Chữ “DŨNG” trong đạo Phật

Biên soạn: Trí Thắng Nguyễn Ngọc Sanh

                              (Huynh trưởng Đơn vị GĐPT Phước Hải)

 

“NGÀY DŨNG” là ngày lễ kỷ niệm truyền thống của Đoàn Thanh, Thiếu nam Gia Đình Phật Tử Việt Nam, cho nên chủ đề thuyết trình hôm nay là “Chữ DŨNG trong đạo Phật” và đối tượng chính là Thanh, Thiếu niên.

Nội dung thuyết trình gồm có:

1.- Châm ngôn của GĐPT và biểu tượng của Đoàn Thanh, Thiếu nam.

2.- Định danh về chữ DŨNG.

3.- Cái Dũng của đức Từ Phụ.

4.- Cái Dũng của Thánh tử Đạo.

5.- Cái Dũng của Thanh, Thiếu niên.

6.- Kết luận.

1.- Châm ngôn của GĐPT và biểu tượng của Đoàn Thanh, Thiếu nam:

GĐPT Việt Nam là một tổ chức giáo dục Thanh, Thiếu và Đồng niên theo tinh thần Phật giáo. Lấy sự đào tạo “con người toàn diện” làm mục đích để tiến tới một gia đình, một xã hội thấm nhuần bản chất đạo Phật – Con người lý tưởng ấy phải có:

– Tình cảm dồi dào, đẹp đẽ làm tư cách tiến hóa.

– Lý trí hiểu biết rộng rãi, đúng đắn làm trí thức tiến hóa.

– Nghị lực (ý chí) lớn lao để vượt qua mọi trở ngại làm năng lực tiến hóa.

Chính vì vậy mà GĐPT.VN lấy BI – TRÍ – DŨNG làm châm ngôn chỉ đạo cho cuộc sống của người Đoàn viên trong mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm để có một nhân cách “làm người” (tương đối) dần dần tiến lên “Thánh Hiền” rồi “làm Phật” (tuyệt đối).

Điều này dễ hiểu: Trong chương trình tu học cuả Đoàn sinh, các Bậc lần lượt được biết qua các chuyện tiền thân của đức Phật Thích Ca. Ngài đã tu học phát triển dần dần ba đức hạnh Bi – Trí – Dũng nên đã tiến hóa từ các loài cầm thú như “Lòng hiếu chim Oanh vũ”, “Con Nai hiền”, “Con Thỏ mến đạo”, “Con Voi hiếu nghĩa”… lên “Người Đạo sĩ chí hiếu”, “Cặp mắt Thái tử Câu Na La”, “Thái tử Tu Đại Noa”… Thái tử Tất Đạt Đa”, rồi thành Phật với tôn hiệu Thích Ca Mâu Ni.

Và Đoàn Thanh, Thiếu nam thuộc về phái “mạnh”, có sức sống tiềm tàng như đại dương xanh ngát, có chí nguyện phụng sự và hướng thiện. Nên GĐPT.VN đã lấy chữ “DŨNG”, một phần của Châm ngôn làm biểu tượng tinh thần. Như thế, không có nghĩa là Thanh, Thiếu nam chỉ thuần túy với cái “Dũng” mà cần phải hội đủ cả “Bi” và “Trí” mới viên dung. Cũng như chư Phật và Bồ tát, vị nào cũng đều có đủ công đức vạn hạnh, chứ không phải chỉ có Phật Thích Ca mới “Tinh tấn”, Bồ tát Quán Thế Âm mới “Từ bi”, Bồ tát Văn Thù mới “Trí tuệ”… Đó chỉ là đặc điểm nổi bật.

 “DŨNG” là một danh từ đặc trưng để phù hợp với tâm, sinh lý cuả Thanh, Thiếu nam mà thôi.

2.- Định danh về chữ DŨNG:

Chữ DŨNG bao hàm nhiều ý nghĩa thâm thúy và tùy theo mỗi hành động mà chúng ta thấy cái Dũng linh hoạt dưới nhiều hình thức khác nhau:

Cái Dũng bàng bạc khắp trong đời sống thường nhật của con người, biểu hiện chung quanh và rất gần gủi với con người.

– Dũng là hành động: Suy tư và quyết định mau lẹ để cứu một em bé thoát khỏi giòng nước cuốn hay một tai nạn xe hơi. Đó là cái Dũng đúng đắn hiểu theo tinh thần Phật giáo.

– Dũng là nghị lực, ý chí: Là thân phận con người với bao phàm tính, dục vọng, ích kỷ… Không khỏi có những giờ phút mềm yếu, chán nãn, buồn lo trước những cảnh ngộ bất như ý. Chắc chắn cấn phải nhiều nghị lực, ý chí để tự thắng lấy mình, để vượt qua bao gian lao, khổ cực, buồn lo…

– Dũng là tinh tấn, quyết tiến: Trong cuộc sống nghèo túng, thiếu thốn phương tiện làm ảnh hưởng đến các điều kiện tiến bộ khác. Như trong tu học hay khi thực hành gặp phải những khó khăn, trở ngại bởi nhiều cao siêu, khúc mắc… dễ làm chúng ta giải đãi, thối thất. Nếu không kiên quyết, một dạ phấn đấu tiến thủ thì dễ đầu hàng trước nghịch cảnh, chướng duyên.

– Dũng là quả cảm, hy sinh: Cuộc đời đâu phải cứ lặng lẽ trôi xuôi? Trước những biến cố, thay đổi bất ngờ, cần phải dùng cái Dũng của mình để đối phó. Với chí Dũng chúng ta mới có thể chấp nhận dấn thân vào sự nguy hiểm để cứu khổ, ban vui; để duy trì, ổn định cuộc sống; để bảo vệ lý tưởng, công bằng, lẽ phải…

Tuy nhiên, trong những trường hợp không cần thiết, thiếu chính nghĩa, phi lý thì dù có ai khua chuông gióng trống hay mượn những danh từ hoa mỹ để kêu gọi sự hy sinh thì chúng ta cũng bình chân như vại. Đó cũng là một hình thức Dũng. Bởi vì Dũng không phải là luôn luôn lao đầu vào nguy hiểm mà không biết sợ; có lúc chính là phải biết dừng lại, cản lại không cho người khác lao đầu vào. Sự tiến lên, dừng lại, thối lui cũng đều là Dũng – miễn sao hành động của chúng ta phải do tình thương thúc đẩy và soi sáng bởi trí tuệ (hợp nhất Bi Trí Dũng); nếu không sẽ manh động, nguy hiểm và mọi thứ đều là hư danh.

Nói như thế cũng chưa hết ý nghĩa của chữ Dũng. Cần lần lượt khảo cứu những cái Dũng sau đây để quán triệt sâu sắc (cái ý nghĩa thâm thùy ấy) hơn.

3.- Cái Dũng của Đức Từ Phụ:

– Sau khi dạo chơi ngoài bốn cửa thành và mục kích những cảnh mưu sống, già nua, tật bệnh, chết chóc; lòng Từ bi cao cả của Ngài bị dồn ép trước vấn đề:” Làm thế nào để giải thoát cho ta và mọi người chung quanh ra khỏi cảnh khổ đau ấy?. Và khi Ngài đã thấy mở ra trước mắt một chân trời bình minh:” Chỉ có sự sưu tầm và liễu ngộ được chân lý mới có thể cứu mình, cứu người thoát ra ngoài vòng khổ ải”. Ngài đã không ngần ngại một sự hy sinh to tát là ngôi vị Đế vương và tình yêu thương hạnh phúc để theo tiếng gọi cứu đời:” Hỡi Phụ hoàng, hiền thê, bào nhi, xã tắc! Xin hãy chịu sự chia ly này cho đến ngày tôi tìm ra phương pháp giải thoát!”. Đó là lời Ngài từ giả để cương quyết lên đường tìm đạo. Thực là một sự Dũng cảm hy sinh cao cả mà khó ai có thể làm được.

– Trải qua một thời gian chu du rày đây mai đó trên đá sỏi đường rừng để học đạo và cùng tột tu hành mà chân lý vẫn mịt mờ, chưa thoát khỏi tư tưởng hệ bản ngã. Không vì thế mà Ngài chán nãn, giải đãi; ngược lại đã tự phát thệ với lòng mình:” Dù máu ta có khô, xương ta có mục; ta cũng không rời khỏi chốn này nếu chưa tìm được chân lý để đưa chúng sanh đến hạnh phúc cùng ánh sáng”. Ngài đã tranh đấu quyết liệt với hoàn cảnh, với nội tâm, với vô minh và chân lý. Cuối cùng Ngài đã hàng phục được ma quân và tiến lên ngôi Vô thượng giác. Một chiến thắng oai hùng, không tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại.

Hình ảnh của Đức Từ Phụ là một gương sáng cao cả, tiêu biểu cho chúng ta soi chung, để bắt chước, sửa đổi, luyện tập mà Dũng tiến trên đường giác ngộ.

4.- Cái Dũng của chư Thánh tử Đạo:

Tiêu biểu cho quý Tăng Ni đã anh dũng xả thân vì Đạo trong mùa Pháp nạn 1963 là hình ảnh Bồ tát Thích Quảng Đức. Trong dạt dào của tình thương, với vẻ trầm tỉnh làm lắng đọng cả cảnh và vật, Ngài đã tạo ra một sức mạnh vô hình cùng lúc hàng phục được hai sức mạnh ghê gớm:

– Một là, sức nóng kinh hồn của ngọn lửa dầu xăng đang thiêu cháy cơ thể.

– Hai là, sức nóng kinh hồn của ngọn lửa hận cừu nung đốt tâm tư mọi người chung quanh Ngài.

Ngài đã toát ra những tinh anh mà Ngài đã hấp thụ được trong giáo lý Từ Bi của Phật. Trong yên lặng, Ngài đã nói lên cái Dũng vô úy một cách hùng hồn.

* Đồng thời với Ngài còn có Chị Quách Thị Trang, Chị Đào Thị Yến Phi, Anh Nguyễn Văn Ngọc… Những người con trai, con gái ấy đã xót xa đau đớn – cái xót xa đau đớn chung của mọi người. Qúy Anh Chị ấy cảm thấy con đường mình đi là đẹp và đã thể hiện lòng tin vào lý tưởng tôn thờ của mình như một sự tối cần thiết. Qúy Anh Chị ấy đã cương quyết bỏ mình để làm sáng tỏ lẽ phải, và thản nhiên đi vào cõi chết oai hùng và đẹp đẽ. Càng suy nghĩ, chúng ta càng cảm thấy những cái chết ấy thực là thâm trầm, sâu sắc, làm xúc động mãnh liệt trong lòng mọi người. Trong yên lặng, quý Anh Chị ấy đã ra đi; những khủng hoảng lương tâm, những dày vò dằn vật; cùng với những thức tỉnh, những vươn lên phát khởi!

Trong thời buổi mà bóng tối gần như đang gự trị khắp mọi nơi, chư Thánh tử Đạo quả thật là những ngôi sao sáng, hành động của chư vị đáng làm cho chúng ta suy gẫm, kính phục.

5.- Cái Dũng của Thanh, Thiếu niên:

Ở thế hệ trẻ, Dũng mang một màu sắc khác – Dũng đang ở thế vươn lên, trong ý chí hướng thiện:

– Sống mà không chối bỏ thực tại mình đang sống, sống mà lòng đầy tự tín, tự lực, tự cường, không mong nhờ và phó thác đời mình cho người khác.

– Sống mà tự chủ, giữ gìn nhân cách đứng đắn, không sa ngã trước những cám dỗ xấu xa.

– Sống mà trung thành với lý tưởng mình đang tôn thờ.

Đó là những nếp sống Dũng. Là một Phật tử tại gia, nhất là Đoàn viên GĐPT còn có thể biểu lộ lòng Dũng cảm qua:

– Lòng tin kiên cố vào Phật Pháp.

– Sự phát Bồ đề tâm.

– Việc giữ gìn Tam quy Ngũ giới.

– Các việc từ thiện.

Ngoài ra, chúng ta cần chiêm nghiệm và nên cố gắng tu tập, thực hành dần những điều khó làm trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương:” Nghèo khổ biết bố thí – Giàu sang biết học đạo – Bỏ mình vì lẽ phải – Không ham mê sắc dục – Thấy thứ tốt không mong cầu – Bị mắng chữi sỉ nhục không sân hận – Có quyền thế không cậy mình – Học rộng biết nghiên cứu nhiều – Biết dẹp trừ tánh ngã mạn – Không khinh người chưa học – Có tâm bình đẳng – Nhóm họp các thiện tri thức – Thấy chân tính để học đạo – Tùy thuận hóa độ người – Trông cảnh không động tâm – Biết áp dụng mọi phương tiện”.

Thực hiện được nếp sống Dũng như vậy mới song hành được ý thức về sự ràng buộc khổ đau của cuộc đời và sự giải thoát khổ đau đó, mới xứng đáng là con cưng của Đấng Thế Hùng.

6.- Kết luận:

Chữ Dũng trong đạo Phật tiềm tàng ý nghĩa nhẫn nhục, kiên trì; chiến thắng nội tâm, hàng phục ngoại cảnh, trung kiên với lý tưởng, bỏ mình vì lẽ phải, thản nhiên trước hiểm nghèo.

Cái Dũng trong đạo Phật tiềm tàng trong những ai hành động quả cảm cho những mục tiêu chính đáng khế hợp với giáo lý Từ Bi, phục vụ cho công lý, cho sự thật; vì công lý, vì sự thật.

Chúng ta không thể lý thuyết suông vô bổ hay lấy đó làm bức tranh đẹp để ngắm nhìn. Thế hệ trẻ hôm nay cần phải trang bị bằng cái DŨNG của đạo Phật để xứng đáng là một “con người toàn diện” căn bản cho một xã hội mới./-

Tài liệu tham khảo, sử dụng:

  1. Cái Dũng trong đạo Phật với thế hệ Thanh niên (Lê Hữu Bôi),
  2. “Bi – Trí – Dũng”, bản chất của GĐPT.VN (VĐC – BHD.TƯ GĐPT.VN)

3. Tập “Nghiên cứu và Diễn giảng”

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb