bộ Lĩnh. Việc tụng kinh trong nhà Bác Thám, anh Lừng và anh Luân không chỉ tham dự mà còn đóng góp một phần chính. Nhất là trong việc vận động tuổi trẻ trong xóm đến tham gia mỗi ngày mỗi đông hơn. Việc tụng kinh ở nhà ngày càng được tổ chức có hiệu quả. Hơn nữa, việc anh Lừng và anh Luân sinh hoạt trong Đoàn Hướng Đạo cũng bị gia đình phản đối vì thấy không mang lại lợi ích thật sự cho bản thân và xã hội. Nhân dịp này, anh Lừng bàn với Bác Thám thành lập một đoàn lấy tên là Đoàn Hướng Đạo Sinh Phật Tử, kết hợp các bộ môn Hướng Đạo,dạy giáo lý, dạy chữ quốc ngữ, và sinh hoạt theo hình thức Hướng Đạo cho phù hợp với tuổi trẻ. Ý kiến này được Bác Thám chấp thuận, nhưng thay vì lập đoàn Hướng Đạo Phật Tử thì lập đoàn có tính cách gia đình để phổ biến Phật Pháp đến mỗi gia đình. Do vậy nên đặt tên là “Gia Đình Phật Hóa Phổ”. Vì theo ý của Bác Thám, chúng ta cần phổ biến Phật đến mỗi gia đình thôi.. nếu lập đoàn Hướng Đạo Phật Tử thì phải xin phép chính quyền, mà chính quyền thời này do người Pháp cai trị. hễ cái gì họ không kiểm soát được thì không dễ gì xin phép được. Cho nên lập đoàn của gia đình thôi thì khỏi phải bị rắc rối về luật pháp.

Thế là lớp tụng kinh mỗi buổi tối tại nhà Bác Thám trở thành đơn vị Gia Đình Phật Hóa Phổ đầu tiên có tên là Tâm Minh. (Tâm Minh là pháp danh của Bác Thám), Bác Thám là Phổ Trưởng. Mục đích chính là hướng dẫn Phật Pháp cho tuổi trẻ, qua hình thức tụng kinh Phật, hát những bài hát ngắn, không để tuổi trẻ hiểu Phật Pháp lệch lạc trở thành mê tín dị đoan. Tổ chức hướng dẫn cho các em học quốc ngữ ‘Việt Ngữ’, không nói tiếng Việt  pha lẫn tiếng Pháp. Mỗi tháng hai ngày rằm và mồng một sinh hoạt tại nhà Bác Thám. Lần lượt các nơi ở Huế cũng thành lập theo mô thức đó. Chẳng hạn như gia đình ông Tôn Thất Lùng ở Bến Ngự, do anh Đinh Văn Nam (nay là Hòa Thượng Thích Minh Châu) đảm trách. Ở Vỹ Dạ có gia đình ông Nguyễn Khoa Toàn, ở Bến Ngự có gia đình ông Nghè Khắc. Mỗi năm đều có tổ chức cắm trại chung ở Nam Giao, Từ Tây, Trúc Lâm, Tây Thiên hay các rừng thông ở Huế. Trại đầu tiên tổ chức ở Đồi Từ Hiếu chỉ mới có bốn Phổ. Anh Lừng làm Trại Trưởng. Trên đất trại, anh cảm hứng ôm đàn sáng tác bài “Dây Thân Ái” và tập liền tại trại. Khi bế mạc trại, bài hát được hát lên lúc chia tay đã gây một ấn tượng sâu xa trong lòng mọi người và truyền lại mãi đến hôm nay.

Mỗi lần kết thúc cuộc cắm trại, anh Lừng viết một bài tường thuật về cuộc trại đưa cho các báo đăng. Từ đó anh Lừng có thêm nghề viết báo. Theo anh, bài của anh phần lớn dịch lại các bài trong sách báo Pháp có liên quan đến tuổi trẻ, rồi đưa cho các báo đăng dưới bút hiệu “Linh Sơn”.

Một cơn lụt lớn làm trôi mất chiếc xuồng. Từ đó anh sống lang thang ngày hai buổi đi bộ từ Đập Đá đến Bến Ngự làm việc và dạy học. Thấy vậy, Bác Thám bảo về nhà bác ở.

Gia Đình Phật Hóa Phổ theo mô thức đó mỗi ngày mỗi đông thêm. Anh Lừng lại nghĩ: tại sao mình không có một cái phù hiệu (logo) đeo trước ngực như anh em bên Hướng Đạo khi làm lễ tuyên thệ vào đoàn là được đeo phù hiệu Hoa Huệ. Anh Lừng bèn tự ý vẽ ra cái phù hiệu Hoa Sen, trên năm cánh, dưới ba cánh, không học ai, cũng không phải do nằm mộng, miễn sao đơn sơ và đẹp, đem trình Bác Thám. Bác Thám lên Tây Thiên đi dạy và trình cho Quý Thầy, được Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết ứng chứng và được Quý Thầy đồng ý cho áp dụng. Sau này có Đoàn Phật Học Đức Dục, gồm những vị có học thức cao, muốn tìm hiểu thêm Phật Giáo, cũng dùng huy hiệu Hoa Sen này nhưng có thêm mấy chữ viết tắt PHĐD ở phía trên. Đoàn Phật Học Đức Dục là những thanh niên lớn tuổi hơn các em trong Gia Đình Phật Hóa Phổ, do Bác Thám dắt dìu và đào tạo thành một lực lượng thanh niên trí thức làm rường cột hoằng dương Chánh Pháp.

Sau đó Đoàn Phật Học Đức Dục kết hợp với Gia Đình Phật Hóa phổ và trở thành Gia Đình Phật Tử ngày nay, và cũng dùng phù hiệu Hoa Sen. Phù hiệu được các nhà trí thức Phật Giáo định nghĩa như sau:

–        Hình tròn tượng trưng cho Đạo Phật viên dung hoàn toàn vô ngại.

–        Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết của tuổi trẻ.

–        Màu xanh lá mạ tượng trưng cho tuổi trẻ vươn lên.

–        Năm cánh trên tượng trưng cho năm Hạnh của Chư Phật và Bồ Tát.

–        Ba cánh dưới tượng trưng cho ba ngôi Tam Bảo.

Phù hiệu Hoa Sen từ đó đã trở thành bài Phật Pháp linh diệu cho mỗi đoàn viên Gia Đình Phật Tử mỗi khi phát nguyện vào đoàn, khi đọc năm điều luật để sống trong năm hạnh của chư Phật,Bồ Tát.

–        Tinh Tấn:      Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện.

–        Từ Bi:            Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống.

–        Trí Tuệ:         Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.

–        Thanh Tịnh: Phật trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.

–        Hỷ Xả:           Phật tử sống hỹ xã để dũng tiến trên đường Đạo.

Sau khi lớn lên anh Lê Lừng gia nhập ngành Thủy Lâm. Với bản tính thích tự do không muốn bị ràng buộc, thích sống với trời trăng mây nước, hoa lá cỏ cây, suối reo chim hót, nên ngành Thủy Lâm là ngành phù hợp với cuộc sống thiên nhiên mà anh yêu thích. Theo lâm nghiệp, anh được đổi vào miền Nam. Sông Dinh là nơi anh đến làm việc. Là một nhiếp ảnh viên, anh Lừng đã tiếp nhận những phong cảnh trữ tình của quê hương  như cảnh Biển Lạc, Núi Ông, Lăng Cầu, đầu nguồn sông La Ngà, đỉnh núi Đại Bình, cảnh rừng U Minh ven theo rừng đước…Cảnh sông núi nước non đã cuốn hút người săn ảnh vào kiếp sống rày đây mai đó. Lúc sống với các buôn người Thượng, khi thì xuống đồng quê hay về biển mặn của Phan Thiết. Một điều bất ngờ cho anh là khi đi đến đâu, anh Lừng cũng thấy cái phù hiệu Hoa Sen anh đã vẽ cho Gia Đình Phật Hóa Phổ “năm 1939” trên các nóc chùa, các lễ hội của Phật Giáo, ở cổng tam quan, nhà văn hóa.  Kể cả ở đám tang, người ta cũng dùng để trang trí. Và đương nhiên, với Gia Đình Phật Tử trải rộng cả ba miền đất nước, đi đến đâu anh cũng thấy Gia Đình Phật Tử cài phù hiệu “Hoa Sen”, và đâu đâu cũng nghe bài ca “Dây Thân Ái” bắt lên cùng với tay bắt tay thân ái và với câu mở đầu “Dây thân ái lan rộng muôn nhà”.

Lúc bài hát được sáng tác mới chỉ có bốn nhà thôi là Nhà Bác Thám và Bác Tôn Thất Tùng ở Bến Ngự, Nhà Bác Nguyễn Khoa Toàn ở Vỹ Dạ và Nhà Bác Nghè Khắc ở Bến Ngự. Vậy mà câu mở đầu ấy đã báo trước tình thân ái của Gia Đình Phật Tử sẽ lan rộng khắp muôn nhà. Bài “Dây Thân Ái” là bài hát vược cả không gian lẫn thời gian.giờ này Gia Đình Phật Tử đã có mặt trên khắp thế giới, thì sự linh diệu của bài hát vô tư đó đã lôi cuốn tuối trẻ vào một vòng tròn vô tận.

Một hôm anh Lừng xem truyền hình, thấy phần tin tức chiếu tại Ấn Độ, Đảng Bharatiya Janata Party (BJT) tổ chức lễ mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử chức thủ tướng có phất cao lá cờ Đảng BJP. Anh Lừng thấy rất rõ lá cờ cũng mang phù hiệu Hoa Sen, trên năm cánh, dưới ba cánh giống như phù hiệu Gia Đình Phật Tử. Đến ngày lễ nhậm chức Thủ Tướng Ấn Độ, anh Lừng thấy trên lễ đài, bên cạnh quốc kỳ nước Ấn Độ cũng có lá cờ của Đảng BJP. Cũng phù hiệu Hoa Sen. Một thắc mắt là phù hiệu nào có trước?

Chính anh Lừng cũng không  hiểu.

Từ đó anh Lừng suy nghĩ: có lẽ Đức Phật nói tất cả đều do nhân duyên “ mà có cả. Anh nhớ lại lời ông thầy bói người Ấn Độ lúc xưa nói “tiền thân của anh là một hoàng tử Ấn Độ”. Khi đó anh nhìn lại trong số bảy người con của anh, có ba người (2 hiện ở San Jose, 1 ở Vũng Tàu) sao có nét giống người Ấn Độ vô cùng. Cũng mắt to, có quầng đen bao quanh mắt, mũi dọc dừa, nét mặt hoàn toàn giống người Ấn Độ.Có lẽ lời ông thầy bỏi nói có phần đúng.

Anh Lừng là một con người sống rất nhẹ nhàng, buông thả. Việc gì anh làm rồi là thôi, không để cái ngã vào đó. Anh quan niệm làm cho mọi người  vui, không có gì là quan trọng. Không ngờ anh sáng tác phù hiệu Hoa Sen đeo chơi cho đẹp, sáng tác bài “Dây Thân Ái” hát chơi cho vui lúc chia tay, thế mà giờ này đã trở thành quan trọng vượt cả không gian lẫn thời gian. Có cả hàng triệu đoàn viên kết dây thân ái đến vô cùng, phát nguyện để lên “trái tim” mình phù hiệu Hoa Sen, tôn thờ ba ngôi Tam Bảo, nguyện sống với năm Hạnh: Tinh tấn, Thanh tịnh, Từ bi, Trí tuệ và Hỹ xả của Chư Phật.

Cũng chính vì cái quan trọng đó mà giờ này ai cũng muốn giành làm của riêng. Ở Hoa Kỳ, vào khoảng năm 1997-1998, một nhóm người cũng đem đi đăng ký với Văn khố Mỹ để làm của riêng nên đã gây ra một ngộ nhận trong tổ chức Áo Lam tại Hoa Kỳ, làm xôn xao dư luận. Lúc này anh Lê Lừng vẫn còn sống. Nhờ có một số bạn bè đồng nghiệp ngành Thủy Lâm qua điện thư thăm viếng, tâm tình thì anh Lừng mới cho biết lúc còn trẻ chính anh là tác giả chiếc phù hiệu Hoa Sen và bài ca “Dây Thân Ái”.

NGUỒN INTERNET

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb