KHÔNG DÍNH MẮC

Dính mắc là tham đắm vào một điều gì đó, vào ai đó mà không tách rời được, không bỏ được, bị lôi kéo, bị thu hút như một lực hút vô hình.
Khi dính mắc thì con người thường sống làm khổ mình, khổ người và khổ các loài chúng sinh khác.

Làm sao hiểu được để mà không dính mắc? Khi hiểu được mọi pháp là vô thường, là luôn thay đổi, là không có gì bất biến, hay bất di bất dịch cho nên chúng ta buông bỏ tất cả. Khi buông bỏ tất cả, không chấp vào bất kỳ cái gì thì chúng ta không còn dính mắc, không còn trụ ở bất kỳ điều gì, vật gì, chính bản thân hay ai thì chúng ta không còn chấp trước nữa.

Vậy thường con người dính mắc vào điều gì, vào ai hay cái gì?

  1. Dính mắc vào hoàn cảnh môi trường xung quanh, không vừa ý cái này, không vừa ý cái kia, sống không biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng. Ví dụ như chổ ở có muỗi, kiến, các loài côn trùng, rắn, rít, bò cạp, cuốn chiếu,…nhiều quá. Chổ ở tối ẩm, ít nắng, hoặc nắng nhiều quá,…
  2. Dính mắc vào những người sống xung quanh. Ví dụ: họ làm biếng làm việc, kéo dài thời gian, chỉ ngồi chơi cho hết ngày rồi về. Hoặc người này tu như thế này là không đúng, người kia cũng vậy. Hoặc người quản lý này không có đạo đức, đức hạnh mà được làm quản lý,…
  3. Dính mắc vào ý kiến, lời nói, việc làm của người khác.Ví dụ: cách quản lý tiền bạc của tu viện, chùa không minh bạch, việc làm của người quản lý không đúng với những gì thầy dạy,…
  4. Dính mắc vào những nghi ngờ xấu về người khác.
  5. Dính mắc vào những đánh giá, nhận xét, phát xét chủ quan của chính mình.
  6. Dính mắc vào những gì nghe, thấy hoặc đọc được. Khi nghe ông A nói về ông B như thế này, thế kia là tự nhiên bị dính mắc vào những lời nói đó rồi tìm cách đi tìm hiểu có phải đúng như vậy không ? đánh giá, nhận xét, phán đoán mọi việc theo ý của mình đúng sai phải trái,…
  7. Dính mắc vào những thành kiến, kiến chấp của mình về người khác. Tính cách của mỗi người luôn thay đổi, không có gì là không thay đổi. Hôm qua họ keo kiệt bủn xỉn, nhưng hôm nay có thể họ đã biết mở rộng tấm lòng ra bố thí, chia sẻ,…
  8. Dính mắc vào tư tưởng, quan niệm, quy định của người khác, của tôn giáo, của các đảng phái chính trị, của các tổ chức công đoàn, tập thể,…
  9. Dính mắc vào những lỗi lầm trong quá khứ của ai đó. Có thể lúc xưa người đó hay sân, nhưng hiện tại có thể họ đã thay đổi rồi, chúng ta không nên cố chấp mà phải biết mọi việc là vô thường, không có gì bất biến trên đời này cả.
  10. Dính mắc vào những chuyện quá khứ, tương lai.
  11. Dính mắc vào những hiểu biết, kinh nghiệm của mình của người.
  12. Dính mắc vào sự chê khen, thành bại, được mất, tốt xấu, vui buồn, đúng sai, phải trái, thật giả, có không, ngon dở, giàu nghèo, nam nữ, thiện ác, chánh tà, đẹp xấu, mắc rẻ, ưu khuyết, quá khứ tương lai, yêu hận, thương ghét, hạnh phúc đau khổ,….
  13. Dính mắc vào cách đối xử, cư xử của người khác.
  14. Dính mắc vào cái nhìn, sự nhận xét, đánh giá của người.
  15. Dính mắc vào hình tướng, cách ăn mặc, điệu bộ, cử chỉ,…của người.
  16. Dính mắc vào cái thân, cái ngã, chấp cái thân là của mình, suốt ngày lo cho nó, chăm sóc cho nó, vì nó mà thương giận, sân, oán, hận,…
  17. Dính mắc vào của cải tài sản, tiền bạc, chức vị, bằng cấp, vị trí, tình cảm, người thân quen, ăn uống, ngủ nghỉ, mua sắm, …
  18. Dính mắc vào sự hơn thua, vào vị trí đứng đầu, vào vị trí cao nhất, vào danh hiệu, vào sự đoạt giải, vào thắng thua,…
  19. Dính mắc vào các vật nuôi, thú cưng, cây trồng,…
  20. Dính mắc vào chuyện đời, chuyện xã hội, chuyện quốc tế, chuyện chính trị, chuyện tôn giáo, chuyện kinh tế, chuyện khoa học, chuyện thời đại, tất cả mọi ngành nghề, công tác xã hội, tổ chức, công đoàn, câu lạc bộ,…
  21. Dính mắc vào những trò vui chơi giải trí như phim ảnh, nhạc, kịch, game, internet, email, chat, blog,…
  22. Dính mắc vào những thiếu sót, tiêu cực, bi quan, khiếm khuyết của mình và người.
  23. Dính mắc vào cuộc sống, bệnh tật, già và chết.
  24. Dính mắc vào những giả thuyết, lý luận, chân lý, mệnh đề, tư tưởng của khoa học, của tôn giáo, của các học giả,…và của tất cả mọi người.
  25. Dính mắc vào những phát hiện mới, phát minh mới, những thành tựu, khám phá mới của khoa học,….
  26. Dính mắc vào những máy móc điện tử công nghệ cao như smart phone, smart tv, tablet, laptop, máy tính, robot, biến đổi gene, internet,… và tất cả những máy móc điên tử gia dụng khác.
  27. Vào chùa hoặc tu viện thì dính mắc vào chùa, tu viện, từ chuyện tổ chức, chuyện xây dựng, chuyện tài chánh,… cho đến thầy, cô, phật tử, làm phước. Ví dụ xem những gì thầy làm là luôn luôn đúng mọi thời đại, bất di bất dịch, không thể thay đổi được,… bị phật tử lôi kéo, cám dỗ,…
  28. Dính mắc vào phước báu hữu lậu.
  29. Dính mắc vào nhân quả của người khác.
  30. Dính mắc vào các pháp tu như phải ngồi thiền, tụng kinh, niệm thần chú, tu phải có thần thông, thiền định; Tứ Niệm Xứ, Định Niệm Hơi Thở, Thân Hành Niệm; các trạng thái thanh tịnh, bất động, các cảm thọ (thọ khổ, thọ lạc, thọ bất khổ bất lạc),…
  31. Dính mắc vào thời tiết, khí hậu,…
  32. Dính mắc vào những gì mình đã làm, làm được, đạt được, thành công, đã tạo dựng, đã phát minh, đã sáng chế, đã sáng tạo, đã tạo ra, đã lập ra,….
  33. Dính mắc vào những vật quý, hiếm, lạ, đẹp, mình không có cho đến những vật nhỏ còn dùng bị bỏ dưới đất cũng lượm lên đem về cất,…
  34. Dính mắc vào v.v và v.v…

Muốn không dính mắc thì phải nhớ luôn luôn phòng hộ sáu căn, giữ tâm không phóng dật, không để cho 6 căn dính mắc với 6 trần, luôn sống với tri kiến giải thoát, buông xả (tri kiến về nhân quả, lý vô thường, bất tịnh, cái chết, đức hiếu sinh,…) thường xuyên quán vô lậu để xả bỏ mọi tham muốn, dính mắc ở đời.

Tất cả các pháp từ ngoài vào trong đều là vô thường, ai hiểu rõ được ý nghĩa vô thường của vạn pháp thì mới không dính mắc hay chấp trước. Còn ai vẫn còn chấp trước, dính mắc hay trụ vào bất kỳ điều gì thì chưa hiểu được ý nghĩa vô thường của vạn pháp.

Chỉ khi không dính mắc thì tâm mới tự nhiên bất động. Bất động tự nhiên là kết quả của sự buông xả sạch không còn một hột bụi nào. Đó là sự buông xả thật sự từ nội tâm của một người tu theo đạo Phật, là người đệ tử Phật chân chính.

Không dính mắc vào bất kỳ pháp nào trên thế gian này thì làm gì còn tương ưng với thế giới tham sân si mạn nghi trên trái đất này nữa, nghĩa là đã làm chủ nhân quả, chấm dứt tái sanh luân hồi.

Buông xả sạch, không còn một hột bụi nào, đời sống trắng bạch như vỏ óc không còn điều gì có thể ràng buộc người đó. Có như vậy thì tâm mới bất động thanh thản an lạc và vô sự.

Tâm bất động thanh thản an lạc vô sự của đạo Phật không phải do tụng kinh, đọc thần chú, niệm Phật, chú tâm vào đề mục nào hay là ngồi thiền. Tâm bất động thanh thản an lạc vô sự là sự tự nhiên của tâm buông xả sạch khi giác ngộ chân lý Tứ diệu đế, nguyện sống cuộc đời đạo đức, đức hạnh, nghĩa là sống toàn thiện, nghĩa là giữ gìn trọn giới luật nghiêm chỉnh.

Tóm lại chỉ cần giữ gìn giới luật đức hạnh nghiêm chỉnh thì người đó sẽ buông xả tất cả, luôn sống trong thiện pháp thì chắc chắn người đó sẽ không còn chấp trước, dính mắc hay trụ vào bất kỳ pháp nào. Vì khi còn dính mắc, chấp trước hay trụ vào pháp nào thì ác pháp từ đó sanh ra.

Người hiểu được vạn pháp là vô thường thì buông xả tất cả không còn chấp trước, dính mắc hay trụ vào pháp nào cả. Tâm người đó luôn bất động thanh thản an lạc và vô sự. Chính trạng thái tâm này gọi là Niết Bàn.

Niết Bàn là trạng thái của tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự, niết bàn không phải là thế giới nào cả. Do vậy Niết Bàn mới gọi là chân lý thứ 3 trong Tứ Diệu Đế. Chân lý nghĩa là khi nói ra ai cũng hiểu và làm được. Còn hiểu Niết Bàn là thế giới thì mỗi người sẽ hiểu một kiểu, hiểu như vậy không thể gọi là chân lý được.

Vạn cảnh đang lay động
Tùy cảnh tâm an vui
Nhờ cảnh tâm vô trụ
Không buồn cũng không vui

(Phi Mạnh)

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb